Tinh gọn bộ máy và chuyện cắt giảm thủ tục hành chính

Có thể nói đây là những bước cải cách thủ tục hành chính cần thiết nhưng lẽ ra phải làm từ lâu. Bởi lẽ bất kể người dân, doanh nghiệp và ngay cả cơ quan quản lý nhà nước cũng nhận ra những rắc rối, phiền hà… của những thủ tục không cần thiết.

Thủ tướng Chính phủ trong thời gian gần đây đều yêu cầu các bộ, ngành rà soát lại giấy phép con vô lý để tạo điều kiện thông thoáng cho sản xuất, kinh doanh nhằm thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Dư địa cải cách trong lĩnh vực này, như nhiều thành viên Chính phủ và chuyên gia đã khẳng định, còn rất rộng.

Nhưng có lẽ việc bãi bỏ những thủ tục hành chính, những giấy phép con vô lý, không cần thiết phải được tiến hành song song với việc thay đổi tư duy của các nhà hoạch định chính sách. Thông thường, khi giải trình về sự cần thiết của các chính sách, cơ quan quản lý nhà nước thường nói rằng: Mục tiêu của chính sách là để tăng cường quản lý nhà nước. Rất tiếc, đó là một tư duy không chính xác. Bởi lẽ tăng cường quản lý nhà nước không nên và chưa bao giờ là mục tiêu của mỗi chính sách nếu tuân thủ đúng nguyên tắc Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính.

Mỗi một chính sách, mỗi một giấy phép con được ban hành bao giờ cũng tạo ra những chi phí rất lớn cho xã hội và sự cồng kềnh cho bộ máy nhà nước. Bởi những thủ tục hành chính, xét về bản chất, luôn tạo ra những rào cản cho cả doanh nghiệp và người dân trong kinh doanh cũng như tham gia vào đời sống xã hội. Chi phí chính thức đã đành, chi phí không chính thức vẫn đang là điều nhức nhối trong nhiều báo cáo khả tín về hành chính và kinh doanh...

Trung ương trong những ngày này đang bàn về đề án “đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và đề án “đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập”. Định hướng đúng đắn và cần thiết này hẳn nhiên phải có sự xúc tác từ việc cắt bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, vô lý.

Bởi khi đó Nhà nước sẽ không còn ôm đồm những việc mà xã hội và thị trường có thể tự điều chỉnh. Khi Nhà nước không còn ôm đồm thì cũng có nghĩa là cách thức quản lý cũng được cải tiến, nhân lực cũng không cần nhiều, đầu mối cũng được thu gọn lại.

Và khi đó chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính mới có thể mau trở thành hiện thực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm