Nga nói đang bị Mỹ bao vây bằng 400 tên lửa

Thứ trưởng Quốc phòng Nga, ông Alexander Fomin ngày 2-2 trả lời phỏng vấn kênh 24 TV của Nga nói rằng khoảng 400 tên lửa chống tên lửa đạn đạo sẽ được kích hoạt rất gần Nga như một phần trong kế hoạch tăng cường quân sự của Mỹ.

“Một nỗ lực quy mô lớn đang được tiến hành để bao vây Nga bằng lá chắn tên lửa chống tên lửa. Các hệ thống phòng thủ tên lửa đã được bố trí trên đất Mỹ ở California và Alaska” – ông Fomin cho hay.

Hệ thống Patriot của Mỹ. Ảnh: RT

Trên thực tế, Washington từ lâu đã mở rộng lá chắn phòng thủ tên lửa sang châu Âu. Năm 2016, Mỹ kích hoạt lá chắn tên lửa trị giá 800 triệu USD ở Romania nhằm bảo vệ châu Âu, theo RT.

Năm ngoái, Mỹ lần đầu tiên triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn tầm xa Patriot tới biển Baltics với mục đích phục vụ trong các đợt tập trận quân sư quy mô lớn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Lithuania.

Hồi tháng 7-2017, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố Washington đang cân nhắc triển khai hệ thống Patriot tới Estonia. Ba Lan gần đây cũng đã ký một thương vụ vũ khí trị giá 10,5 tỉ USD với Mỹ để mua 208 hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo Patriot PAC-3 cùng với 16 bệ phóng và 4 radar.

 “Các lá chắn tên lửa được bố trí ở Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ được sử dụng để bao vây Nga” – ông Fomin lập luận, nhấn mạnh rằng “tính ra, có khoảng 400 tên lửa chống tên lửa đạn đạo sẽ được Mỹ triển khai, làm giảm đáng kể khả năng răn đe hạt nhân của Nga”.

Tokyo mới đây cũng đã thông qua việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Agis trên biển, do tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất, trên lãnh thổ Nhật Bản. Mục đích là phòng thủ trước các cuộc “tấn công bất ngờ” tiềm năng. Trong khi đó, Seoul lại bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) cũng của Mỹ.

Nói về khả năng lưu chuyển của binh lính Mỹ, Thứ trưởng Fomin cho hay lực lượng Mỹ đã và đang tập luyện về việc được triển khai ra nước ngoài và đã sẵn sàng lập ra “một lực lượng hậu cần đủ để triển khai nhanh chóng một nhóm bổ sung lên tới 300.000 quân”.

Moscow nhiều lần kêu gọi Washington thảo luận về mối quan tâm của đôi bên, nhưng đáp lại chỉ nhận được sự hờ hững từ những người đồng cấp Mỹ, theo ông Fomin.  

Ngoài ra, Nga cũng đã mời phía Mỹ tổ chức một cuộc đối thoại chính trị trong suốt những năm qua nhưng những đề nghị này đều bị phớt lờ.

Ông Fomin đã lặp lại các tuyên bố trước đó của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã nói Nga đang sở hữu nhiều vũ khí mới “bất khả chiến bại” trong bài phát biểu thông điệp liên bang hôm 1-3.

Nga ngày 12-2 công bố vụ thử nghiệm tên lửa đánh chặn PRS-1M, đang ở giai đoạn thử nghiệm cuối và sắp vào biên chế. Tên lửa này dự kiến được sử dụng cho lá chắn chống tên lửa đạn đạo bảo vệ Moscow. Ảnh: RT

Tổng thống Putin lưu ý rằng Hải quân Mỹ đã triển khai 5 tàu tuần dương và 30 khu trục hạm “ở vùng lân cận lãnh thổ Nga”.

Phản ứng trước bài phát biểu thông điệp liên bang của ông Putin, Lầu Năm Góc và Nhà Trắng lại nói về sự phát triển năng lực hạt nhân của Mỹ và khoản chi tiêu quốc phòng chưa từng có.

Sau khi ông Putin tiết lộ Nga đang sở hữu nhiều vũ khí “khủng”, Mỹ cáo buộc Nga kích động một cuộc chạy đua vũ trang mới. Tuy nhiên, Tổng thống Putin phủ nhận, đổ lỗi việc Washington rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) vào năm 2002 đã làm cho đối đầu hạt nhân chiến thuật leo thang những năm qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm