Cơ quan chức năng đang vào cuộc để xác minh liệu có “liên kết ngầm” giữa lực lượng bảo vệ này với các xe “dù” chở bệnh nhân để kiếm chác không. Nếu quả thật như thế thì việc cố trục cho ra vài triệu đồng trong cơn hấp hối của một em bé bệnh tật, trong nỗi đau và bối rối tột cùng của gia đình bé - cách hành xử ấy còn tệ hơn cả những kẻ bảo kê mạt hạng nhất, khi họ còn biết chừa đám tang và trẻ em ra.
Nhưng hãy lùi lại để thấy cách hành xử ấy không phải là cá biệt. Khi nhiều người tin rằng chỉ cần có quyền lợi cho mình, chỉ cần vun vén cho bản thân, đừng để mất phần thì mọi “phương tiện” đều chấp nhận được dù là giết chết một đứa bé, dù là giết chết cả thiên nhiên. Không cần dẫn chứng đâu xa, những kẻ giật vé số người lòa, trẻ em; những kẻ cướp cả tương lai của bao người, sinh mệnh những đứa trẻ, đầy ra đấy; những kẻ sẵn sàng sử dụng hóa chất độc hại để tô đẹp cho sản phẩm của mình, còn sức khỏe của cộng đồng thì vứt sang một phía đang có mặt khắp nơi…
Một khi quyền và lợi song hành với nhau thì hậu họa của nó thật khó lường. Khi kẻ có quyền cao, chặn được chuyến xe phát triển của cả xã hội để trục lợi thì kẻ có quyền nhỏ nhoi sao lại không khóa bánh xe chiếc xe cứu thương đang hối hả chở một linh hồn bé nhỏ trở về nhà vì chút lợi cỏn con? Tất nhiên, tôi không nói về những người làm ăn chân chính. Tôi muốn nói tới những người “thờ” tiền vì “nghiện ngập”, kể cả sự nghiện ngập thừa mứa, nghiện ngập được chứng tỏ quyền, nghiện ngập được phô ra cái khôn vặt của mình.
Rồi khi nào chúng ta thoát khỏi cảnh này? Câu hỏi thật lớn và câu trả lời cũng thật xa…
Tôi thấy nhiều người bình luận về câu chuyện em bé chết trên bánh xe bị xích ấy rằng “phải đó là con tôi, thì biết với tôi”, vâng, cái lúc thoát khỏi mà bạn hỏi còn xa lắm, khi con người cứ phải chờ đợi đến lượt bản thân mình bị chạm vào, khi nỗi đau, sự uất ức đổ lên chính mình mới đòi “cho biết”.
Chúng ta mong muốn sự vô can, làm ra vẻ vô can và đứng trên sự việc nhưng với sự dửng dưng đó, sẽ đến một lúc nào đó bạn cũng sẽ rơi vào trường hợp như thế, nhận lấy hậu quả đau đớn ấy. Liệu lúc ấy chúng ta có còn bình tĩnh để nhìn thấy sự “vô can” của người khác là tốt đẹp?… Mọi chuyển biến trong đời sống đều có phần của mỗi chúng ta trong ấy, sự vô cảm hay tránh né không thể khiến chúng ta thanh thản hay an toàn. Quyền lợi và đồng tiền có thể cần thiết nhưng nhân tính cần hơn cho đời sống này. Lợi và tiền sẽ trở thành điềm xấu cho chung một xã hội nếu chúng được nặn ra từ nước mắt và sinh mệnh trẻ sơ sinh.