Ngày 11-5, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc – ông Mikhail Ulyanov nói rằng sẽ có “những trận chiến nóng” tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) xoay quanh khả năng kéo dài lệnh cấm vận vũ khí với Iran. Sau năm năm áp đặt, lệnh cấm vận này dự kiến được dỡ bỏ vào tháng 10 năm nay theo Nghị quyết 2231 của HĐBA, theo kênh Press TV.
Một giáo sĩ Iran quan sát tên lửa đất đối đất do Iran sản xuất tại một cuộc triển lãm quân sự ở Tehran. Ảnh: AP
“Những hạn chế về cung cấp bảy loại vũ khí cho Iran hiện nay sẽ hết hạn vào ngày 18-10 năm nay”, ông Ulyanov viết trên Twitter hôm 11-5.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao này nói rằng Mỹ đang cố gắng bằng mọi cách để lệnh cấm vận này được kéo dài thêm, mặc dù không có lý do gì để sửa đổi các điều khoản có liên quan của thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và Nghị quyết HĐBA 2231.
“Về vấn đề này, những trận chiến nóng dự kiến sẽ diễn ra tại HĐBA LHQ”, ông Ulyanov dự báo.
Đại sứ Nga đưa ra bình luận trên khi Mỹ nói rằng họ quyết tâm kéo dài lệnh cấm bán vũ khí thông thường cho Iran và thậm chí mạnh hơn.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là người đầu tiên thông báo ý định này và đại diện đặc biệt của Mỹ về vấn đề Iran - ông Brian Hook đã tiếp tục khẳng định với báo giới như vậy hồi tuần trước.
“Lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran, quốc gia tài trợ khủng bố hàng đầu thế giới sẽ hết hạn trong vòng sáu tháng nữa. HĐBA LHQ nên gia hạn lệnh cấm vận trước khi Iran gia tăng bạo lực và khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang mới ở khu vực Trung Đông”, Ngoại trưởng Pompeo nói.
Tuần trước, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo Mỹ rằng Iran sẽ không chấp nhận bất kỳ hành vi vi phạm nghị quyết của HĐBA LHQ vốn quy định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran. Ông Rouhani còn nói Iran hoàn toàn có quyền được dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí.
Ông Rouhani cảnh báo nếu lệnh cấm vận được khôi phục do sức ép của Mỹ, sự đáp trả của Iran sẽ rất “rõ ràng”. Ông Rouhani không đi vào chi tiết.
Dù vậy, Tổng thống Iran nói rằng ông đã phác thảo cách đáp trả trong một lá thư gửi tới lãnh đạo của các cường quốc đã cùng Mỹ ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015 gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức.
Năm 2018, Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 vì cho rằng thỏa thuận có nhiều thiếu sót, tạo lợi thế cho Iran. Ông Trump sau đó tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran. Iran đã dần cắt giảm các cam kết trong thỏa thuận lịch sử này trong năm 2019.