Nhóm P5+1 kêu gọi kiềm chế, duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran

Ngày 5-1, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra tuyên bố chung kêu gọi Iran kiềm chế, không có những hành động đi ngược lại tinh thần của thỏa thuận hạt nhân đã ký với nhóm P5+1.

Hai thành viên khác thuộc nhóm P5+1 là Nga và Trung Quốc cũng kêu gọi các bên kiềm chế và mong rằng cái chết của tướng Soleimani không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện thỏa thuận này.

Các tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết năm 2015 đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Mỹ đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này từ năm 2018. Iran cũng tuyên bố chấm dứt mọi cam kết hạt nhân trong ngày 5-1.

Tuyên bố của Tehran là kết quả của sự căng thẳng đang ở mức đỉnh điểm giữa Mỹ và Iran sau vụ Mỹ hạ sát chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qassem Soleimani vào rạng sáng 3-1.

Hình ảnh ngày 23-12-2019 chụp lại bên trong lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ Arak, Iran. Ảnh: REUTERS

Ba nước Anh, Pháp, Đức lên án vụ tấn công hạ sát tướng Soleimani nhưng cũng "quan ngại sâu sắc về vai trò của Iran trong khu vực, nhất là vai trò thông qua IRGC dưới sự chỉ huy của tướng Soleimani".

"Chúng tôi đặc biệt kêu gọi Iran kiềm chế, không tiếp tục thực hiện các hành động bạo lực hay hỗ trợ các hành động bạo lực. Chúng tôi cũng hối thúc Iran kiềm chế không thực hiện các hành động đi ngược lại thỏa thuận hạt nhân" - hãng tin Sputnik dẫn tuyên bố chung được nội các Đức công bố. 

Ba cường quốc châu Âu cũng kêu gọi các bên ở Trung Đông giảm leo thang căng thẳng và đảm bảo an ninh khu vực, kêu gọi "các cơ quan chính quyền Iraq tiếp tục có những hỗ trợ cần thiết" phục vụ mục tiêu cao nhất là chống khủng bố.

Trong một tuyên bố trên đài phát thanh địa phương sau khi Tehran tuyên bố không tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết bộ ba Anh-Pháp-Đức sẽ tiếp tục thảo luận và trong tuần này sẽ đưa ra tuyên bố chung về động thái này của Iran.

Một thành viên khác trong nhóm P5+1 là Nga cũng lên tiếng quan ngại về tương lai của thỏa thuận JCPOA. Viết trên Twitter ngày 5-1, đại diện thường trực của Nga tại Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế - ông Mikhail Ulyanov "hy vọng vụ việc (hạ sát tướng Soleimani - PV) không làm ảnh hưởng đến thỏa thuận JCPOA". Ông cũng kêu gọi Iran và các đối tác châu Âu kiềm chế và tái khẳng định cam kết của Moscow sẽ nỗ lực duy trì thỏa thuận.

Trong một thông báo ngày 6-1, điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ trực tiếp thảo luận về vấn đề này trong chuyến thăm Moscow của bà Merkel diễn ra vào cuối tuần này.

Trong khi đó, Trung Quốc chỉ trích nền "chính trị cường quyền" của Mỹ khi cho rằng việc tấn công tiêu diệt vị tướng Iran sẽ làm gia tăng căng thẳng tại Trung Đông, hãng Reuters đưa tin ngày 6-1. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh: "Chúng tôi kêu gọi Mỹ không lạm dụng quyền lực của mình và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế nhằm tránh làm cho tình hình xấu hơn".

Thỏa thuận JCPOA ký kết năm 2015 được coi là một thành công quan trọng của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, đưa chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình của Iran vào dưới sự giám sát của các tổ chức quốc tế. Nhưng từ khi Tổng thống Trump nhậm chức năm 2017, quan hệ Mỹ-Iran đang ngày càng xấu đi.

Sau tuyên bố của Tổng thống Trump rút khỏi JCPOA vào tháng 5-2018, Iran vẫn thể hiện thiện chí tuân thủ thỏa thuận. Tuy nhiên, vụ không kích mới đây do Mỹ thực hiện ở Iraq làm cho ông Soleimani, tướng lĩnh quân đội hàng đầu của Iran, thiệt mạng đã gây ra tâm lý phẫn uất ở Tehran, dẫn đến quyết định từ bỏ thỏa thuận hạt nhân quan trọng này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm