Hôm 14-1, ba quốc gia châu Âu Anh, Pháp, Đức đồng loạt triển khai cơ chế giải quyết bất đồng có trong nội dung thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015 (JCPOA), mở đường điều tra việc Iran tuân thủ thỏa thuận, theo hãng tin Reuters.
"Trước các hành động của Iran, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lên tiếng về các quan ngại Iran đang không tuân thủ các cam kết theo thỏa thuận. Chúng tôi sẽ đưa vấn đề này lên ủy ban chung theo Cơ chế giải quyết bất đồng như đã nêu trong khoản 36 của thỏa thuận", tuyên bố chung ba nước nêu rõ.
Điều tra, xử lý chuyện tuân thủ thỏa thuận của Iran
Đại diện Anh, Pháp, Đức cho biết đã thông báo cho Liên minh châu Âu (EU) về quyết định mới nhất này. Theo cơ chế đã nêu trong thỏa thuận, EU sau đó sẽ thông báo cho các nước khác cùng ký kết thỏa thuận là Nga, Trung Quốc và cả Iran biết. Sau bước này, các bên sẽ có 15 ngày để giải quyết các bất đồng.
Cơ sở hạt nhân Nataz của Iran, cách thủ đô Tehran khoảng 300 km về phía Nam. Ảnh: AFP
Nếu hết thời hạn trên mà vấn đề không được giải quyết ở cấp ủy ban chung thì sẽ tiếp tục được đưa tới một ban cố vấn trước khi cuối cùng được đưa tới Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Dù vậy, ba quốc gia này khẳng định vẫn tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận, đồng thời bày tỏ quyết tâm làm việc với tất cả các bên còn lại để bảo vệ thỏa thuận. Thông báo chung cũng nêu rõ sau các sự kiện gần đây, việc ngăn chặn một cuộc khủng hoảng hạt nhân mở rộng lại càng quan trọng hơn trong bối cảnh căng thẳng leo thang đe dọa toàn bộ khu vực.
Diễn biến xảy ra trong bối cảnh Iran liên tục vi phạm thỏa thuận. Nghiêm trọng hơn, sau khi Mỹ tiêu diệt tướng Qasem Soleimani ngày 3-1, Iran tuyên bố chấm dứt tuân thủ thỏa thuận, không hạn chế mức làm giàu uranium (nguyên liệu sản xuất bom hạt nhân).
Anh, Pháp, Đức hy vọng sẽ đưa Iran trở lại tuân thủ đầy đủ các cam kết trong thỏa thuận. Ba nước nói rõ dù kích hoạt cơ chế giải quyết bất đồng nhưng sẽ không tham gia chiến dịch gây áp lực tối đa với Iran của Tổng thống Donald Trump. Theo các quốc gia này, động thái của ông Trump khiến Iran không được hưởng lợi từ việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, khiến nền kinh tế nước Cộng hòa Hồi giáo này càng thêm khó khăn.
Iran, EU, Mỹ, Nga lên tiếng
Trước động thái của Anh-Pháp-Đức, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi tuyên bố ba nước châu Âu hoàn toàn không có đủ vị thế để đưa ra một quyết định như vậy. Vị này cảnh báo Iran sẽ có những phản ứng "mạnh mẽ và hủy diệt" nhằm đáp trả bất kỳ "hành động hủy diệt" nào của các bên ký kết thỏa thuận.
Nga cũng đã lên tiếng kêu gọi ba nước Anh, Pháp, Đức không nên có những hành động leo thang căng thẳng gây nguy hiểm cho thỏa thuận hạt nhân, khiến việc quay lại tuân thủ thỏa thuận khó khăn hơn bao giờ hết.
Phát biểu ngay sau thông báo chung của ba quốc gia EU kể trên, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell kêu gọi tất cả các bên tham gia nỗ lực bảo vệ thỏa thuận. Với tư cách là điều phối viên, ông Borrell hy vọng tất cả các bên tham gia thỏa thuận sẽ tiếp cận cách giải quyết này trên tinh thần xây dựng.
Theo ông, với tình hình căng thẳng hiện nay thì thỏa thuận hạt nhân Iran càng có vai trò quan trọng. Vì vậy, trong bối cảnh leo thang nguy hiểm hiện tại ở Trung Đông, việc cứu vãn thỏa thuận quan trọng hơn bao giờ hết.
Trong khi đó, ông Brian Hook - đặc phái viên Mỹ về vấn đề Iran khẳng định Mỹ ủng hộ châu Âu kích hoạt cơ chế giải quyết bất đồng. Washington cũng kêu gọi các nước châu Âu từ bỏ thỏa thuận này, đồng thời tham gia các nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm đạt được một thỏa thuận mới với Iran.