Nga chỉ trích báo cáo hạt nhân Iran của IAEA

Trong bản báo cáo công bố ngày 8-11, IAEA “lo ngại sâu sắc về khả năng quân sự tiềm tàng trong chương trình hạt nhân của Iran”, đồng thời khẳng định có thông tin "đáng tin cậy" rằng Iran có thể đã nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân.

“Đang phát triển vũ khí hạt nhân”
Theo những thông tin “toàn diện và đáng tin cậy” mà IAEA thu thập được, Iran đã phát triển một thiết bị nổ hạt nhân và đã đạt đến bước “thử nghiệm các bộ phận cấu thành”.
IAEA cho rằng những hoạt động này được tiến hành theo một chương trình có tổ chức từ trước cuối năm 2003 và có thể vẫn đang tiếp diễn. Do đó, IAEA yêu cầu Iran nhanh chóng hợp tác để cung cấp các giải trình chi tiết.

Nga chỉ trích báo cáo hạt nhân Iran của IAEA ảnh 1

Nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran, cách Tehran 1.200 km về phía nam. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, báo cáo của IAEA bị Nga chỉ trích dữ dội. Moscow tức giận cho rằng báo cáo trên đang gây thêm căng thẳng trong cuộc đối đầu giữa các cường quốc phương Tây với Iran.
"Nga hết sức thất vọng vì báo cáo của IAEA đang trở thành một nguyên nhân gây thêm căng thẳng cho chương trình hạt nhân của Iran” – Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.
Về những thông tin Iran nhận sự trợ giúp từ một nhà khoa học vũ khí của Liên Xô trước đây để làm chủ các kỹ thuật cần thiết nhằm chế tạo vũ khí hạt nhân, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định từ lâu đã cung cấp cho IAEA "tất cả những giải trình cần thiết".
Trước đó, trong cuộc hội đàm cùng ngày 8-11 với Tổng thống Đức Christian Wulff nhân chuyến thăm Đức, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nhận định Iran sẽ tự nguyện cung cấp các bằng chứng về chương trình hạt nhân của họ. Tuy nhiên, việc Israel hay một số nước đe dọa sử dụng vũ lực chống lại Iran rất đáng lo ngại do có thể dẫn đến chiến tranh.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ và Văn phòng Thủ tướng Israel đều nói rằng cần thời gian để nghiên cứu báo cáo mới của IAEA trước khi đưa ra bình luận.
“Báo cáo của IAEA vô căn cứ”

Nga chỉ trích báo cáo hạt nhân Iran của IAEA ảnh 2

Đại diện Iran tại IAEA Soltanieh cho rằng báo cáo của tổ chức này bị chính trị hóa. Ảnh: AP
Tối 8-11, Iran bác bỏ báo cáo của IAEA, đồng thời cho rằng tài liệu này “vô căn cứ và bất công”. Phát biểu với hãng thông tấn Fars (Iran), đại diện của Iran tại IAEA Ali Asghar Soltanieh khẳng định các tư liệu trong phụ lục của báo cáo nói trên "không chứa đựng thông tin gì mới, chỉ là sự lặp lại những tuyên bố cũ rích mà Iran đã chứng minh là vô căn cứ trong một tài liệu phản hồi dài 17 trang gửi IAEA 4 năm trước".
"Iran đã chứng minh rằng các cáo buộc của Mỹ là vô căn cứ và trong 8 năm qua không xuất hiện bằng chứng nào về sự chuyển hướng của nguyên liệu hạt nhân sang phục vụ mục đích quân sự" – ông Soltanieh nói kèm theo cáo buộc báo cáo của IAEA đã bị chính trị hóa.
Cũng trong ngày 8-11, liên quan tới quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Iran sau khi Washington cáo buộc Tehran đứng sau âm mưu ám sát Đại sứ Ả Rập Saudi tại Mỹ, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố Tehran "không cần một quả bom nguyên tử" để đối đầu với Mỹ, song chắc chắn sẽ đáp trả hành động của Washington.
Tư lệnh Sư đoàn Không gian Vũ trụ thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, Chuẩn tướng Amir Ali Hajizadeh, thậm chí cảnh báo Iran sẽ áp dụng chiến thuật "mạng đổi mạng", tức cứ mỗi chỉ huy quân sự Iran bị sát hại thì hàng chục chỉ huy quân sự Mỹ sẽ bị tiêu diệt.
Israel bác tin tấn công phủ đầu Iran
Ngày 8-11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak đã bác bỏ thông tin nói rằng nước này có ý định tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, đồng thời khẳng định Tel Aviv chưa quyết định phát động bất kỳ chiến dịch quân sự nào.

Nga chỉ trích báo cáo hạt nhân Iran của IAEA ảnh 3

Ông Ehud Barak phủ nhận Israel có ý định tấn công Iran. Ảnh: Reuters
“Chiến tranh không phải là đi chơi dã ngoại. Chúng tôi muốn dạo chơi chứ không muốn chiến tranh. Tuy vậy, Israel luôn sẵn sàng cho những tình huống bất lợi và để đảm bảo an ninh cho Israel, mọi phương án nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran vẫn được để ngỏ” -  ông Barak tuyên bố trên đài phát thanh Israel.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman cho rằng chỉ có những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhằm vào ngân hàng trung ương và ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran mới buộc được Tehran từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Theo Bằng Vy (NLĐO / Reuters, AFP)
Chia sẻ lên LinkHay.com Email In [+]Cỡ chữ[-]

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm