Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa có ý kiến về việc nghiên cứu di dời tượng Trần Nguyên Hãn về vị trí cũ. Cùng với đó, các ngành cần đề xuất thêm phương án làm mới tượng Trần Nguyên Hãn bằng chất liệu bền vững hơn, nghiên cứu tỷ lệ kích thước bệ tượng và tượng cho phù hợp, hài hòa với tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành.
Dũng mãnh và hòa bình
Tượng đài Trần Nguyên Hãn đặt chếch trước cửa Bắc Chợ Bến Thành, nằm giữa bùng binh Quách Thị Trang được dựng lên vào năm 1965 (trong lòng vòng xoay này có tượng bán thân liệt nữ Quách Thị Trang được dựng năm 1964 nên được dùng luôn làm tên gọi cho bùng binh này).
Tượng Trần Nguyên Hãn nguyên khối đài - bệ và tượng trước khi tháo dỡ, di dời năm 2014. Ảnh: LƯU ĐỨC |
Tượng Trần Nguyên Hãn cưỡi ngựa, thả chim câu là một tượng đẹp ở TP. Với kết cấu của cả vòng tròn quanh chân tượng, lên tới bệ, rồi lên phần chính…. toàn khối tượng cao khoảng 10 mét. Nó hoàn toàn hài hòa với chiều cao của cửa Bắc chợ Bến Thành và chiều cao các khối nhà, hàng cây từ các hướng đường Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Hàm Nghi…. đổ vào bùng binh.
Cũng với chiều cao đó khối tượng trở nên gần gũi với người dân qua lại vì từ xa hướng về bùng binh hoặc đi quanh vòng xoay đều có thể nhìn thấy toàn khối tượng và hình tướng Tả tướng Trần Nguyên Hãn.
Đứng ở góc đường Hàm Nghi hoặc khu nhà hàng Vân Cảnh thì thấy dáng của Tả tướng như đang kìm cương bằng tay trái, còn con ngựa như đang trên đường phi tới trước thì bị ghìm lại chuẩn bị chuyển sang thế đi khoan hòa. Cùng lúc tay phải Tả tướng vung lên và từ trên đầu bàn tay một chú bồ câu tung lên, bay về phía trước như là bay đi báo tin chiến thắng, hòa bình.
Còn đứng ở trước cửa Bắc chợ Bến Thành thì thấy cả dáng đi của ngựa và dáng ngồi của Tả tướng khá khoan hòa; khuôn mặt Tả tướng ngước, nghiêng nhìn lên chú chim câu như một lời nhắn gửi…
Góc chụp dáng tượng trước cửa chợ Bến Thành. Ảnh: LƯU ĐỨC |
Về nơi công viên Phú Lâm...
Từ sau 1975, khu vực bùng binh Quách Thị Trang được chỉnh sửa đôi lần và khối tượng Trần Nguyên Hãn cũng được sơn quét, ốp đá lại. Đến khoảng năm 2013 một chân của tượng bị gãy, rơi xuống đường.
Đến khoảng năm 2013 một chân của tượng bị gãy, rơi xuống đường. Ảnh: LƯU ĐỨC |
Đến giữa tháng 12-2014 nguyên khối tượng, đài được tháo dỡ để lấy mặt bằng làm tuyến metro số 1. Khối tượng được đưa về đặt trong góc công viên Phú Lâm (quận 6).
Trước đó vào năm 2013, để thi công cầu vượt bằng thép tại bùng binh Cây Gõ (giao lộ 3 Tháng 2 - Nguyễn Thị Nhỏ), TP đã cho dời tượng đài vua Lê Lợi tại đây về công viên Phú Lâm.
Theo dự tính, nơi đặt tượng đài Lê Lợi sau tháo dỡ, di dời về được thiết kế trang trọng, gần hồ nước nhân tạo, xung quanh có biểu tượng cá hóa rồng phun nước và nhiều cây xanh. Khu vực này rộng rãi để thuận tiện cho nhân dân đến viếng và thực hiện các nghi lễ tưởng nhớ công đức của vua Lê Lợi.
Tượng đài Lê Lợi tại bùng binh Cây Gõ. Ảnh: LƯU ĐỨC |
...và được bảo quản để đưa về công viên Phú Lâm. Ảnh: LƯU ĐỨC |
Đến đầu năm 2015, sau khi “bó bột thạch cao, khung niềng” xong, khối tượng Trần Nguyên Hãn cũng được đưa về công viên Phú Lâm. Vương và thần từ hai nơi được hội ngộ về một chỗ. Suốt nhiều năm qua hai khối tượng được phủ bạt xanh, quây rào kẽm ở một góc trong công viên Phú Lâm. Người bảo vệ ở công viên chỉ đường: “Cứ đi vào cái góc đó, chỗ có ông đứng là Trần Nguyên Hãn, kế bên, ông nằm là Lê Lợi!”
Tượng Trần Nguyên Hãn (dựng đứng) và Lê Lợi (nằm) phủ bạt xanh trong 1 góc công viên Phú Lâm, quận 6. Ảnh: LƯU ĐỨC |
Nên làm mới, thay vì đưa tượng cũ về
Nay sau gần 8 năm đưa tượng Trần Nguyên Hãn về bùng binh Phú Lâm, chốn cũ là khu vực quanh bùng binh trước chợ Bến Thành đã thay đổi rất nhiều. Chỉ còn mặt tiền chợ và nhà đường sắt phía đường Hàm Nghi là còn tạm nguyên (cả hình, khối, chiều cao - tương thích với chiều cao của đài và tượng cũ). Còn xung quanh, các ngả đường đổ vào bùng binh thì đã có nhiều tòa nhà cao ngất ngưởng mọc lên lố nhố.…
Nên nếu đưa tượng cũ về (tượng đã mất 1 phần chân), phục hồi lại cả phần bệ (bốn chân vòm cuốn biểu trưng cho bốn góc thành)…. thì cả bệ và tượng sẽ bị “chìm, ngập” trong không gian xệch xoạng bên cao, bên thấp (bên phía đường Trần Hưng Đạo, Lê Lai có nhiều nhà cao nghễu ngện; bên phía đường Lê Lợi, Hàm Nghi chỉ còn vài khối nhà còn nguyên, tương thích với chiều cao của tượng cũ và bệ mới).
Cạnh đó, hiện TP đang có chủ trương nghiên cứu các phương án định hướng thiết kế đô thị tổng thể khu vực trung tâm thành phố tại các trục đường Lê Lợi - Hàm Nghi, công viên 23/9, khu vực nhà ga ngầm trung tâm Bến Thành, chợ Bến Thành… Theo đó, khu vực này sẽ là một quảng trường kết hợp với công viên lớn của TP, có cả không gian ngầm bên dưới. Như thế, trong phương án quảng trường - công viên trung tâm trên thì đưa tượng cũ về đặt lại vị trí cũ thì có phù hợp với không gian mở rộng hơn cũ không?
Nên nếu đưa tượng cũ về lại vị trí này thì e là không còn phù hợp với không gian có nhiều tòa nhà cao tầng tại đây. Đây là hình ảnh tượng bệ và tượng trước khi tháo dỡ, di dời năm 2014. Ảnh: LƯU ĐỨC |
Theo dự tính, phải đến năm 2023 - 2024 tuyến metro số 1 mới xong và mặt bằng của khu vực bùng binh cũ được trả lại. Nhưng tiếp đó là sẽ làm tuyến metro số 2 có ga đầu tuyến nằm tiếp nối ga Bến Thành của tuyến số 1. Khu vực gần kề bùng binh cũ, các tuyến đường đổ vào lại tiếp tục được dựng rào che chắn. Tuyến metro số 2 dự kiến sẽ làm trong 5 năm. Như thế đưa tượng cũ về thì cũng không thật sự có đủ không gian thoáng đãng để tượng đứng.
Nên chăng TP nên nghiên cứu làm khối tượng mới, phù hợp với không gian mới là quảng trường - công viên trung tâm mới và chợ cũ Bến Thành. Khối tượng mới, chất liệu mới có thể “phục nguyên” hình tượng chim bồ câu đưa thư bay lên từ tay Tả tướng quân. Một hình tượng đã nằm trong tâm khảm biết bao thế hệ người dân TP và đó cũng là hình ảnh hướng về phía trước: Hòa bình, hạnh phúc.