Nga-Ukraine sẽ “chiến tranh khí đốt lần 3” vào mùa thu tới?

Trong khi nhiều chuyên gia chính trị nhận định cuộc nổi dậy tại miền Đông Ukraine chống chính quyền Kiev là lá bài cuối cùng của Moscow, thì điện Kremlin vẫn còn có một “chiếc dùi cui – khí đốt” chưa được sử dụng: Ukraine hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga, và một nửa lượng khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu chảy qua những đường ống của nước này.

  “Dự báo thời tiết là công tác chính trị quan trọng nhất trong năm nay”.

Nga sẵn sàng cắt đứt nguồn cung khí đốt

Thực tế, “cuộc chiến khí đốt” lần thứ ba bắt đầu vào giữa tháng 6-2014, khi Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine sau khi nước này chưa thanh toán một hóa đơn xuất khẩu khí đốt độc quyền của Gazprom trị giá 5,3 triệu đôla.

Nga vẫn đang tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu qua hệ thống đường ống trên lãnh thổ Ukraine. Theo Gazprom, châu Âu đã mua khoảng 160 tỷ mét khối khí đốt của Nga vào năm 2013, tương ứng với 35% tổng lượng tiêu thụ khí đốt trên toàn EU.

Quan hệ giữa Nga với Ukraine và EU đang ở mức tồi tệ kỷ lục sau các vụ nổi dậy của lực lượng thân Nga ở miền đông Ukraine. Brussels và chính phủ Ukraine thân phương Tây xem đó là động thái nhằm ngăn cản Ukraine gia nhập vào phương Tây.

Giá khí đốt đã được điện Kremlin chọn làm vũ khí trong “cuộc chiến” lần này. Trong thập niên trước, những năm 2006 và 2009, Nga cũng đã có một thời gian ngắn tạm dừng cung cấp khí đốt cho phương Tây.

Nếu cuộc chiến khí đốt sẽ diễn ra vào mùa thu tới

Sử dụng gas làm vũ khí không có hiệu quả trong mùa hè, nhưng "cuộc chiến khí đốt" giữa Nga và Ukraine - lần thứ ba tính đến thời điểm hiện tại – nếu bùng nổ vào mùa thu tới đây, sẽ khiến Ukraine thiếu thốn năng lượng và tiền mặt để cung cấp cho người dân và các nhà máy ở Ukraine.

Nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, Nga sẽ cắt đứt hoàn toàn trong dài hạn nguồn cung cấp khí đốt sang Ukraine và Liên minh châu Âu. Với việc ưu tiên dành năng lượng cho nhu cầu sống của dân chúng, sản lượng công nghiệp của Ukraine sẽ tụt giảm, đồng thời các nước châu Âu cũng gián đoạn sản xuất.

Các nhà phân tích dự báo có hai khả năng có thể xảy ra. Rất có thể Kiev hoặc Brussels sẽ đưa ra một thỏa thuận mới với Moscow – vốn doanh thu khí đốt cũng bị tụt giảm vì “cuộc chiến khí đốt” lần này. Hoặc cả hai sẽ phải chấp nhận nhập khẩu khí đốt từ những nơi khác với mức giá cao hơn.

Thảm họa “mùa đông châu Âu” sẽ khó lường trước

Việc tiêu thụ khí đốt ở Ukraine đã được cắt giảm tối đa trong mùa hè, khi nhu cầu của người dân chưa cao. Nhưng quả bom nổ chậm sẽ trở nên nguy hiểm hơn khi mùa đông đang gần kề, chuyên gia công nghiệp khí đốt Rustam Tankayev cho hay. “Hiện nay Ukraine hiện có đủ lượng khí đốt để dùng cho đến năm mới”, ông Tankayev nói thêm.

Nhiều nhà phân tích cho biết để các nước Châu âu từ tháng 10 có thể nhận đủ lượng gas từ Nga thì Ukraine đến giữa tháng 7 phải bơm vào các bể chứa của mình 5- 6 tỷ m3 nữa. Nếu việc này không được tiến hành thì mùa đông Châu âu và Ukraine sẽ bị chết cóng vì thiếu gas.

Nhà bình luận chính trị Pavel Salin, hiện làm việc tại trường đại học tài chính trực thuộc Chính phủ ở Moscow, đã nói đây là một thảm họa đối với xã hội, là mối đe dọa trực tiếp đối với các nhà lãnh đạo mới của Ukraine.

“Việc thiếu những phương tiện cơ bản để người dân sinh sống thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sự ổn định của chính phủ Ukraine. Chiến dịch “Mùa đông nước Nga” đã từng góp phần làm nên chiến thắng quân sự quan trọng của Moscow, và giờ đây lại có tác dụng trong một cuộc chiến tranh kinh tế”, Salin nói.

Nhà bình luận trên còn ví von: “Dự báo thời tiết là công tác chính trị quan trọng nhất trong năm nay”.

Những giải pháp thay thế

Trước mắt, Ukraine đang cố gắng tối đa để tiết kiệm đủ khí đốt cho mùa đông. Thậm chí, Chính phủ Ukraine còn đề xuất rằng tiêu chuẩn quốc gia về nhiệt độ phòng tối thiểu trong nhà ở tư nhân nên được cắt giảm 2 độ, xuống mức 16 độ C.

EU cũng có thể bán khí đốt đã mua của Nga cho Ukraine, nhưng phương Tây cũng không thể cung cấp quá 1,5 tỷ mét khối khí trong năm nay, Tankayev nói. Theo công ty khí đốt quốc gia Ukraine Naftogaz, trong thời gian tới Ukraine sẽ thiếu hụt khoảng 6 tỷ mét khối khí đốt.

Các nước EU không muốn tăng nguồn cung theo kiểu “mua từ Nga-bán lại cho Ukraine”, vì bản thân phương Tây cũng cần khí đốt, và họ cũng không tin vào khả năng chi trả của Ukraine, Tankayev khẳng định.

Các quan chức Nga cho biết họ đoán rằng Ukraine sẽ bắt đầu thực hiện hành vi rút trộm khí đốt khi mùa lạnh đến, vốn đã diễn ra nhiều lần trong cuộc chiến tranh khí đốt lần trước.

Ukraine hiện đang hối thúc EU tiến hành mua khí đốt ngay tại biên giới Nga - Ukraine, để thuận tiện cho việc mua lại. Dù EU tỏ ra không hứng thú giải pháp này, nhưng phương Tây đã kêu gọi các cuộc đàm phán ba bên về khí đốt giữa Moscow, Kiev và Brussels vào đầu tháng Chín năm nay.

Nền kinh tế nào cũng sẽ bị tổn thương

Các chuyên gia đã đồng ý rằng: người dân không phải là những quân bài để Nga hay Ukraine thực hiện mục tiêu chính trị của mình. “Kiev sẽ phải lựa chọn việc từ bỏ công nghiệp và dồn khí đốt cho mục đích sưởi ấm”, Tankayev nói.

Ukraine có thể mua lại khí đốt ở những nơi khác - ví dụ như Na Uy. Tuy chi phí rất đắt và sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống ở Ukraine và EU, nhưng những vấn đề cấp bách trước mắt sẽ được giải quyết, Konstantin Sonin, Đại học Kinh tế Moscow, cho biết.

Sonin còn nhận định Nga cũng sẽ thiệt hại do mất khách hàng và doanh thu, điều mà phương Tây đã cảnh báo thông qua các lệnh trừng phạt mới nhất của phương Tây với Nga. Gazprom có ​​thể bị mất đến 7 tỉ USD trong năm nay nếu tiếp tục cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraine đến cuối năm, trang web tin tức Gazeta.ru cho biết tháng trước.

Nga và các khách hàng của họ đang phụ thuộc lẫn nhau, nếu tình hình cứ tiếp tục thế này, thiệt hại kinh tế là không thể tránh khỏi, Slava Rabinovich, người sáng lập công ty quản lý tài sản Diamond Age Capital Advisors cho biết.

Salin thuộc Đại học Tài chính dự báo: “Moscow rất có thể sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay bằng cách đưa ra một số điều khoản thỏa thuận chính trị cho phía Kiev và Brussels vào mùa thu”.

Có thể Nga sẽ chấp nhận cung cấp khí đốt trở lại cho Ukraine, nếu Kiev đồng ý cung cấp một hành lang đất làm cầu nối cho vùng bán đảo Crimea với Nga. Bởi lẽ hiện nay, bán đảo Crimea, vốn là nguyên nhân khiến quan hệ giữa Nga với Ukraine và phương Tây xấu đi từ sau sự kiện “sáp nhập vào Nga” hồi tháng Ba, vẫn chưa có đất để có thể kết nối với chính quyền Moscow.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm