“Dù chúng ta triển khai chương trình điện rác, điện tái tạo, mua điện… thì không thể có chuyện Bộ Công Thương hay EVN báo cắt điện. Anh nào nói cắt điện, tôi cách chức luôn anh đó”.
Đây là lần thứ hai Thủ tướng phát biểu mạnh mẽ về việc sẽ cách chức đối với những người liên quan đến việc cung cấp điện cho nền kinh tế và xã hội.
Hồi đầu tháng 12-2018, trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng cũng nói: “Nếu để mất điện, một số đồng chí sẽ bị cách chức”. Có lẽ chưa khi nào Thủ tướng lại nói thẳng thừng như vậy tại một cuộc họp của Chính phủ.
Cũng bởi vì lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lúc đó cảnh báo rằng “việc không đảm bảo cung cấp than dẫn tới phải dừng các nhà máy nhiệt điện than” và khẳng định có thể sẽ phải cắt điện ngay từ các tháng đầu năm 2019. Thế nhưng Thủ tướng nhắc ngay rằng từ đầu nhiệm kỳ ông đã có nhiều cuộc họp và quyết định nhiều giải pháp để bảo đảm có đủ điện cho cả nước đến sau năm 2020.
Thậm chí người ta còn có thể thấy được sự bức xúc của Thủ tướng khi ông nói: “Bây giờ, đâu đó cứ nói trên báo sẽ cắt điện dịp này dịp khác. Tôi đã viết nhiều thư cho các đồng chí có liên quan về việc chuẩn bị điện ngay từ đầu năm. Các đồng chí Bộ Công Thương, EVN chỉ đạo thế nào về vấn đề này? Nếu để mất điện, một số đồng chí sẽ bị cách chức”.
Có lẽ sự bức xúc này là điều dễ hiểu khi hơn ai hết, người đứng đầu Chính phủ hiểu rằng: Thiếu điện sẽ gây ra những tác hại khôn lường cho cả nền kinh tế. Xã hội có thể sẽ bị đảo lộn, người dân sẽ phải khốn khổ.
Cũng dễ hiểu khi ngay trong buổi họp báo Chính phủ thời điểm đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã “xuống giọng” khi hai từ “cắt điện” đã không ông được nhắc đến nữa.
Nhưng những điều đó có lẽ không phải là cốt lõi. Mà mấu chốt nằm ở trách nhiệm. Thủ tướng từng đưa ra những thông điệp khá mạnh mẽ khi đề cập đến cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh như: “Ai không ủng hộ cải cách thì đứng sang một bên”; “Ai không làm tốt thì để người khác làm”… Thông điệp “cách chức” mà Thủ tướng hai lần đưa ra có lẽ nên được thực thi nghiêm minh, không chỉ trong vấn đề cung cấp điện và đối với EVN cũng như Bộ Công Thương.
Bởi hiến pháp quy định thẩm quyền của Thủ tướng là “đảm bảo hoạt động xuyên suốt của hệ thống hành chính từ trung ương tới địa phương”. Cách chức mà Thủ tướng nói đến phải được xem như một công cụ để bảo đảm hoạt động xuyên suốt ấy chứ không nên dừng ở việc “răn đe”.
Nó cũng sẽ là liều thuốc đặc trị để giải quyết những “mớ bòng bong” trong đề bạt, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức cũng như hậu quả của độc quyền trong các ngành ở Việt Nam.