Giảm lãi suất được xem là mục tiêu xuyên suốt và quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay; tăng khả năng tiếp cận và đảm bảo tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chứng khoán hứng khởi
Trong tháng 3 vừa qua, Ngân hàng (NH) Nhà nước đã hai lần giảm lãi suất điều hành và lãi suất huy động. Cùng với đó, hàng loạt động thái tháo gỡ thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN) của các cơ quan quản lý nhà nước như Nghị định 08/2023 và dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021.
Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất đang mang lại hứng khởi cho ngành |
Với các động thái trên, thị trường chứng khoán - một thị trường kỳ vọng và nhạy cảm với các tác động chính sách đã có những chuyển động tích cực. Điển hình, thị trường này đã tăng liên tục trong 10 phiên vừa qua, đồng thời giá trị thanh khoản tăng mạnh, có thời điểm chạm mốc 14.000 tỉ đồng/phiên. Điều này chưa từng có trong giai đoạn trước thời điểm môi trường lãi suất cao.
Kết luận cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 (ngày 3-4), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ, giảm chi phí DN. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu NH Nhà nước điều hành cân bằng, hợp lý giữa lãi suất và tỉ giá, tăng trưởng - lạm phát; xử lý các vấn đề liên quan đến NH yếu kém và rà soát tháo gỡ khó khăn về vốn cho thị trường bất động sản, phát triển nhà ở, nhất là gói tín dụng 120.000 tỉ đồng.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán KBSV đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam thường có biến động tương quan chặt chẽ với diễn biến mặt bằng lãi suất. Với kỳ vọng xu hướng hạ lãi suất hiện nay và sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, trong khi các yếu tố gây áp lực như lạm phát, tỉ giá và thanh khoản hệ thống NH đã hạ nhiệt, kết hợp với các chính sách điều hành của Chính phủ và NH Nhà nước sẽ là những yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán.
Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc khối phân tích Maybank Investment Bank, cho biết lãi suất của Mỹ có thể đạt đỉnh vào tháng 6 và sẽ khiến đồng USD không còn tăng mạnh, qua đó giảm áp lực điều hành tỉ giá cũng như lãi suất cho Việt Nam.
Theo các chuyên gia, nhìn chung lãi suất giảm đem đến nhiều tác động tích cực cho thị trường chứng khoán. Vì khi lãi suất tăng giảm, các DN trên sàn chứng khoán sẽ không còn chịu chi phí vốn vay cao, qua đó gây ảnh hưởng cho triển vọng tăng trưởng trong tương lai cũng như thu nhập ngắn hạn.
Cú hích quan trọng cho nền kinh tế
Thực tế, việc giảm lãi suất cho vay chưa thể giảm ngay sau khi NH Nhà nước có động thái cắt giảm lãi suất điều hành và huy động nhưng điều quan trọng nhất lúc này đang mang lại tâm lý lạc quan cho toàn bộ nền kinh tế.
NH Nhà nước đang ngày càng chủ động trong chính sách tiền tệ thay vì chờ đợi các biến số trở nên rõ ràng hơn. Hành động nhanh của cơ quan điều hành đang trở nên hợp lý vì các chỉ số kinh tế đang không quá tích cực. Tăng trưởng GDP của quý I-2023 tăng chậm lại do bối cảnh kinh tế khó khăn, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng cộng với mặt bằng lãi suất cao thúc đẩy tâm lý thắt chặt chi tiêu, khiến sức cầu tiêu dùng trong nền kinh tế cũng suy yếu.
Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NH Nhà nước, hiện nay nhiều lĩnh vực kinh doanh đang gặp khó khăn. Khó khăn này đến từ nhiều phía, trong đó có biến động khách quan vì tình hình khó lường trên thế giới. Việt Nam là đất nước có độ mở cửa lớn, chịu ảnh hưởng nhiều của tình hình thế giới.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho biết khi giảm lãi suất sẽ kích cầu tín dụng, qua đó kích thích người dân và DN sẵn sàng đi vay nợ nhiều hơn để sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Đồng thời tăng thêm nguồn thu tín dụng và dịch vụ đi kèm cho các tổ chức tín dụng. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đây là cú hích rất quan trọng cho nền kinh tế.
Cùng góc nhìn, chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải nhận định lãi suất thấp làm chi phí vay rẻ hơn, khuyến khích người tiêu dùng và các công ty vay vốn để tài trợ cho chi tiêu và đầu tư lớn hơn. Lãi suất thấp hơn khiến việc mua các tài sản như nhà ở trở nên hấp dẫn hơn. Khi mức cầu tiêu dùng cao sẽ thúc đẩy các DN gia tăng sản xuất mạnh để đáp ứng nguồn cung, từ đó giúp tăng các hoạt động kinh tế và việc làm.
TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng cần thời gian để việc giảm lãi suất thấm dần vào nền kinh tế. Do đó, đến cuối tháng 4, mặt bằng lãi suất cho vay giảm 1,5%-2%. Trên cơ sở đó, các DN sẽ có chi phí sử dụng vốn thấp, có thể tăng trưởng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để lãi suất giảm nhanh hơn nữa, NH thương mại nên tiết giảm chi phí, giảm biên lợi nhuận của mình để hỗ trợ DN.
Cần thêm nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khó
Chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần đưa thêm nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khó. Ảnh: N.NHI |
Bên cạnh giảm lãi suất, để DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, NH Nhà nước có giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho DN, giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn.
Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay một năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, cần áp dụng chính sách ân hạn một năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau như lần hỗ trợ năm 2021, càng làm DN khó khăn thêm. Theo đó, thời gian của hợp đồng vay cũng được kéo dài thêm tương ứng với thời gian ân hạn mà không làm thay đổi số tiền phải trả từng kỳ theo lịch trả nợ trước đó. Điều này sẽ giảm áp lực trả nợ so với yêu cầu phải chia đều nợ phải trả theo Thông tư 01 của NH Nhà nước.
Hiện nay, lãi suất tiền vay hầu hết đều trên 10%/năm sẽ là khó khăn cho DN sử dụng đòn bẩy nợ vay. NH Nhà nước có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các NH thương mại, khống chế tỉ lệ biên độ lãi ròng (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các NH thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay nhằm hạ lãi suất cho vay.
Ông NGUYỄN ĐỨC HƯNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA)