Hình ảnh cô giáo bắt trò quỳ gối được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội mới đây lại gây tranh cãi dữ dội.
Ngày xưa, văn hóa Á Đông tôn quân- sư- phụ, quỳ trước ba bậc ấy cũng như quỳ trước lương tri lễ nghĩa có gì đâu mà ầm ĩ.
Việt Nam ngày nay không chỉ có mỗi văn hóa Á Đông với chuẩn mực đạo đức Khổng nho như xưa nữa. Nhiều luồng văn hóa mới có sức ảnh hưởng toàn cầu, nhất là tư tưởng về nhân quyền -đặc biệt là nhân quyền đối với trẻ em trở thành giá trị phổ quát.
Việc cô giáo ở Thường Tín (Hà Nội) phạt học trò quỳ gối lại gây tranh cãi dữ dội. Đây thực sự là sự xung đột của tư tưởng giáo dục cũ và mới. Ảnh: Internet
Giáo dục thời xưa đòi hỏi phải tạo ra những con người theo chuẩn mực xã hội cũ quy định. Giáo dục hiện đại đòi hỏi phải tôn trọng, phát triển những cá nhân riêng biệt.
Giáo dục xưa cùng các giềng mối và trật tự xã hội, độc tôn một thuyết tư tưởng duy nhất. Giáo dục hiện đại khuyến khích sự đa dạng và chấp nhận mọi sự khác biệt.
Ông đồ xưa cần uy quyền, giáo viên ngày nay cần uy tín. Ông đồ xưa cần ngồi cao hơn phụ huynh (theo thứ tự quân - sư - phụ), giáo viên và cả phụ huynh ngày nay cần làm bạn với bọn trẻ, tôn trọng chúng như những công dân bình đẳng.
Giáo dục xưa áp dụng hình phạt nhằm răn đe học trò biết sợ đòn roi từ bên ngoài. Giáo dục ngày nay phải giúp đứa trẻ kiểm soát bản thân chúng từ bên trong.
Đấy là sự thay đổi tất yếu, là sự khác biệt về triết lý giáo dục của hai thời đại khác nhau. Ai càng hiểu rõ điều này càng nhanh chóng xây dựng được hệ giá trị mới, càng ít mang tâm thế sợ hãi phán xét xã hội. Người làm giáo dục, nhất là phụ huynh càng cần có tâm thế thay đổi phù hợp với thời đại để hiểu trẻ, tôn trọng trẻ và dạy trẻ.
Tôi nhận ra đến hiện tại, nền giáo dục Việt Nam vẫn loay hoay với triết lý giáo dục chưa đủ định hình hệ giá trị mới, nên hệ tư tưởng cũ - mới vẫn xung đột loạn xạ, nửa tây nửa ta. Khi việc trách phạt học trò bị tố giác, giáo viên luôn thể hiện sự bất lực, sự bất ngờ và xin rút kinh nghiệm. Tôi đã nghe nhiều giáo viên trò chuyện "rút kinh nghiệm" tức là đối phó với phụ huynh kín kẽ hơn, hoặc "lờ" đi học trò quậy phá để không bị đưa lên mạng xã hội.
Phụ huynh càng ngày càng xét nét nhà trường. Ở nhà, nhiều phụ huynh vẫn đánh chửi con như cơm bữa, vẫn thản nhiên áp dụng "thương cho roi cho vọt" đầy áp đặt, hoặc cưng chiều con thái quá. Họ sẵn sàng đổ lỗi cho nền giáo dục và thầy cô, dễ "làm cho lớn chuyện" thay vì ngồi xuống bàn bạc cùng nhà trường khi có việc bất ý. Với mối quan hệ gia đình- nhà trường tròng trành như thế, đứa trẻ khó mà học được kỷ luật và lòng tự trọng về giá trị bản thân.
Không có một hệ giá trị chuẩn, thì chuyện gì cũng đem ra cãi nhau được chứ chả có mỗi chuyện quỳ.