Nên tầm soát ung thư ở độ tuổi nào?

(PLO)- Nhiều thống kê chỉ ra rằng, tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh ung thư càng tăng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ung thư đang trở thành căn bệnh toàn cầu, có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ, tính mạng của hàng triệu người trên thế giới.

Năm 2022, thế giới có hơn 20 triệu người phải sống với căn bệnh ung thư. Ước tính đến năm 2040, con số này sẽ vượt mốc 30 triệu người.

Ung thư gây ra gánh nặng tử vong cực lớn đối với nền y tế toàn cầu, với trên 10 triệu người tử vong trong năm 2022 và dự báo năm 2040 sẽ là 16,3 triệu người.

Tại Việt Nam, ước tính năm 2022 số người bệnh được chẩn đoán mắc căn bệnh ác tính này là hơn 190.000 người, số người tử vong là khoảng 125.000 người. Đáng chú ý, những người bệnh tới khám đã ở giai đoạn muộn.

Nhiều thống kê chỉ ra rằng, khi tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh ung thư càng tăng.

Theo số liệu của Mỹ, tuổi trung bình chẩn đoán ung thư là 66 tuổi. Một số ung thư phổ biến có tuổi trung bình khác nhau: ung thư vú (62 tuổi), ung thư phổi (70 tuổi), ung thư đại tràng (67 tuổi), ung thư cổ tử cung (50 tuổi)…

Một số ung thư phổ biến ở người trên 50 tuổi bao gồm: vú, trực tràng, phổi, gan, tuyến tiền liệt, ung thư hắc tố, ung thư bàng quang…

Tuy nhiên, tuổi trẻ cũng vẫn có nguy cơ mắc một số ung thư như: bệnh bạch cầu, ung thư xương, u não, u tế bào mầm, u nguyên bào võng mạc, u nguyên bào gan.

Độ tuổi dưới 40 cũng có nguy cơ với một số bệnh: ung thư tuyến giáp, ung thư buồng trứng, ung thư tinh hoàn, u lympho, ung thư đại trực tràng (có yếu tố di truyền), ung thư da…

Do đó, người trên 50 tuổi nên đi sàng lọc ung thư phổi, đại trực tràng, gan (nhất là người nhiễm viêm gan B, C), ung thư tiền liệt tuyến.

Riêng nữ giới trên 40 tuổi nên đi tầm soát ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng.

BS HÀ HẢI NAM – Bệnh viện K Tân Triều, Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm