Đặc biệt, về vấn đề đạo đức công vụ, theo ĐB Cầu, báo cáo đề cập rất mờ nhạt.
“Thực tế hiện nay, vấn đề nhức nhối mà cử tri đặc biệt quan ngại là tình trạng cán bộ, công chức thờ ơ, vô cảm, quan liêu, hách dịch, bằng cấp giả, chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm, tình trạng trên bảo dưới không nghe, coi thường kỷ luật, kỷ cương hành chính vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Nền đạo đức công vụ, kỷ luật công vụ trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều tồn tại” - ĐB Cầu nói.
Theo ĐB Cầu, lý do chính của tình trạng này là đạo đức công vụ, nghề nghiệp vẫn còn mơ hồ, chưa được quy định cụ thể. Kỷ luật, kỷ cương áp dụng cho đối tượng vi phạm còn rất chậm chạp và khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu: “Cần mạnh tay đưa ra khỏi bộ máy những người mất đạo đức, hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực, làm ảnh hưởng xấu đến cơ quan, tổ chức”. Ảnh: CL
“Biện pháp quan trọng nhất là cần có chế tài mạnh, xử lý nghiêm khắc, khẩn trương đưa ra bộ quy tắc điều chỉnh hành vi, tức là pháp lý hóa đạo đức công vụ, nghề nghiệp. Đồng thời các cơ quan nhà nước cần mạnh tay đưa ra khỏi bộ máy những người mất đạo đức, hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực, làm ảnh hưởng xấu đến cơ quan, tổ chức” - ĐB Cầu nói.
Đồng tình với báo cáo của Quốc hội, ĐB Cầu cho rằng nguyên nhân của yếu kém, khuyết điểm trong công tác cải cách bộ máy hành chính là “xuất phát từ tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, vì lợi ích riêng của ngành mình, của địa phương mình”.
“Đây là rào cản lớn nhất cản trở công cuộc cải cách bộ máy hành chính của nước ta nói riêng cũng như cải cách hệ thống chính trị của nước ta” - ĐB Cầu nói.
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhìn nhận tình trạng này làm nảy sinh những quan chức mà “thân làm tới Thượng thư Tả thị lang mà phát biểu những ngô nghê. “Chẳng hạn những phát ngôn như “Ngô Quyền sáng tạo ra cọc gỗ Bạch Đằng” hoặc “xây dựng nghĩa trang là để phát triển bền vững” - ĐB Vân.
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nói: “Từ sau vụ việc quán cà phê Xin Chào (TP.HCM), tôi nghĩ đã khép lại tất cả những gì được coi là sự bất cập về tắc trách, quan liêu, trì trệ và vô cảm của các cơ quan quản lý nhà nước địa phương trước tính kiên cố của người dân khi để những vụ việc cỏn con nhưng đích thân người đứng đầu Chính phủ phải ra tay chỉ đạo”.
Tuy vậy, theo ông Nhân, tình trạng này chẳng những không giảm mà vẫn tiếp diễn. “Câu chuyện cái cống nước ở 146 Quán Thánh (Hà Nội) khi kéo được cả các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương vào cuộc. Điều này như một gáo nước tạt thẳng vào những người có trách nhiệm đang cố gắng xây dựng một nền hành chính hiện đại vì dân phục vụ” - ông Nhân nói tiếp.
Nhận định cống nước ở Quán Thánh dĩ nhiên là ô nhiễm nhưng ông Nhân cho rằng: “Điều này không đáng sợ bằng sự ô nhiễm tư duy, nhận thức đã len lỏi trong một số cán bộ, công chức hiện nay”.