Từ khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2, các lực lượng quân sự Nga hầu như tập trung tấn công ở các khu vực miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, ngày 20-7 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã khẳng định Moscow đang lên kế hoạch mở rộng hướng tiến công sang phía nam với mục tiêu là các TP như Kherson, Zaporizhzhia cùng một số khu vực khác, theo hãng tin AP.
Lực lượng pháo binh tấn công các điểm đóng quân của Nga tại khu vực Donetsk thuộc vùng Donbass phía đông ngày 18-7. Ảnh: THE NEW YORK TIMES |
“Tình hình và điều kiện địa lý lúc này đã thay đổi, mục tiêu giờ không chỉ bao gồm các nước CHND tự xưng ở khu vực Donbass mà còn gồm cả Kherson, Zaporizhzhia cùng một số khu vực khác. Quá trình tiến công sẽ tiếp diễn một cách ổn định và lâu dài” - ông Lavrov nói.
Ngoại trưởng Nga cũng cho biết việc tổ chức đàm phán với Ukraine không có ý nghĩa gì trong bối cảnh hiện tại. Theo đó, ông nhận định ngay từ các vòng đàm phán đầu tiên với Ukraine, chính quyền Kiev đã tỏ ra không “mong muốn thảo luận bất cứ điều gì một cách nghiêm túc”.
Nga đang chuyển hướng ở Ukraine
Theo hãng thông tấn TASS, trong phát biểu tuyên bố bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24-2, ông Putin từng nói rằng Nga không có ý định chiếm đóng Ukraine hoặc áp đặt điều gì lên bất kỳ ai bằng vũ lực. Tuy nhiên, tình hình bắt đầu thay đổi khi các lực lượng Nga rút quân khỏi các khu vực quanh thủ đô Kiev. Ông Putin sau đó khẳng định việc bảo vệ các lực lượng thân Nga ở khu vực Donbass phía đông Ukraine và các nước CHND tự xưng cũng là mục tiêu chính của Moscow.
Kể từ đó, nhiều TP trong khu vực Donbass đã phải hứng chịu các cuộc tấn công không ngừng của Nga. Các lực lượng Nga đã kiểm soát Luhansk, một trong hai tỉnh thuộc Donbass và đang cố gắng chiếm giữ tỉnh Donetsk còn lại.
Tại TP Kherson, có những dấu hiệu cho thấy Ukraine có thể sắp mở một cuộc phản công quy mô lớn. Chính quyền TP Kherson do Nga bổ nhiệm cáo buộc quân đội Ukraine tập kích vào cây cầu Antonivskyi bắc qua sông Dnieper. Kherson cũng là nơi tổ chức các hoạt động quân sự của Nga trên khắp miền Nam Ukraine.
Do vậy, một số chuyên gia cho rằng tuyên bố mở rộng mục tiêu quân sự của Nga ở Ukraine có thể đồng nghĩa các điều kiện đàm phán giữa hai bên sẽ thay đổi.
Theo Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) Vladimir Zharikhin, việc mở rộng có thể là tín hiệu cho thấy nếu nối lại đàm phán, Nga sẽ kiên quyết yêu cầu Kiev không chỉ công nhận Crimea thuộc Nga mà cả nền độc lập của các nước CHND tự xưng ở Donbass.
“Tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov có thể là tín hiệu Nga muốn các cuộc đàm phán với Ukraine không chỉ dừng ở vấn đề Crimea mà còn bao gồm cả Donbass. Trên thực tế, Nga đã chỉ định lãnh đạo chính quyền ở các vùng lãnh thổ mà họ đã kiểm soát ở Ukraine” - ông Zharikhin nói. Chuyên gia này cũng cho rằng mục tiêu của Nga có thể mở rộng đến các khu vực như Kherson, Zaporizhzhia, Kharkov - nơi có sự hiện diện của quân đội Nga.
Khoảng 400 điệp viên Nga hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao đã bị trục xuất khỏi các nước châu Âu kể từ khi bùng phát xung đột Nga - Ukraine hồi cuối tháng 2, tờ The Guardian dẫn lời lãnh đạo Cục Tình báo mật (MI6) của Anh Richard Moore cho biết. Ông cho rằng con số này là khoảng một nửa số điệp viên Nga đang hoạt động ở châu Âu.
Ukraine sẽ phản ứng ra sao?
Về phía Ukraine, nỗ lực tái chiếm Kherson sẽ mang lại giá trị biểu tượng to lớn đối với chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby mới đây cảnh báo Nga đã lên kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ mà họ đã kiểm soát được, bao gồm Kherson.
“Ukraine và các đối tác phương Tây có thể có cơ hội và cần phải nhanh chóng thực hiện một cuộc phản công trên các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát trước khi điện Kremlin sáp nhập lãnh thổ đó” - ông Kirby cho biết.
Hiện Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã chỉ trích tín hiệu của người đồng cấp Nga là thiếu thiện chí.
Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Ukrinform bày tỏ hy vọng rằng vũ khí do Mỹ chuyển giao sẽ đủ để cho phép các lực lượng Ukraine chiếm ưu thế trước khi Nga tăng cường tấn công.
“Điều rất quan trọng với chúng tôi là không phải kéo dài cuộc chiến tới mùa đông. Sau mùa đông, khi Nga có nhiều thời gian để củng cố, tình hình sẽ khó khăn hơn nhiều. Việc quan trọng chúng tôi cần làm là loại bỏ khả năng này” - ông Yermak khẳng định.
Trên thực tế, chính Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng đã phải thừa nhận rằng các bệ phóng tên lửa mà Mỹ chuyển giao cho Ukraine đã làm chậm bước tiến của Nga bằng cách tấn công các mục tiêu xa như kho vũ khí. Các quan chức quân sự Mỹ cho biết họ có kế hoạch gửi cho Ukraine thêm bốn hệ thống rocket tiên tiến HIMARS cũng như nhiều tên lửa dẫn đường.
Trong thông báo hôm 20-7 rằng Mỹ sẽ gửi thêm HIMARS, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nhận định: “Điều này có thể ảnh hưởng đến tiến độ của cuộc chiến và có khả năng tạo ra một số cơ hội cho Ukraine. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm, chỉ riêng HIMARS sẽ không thể thay đổi cục diện trên chiến trường”.
Theo Lầu Năm Góc, nếu tính cả gói viện trợ sắp tới, tổng số hệ thống HIMARS mà Ukraine được nhận sẽ tăng lên 16. Tuy nhiên, số lượng vũ khí do Mỹ và các nước đồng minh cung cấp cho Ukraine vẫn ít hơn so với những gì Kiev cho là cần thiết để đạt được sự ngang bằng trên chiến trường.•
Belarus nêu khả năng công nhận độc lập hai vùng ly khai ở Donbass
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết Belarus sẽ chính thức công nhận nền độc lập của hai nước CHND tự xưng Donetsk và Luhansk thuộc vùng Donbass ở miền Đông Ukraine nếu điều đó là cần thiết, theo đài RT.
“Nếu Crimea, Luhansk và Donetsk cần thực phẩm, gạch, xi măng, sự hỗ trợ cho việc tái thiết, chúng tôi sẽ giúp họ. Chúng tôi sẽ công nhận họ nếu điều đó cần thiết và có ý nghĩa. Liệu có gì khác biệt xảy ra nếu tôi công nhận họ một cách công khai?” - ông Lukashenko nói.
“Việc chúng tôi hợp tác với Crimea, Luhansk và Donetsk có nghĩa chúng tôi đã công nhận họ trên thực tế. Và tất cả suy đoán về sự công nhận hay không được công nhận chỉ là những lời nói vô nghĩa. Tôi sẽ công nhận họ bằng một sắc lệnh của tổng thống, nếu cần thiết” - Tổng thống Belarus khẳng định.
Cho tới nay đã có ba quốc gia công nhận nền độc lập của Donetsk và Luhansk là Nga, Syria và CHDCND Triều Tiên. Trong khi đó, vào ngày 18-7, Đại sứ Nigeria tại Nga Abdullahi Shehu cho biết nước ông sẵn sàng xem xét yêu cầu công nhận độc lập của Donetsk và Luhansk.