Xây dựng được thương hiệu đình đám nhưng không dự báo được xu thế mới và đi lệch với nhu cầu khách hàng, hệ quả là toàn bộ kết quả xây dựng hàng chục năm của không ít công ty đổ bể chỉ trong một thời gian ngắn.
Loa kéo giết thương hiệu karaoke
Công ty cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) mới đây đã quyết định chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất, kinh doanh ngành nghề điện tử. Điều đó có nghĩa thương hiệu Arirang vang bóng một thời sẽ không còn được sản xuất. Ngoài ra, ban lãnh đạo của Maseco dự kiến thanh lý toàn bộ hàng tồn kho, chấp nhận lỗ khoảng 50 tỉ đồng từ ngành nghề điện tử vì không có khả năng cạnh tranh.
Không chỉ vậy, Chủ tịch HĐQT Maseco Nguyễn Thiện Mỹ đã gửi tờ trình đến đại hội cổ đông 2019 với nội dung “rút khỏi danh sách công ty đại chúng và hủy niêm yết cổ phiếu tại sàn chứng khoán Hà Nội”.
Nổi lên từ những năm 2000, Maseco vốn là một công ty nhà nước đã tạo dựng được nhiều sản phẩm điện tử có tiếng, đặc biệt là dòng sản phẩm karaoke gắn với thương hiệu Arirang. Nhưng sau đó thương hiệu Arirang tỏ ra hụt hơi, các khoản lỗ xuất hiện, các nhân sự chủ chốt cũng bắt đầu đăng ký thoái vốn.
Trong báo cáo gửi các cổ đông năm 2018, Maseco chính thức thừa nhận: “Tình trạng tồn kho hàng điện tử giá trị cao, hàng hóa đã lạc hậu kỹ thuật, lỗi mốt, lỗi thời, chậm luân chuyển do không còn phù hợp với nhu cầu thị trường”.
Bình luận về sự sụp đổ của thương hiệu Arirang, chuyên gia Trần Đình Phương cho rằng người dùng ngày nay dễ tính hơn với chất lượng âm thanh, chủ yếu hướng đến niềm vui giải trí nên việc đến các phòng karaoke không còn nhiều. Mặt khác, lợi thế bài hát bản quyền cài đặt trong máy Arirang đã bị YouTube cạnh tranh vì cung cấp mọi thứ miễn phí.
“Ngoài sức ép cạnh tranh của các thương hiệu khác khiến Arirang mất thị phần, những thay đổi nhanh chóng về mặt công nghệ đã khiến cho đại gia Arirang từng thống trị tại các phòng karaoke một thời buộc phải dẹp bỏ thương hiệu đình đám, chấm dứt luôn ngành nghề điện tử” - ông Phương nói.
Sức ép cạnh tranh trên thị trường điện tử, điện lạnh… ngày càng khốc liệt. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Công nghệ mới làm lật nhào mô hình truyền thống
Tương tự, Công ty Điện tử Hà Nội (Hanel) từng hợp tác với một đối tác Hàn Quốc là Orion thành lập liên doanh đèn hình Orion Hanel. Những năm thập niên 1990 và đầu năm 2000, liên doanh này kinh doanh rất tốt, làm ăn hiệu quả, hàng sản xuất không đủ bán. Tuy nhiên, sự chậm thay đổi theo xu hướng của thị trường đã khiến Orion Hanel trượt dần. Kết quả là Orion Hanel đã xin phá sản...
Không chỉ Orion Hanel mà một số đơn vị khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Từng liên doanh với Sony, Viettronics Tân Bình cũng rất mạnh với các sản phẩm điện tử gia dụng nhưng ngày càng đuối sức trên thị trường. Ông Vũ Dương Ngọc Duy, Tổng giám đốc Viettronics Tân Bình, từng thừa nhận doanh thu nhiều mặt hàng truyền thống suy giảm, sức ép cạnh tranh với các thương hiệu giá rẻ ngày càng khốc liệt.
Các chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng những mô hình kinh doanh, công nghệ mới đang làm lật nhào các mô hình truyền thống lịch sử ngủ quên trên chiến thắng, không kết nối kịp với sự thay đổi hành vi và thói quen của khách hàng mục tiêu. Thêm vào đó, theo ông Phương, vào đầu thập niên 2000, khi các sản phẩm điện tử nước ngoài bị cản trở bằng các rào cản thuế nên liên doanh giữa doanh nghiệp nội và các hãng nước ngoài bằng cách nhập linh kiện và lắp ráp sản phẩm mang thương hiệu Việt đã có chỗ đứng trên thị trường.
Tuy nhiên, khi hội nhập WTO, các hãng nước ngoài đã xây dựng được hệ thống phân phối nên tự nhập khẩu hoặc tổ chức đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Từ đó các liên doanh hoặc công ty trong nước đã không còn sở hữu được sức mạnh như trước.
Lối thoát
Nhiều chuyên gia cho rằng để tồn tại trước những thay đổi quá nhanh trên thị trường thì không có cách nào khác là phải linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh. Ngày nay nhiều mô hình kinh doanh mới ra đời dựa trên nền tảng công nghệ nhưng điều cuối cùng phải đáp ứng nhu cầu khách hàng. Điều này có nghĩa đừng sống trên ánh hào quang quá khứ, khư khư giữ lại các mô hình cũ, mà cần mạnh dạn thay đổi, thậm chí đập đi xây lại mô hình mới để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách hàng.
Lấy Arirang là gương điển hình để tìm cách thay đổi, Viettronics Tân Bình đang tìm lối đi kinh doanh thích hợp. Ông Vũ Dương Ngọc Duy, Tổng giám đốc Viettronics Tân Bình, tiết lộ hiện nay Viettronics Tân Bình dồn sức đầu tư cho các sản phẩm thông minh (smart) đồng thời dùng một phần nguồn lực thực hiện gia công cho hãng điện tử Skyworth và Toshiba.
Cũng chính nhờ sự thay đổi đã giúp Aqua Việt Nam, một công ty chuyên về sản phẩm điện tử gia dụng không những tồn tại tốt mà còn đưa sản phẩm đi khắp thế giới. Theo ông Zhang Shoujiang, Tổng giám đốc Aqua Việt Nam, câu chuyện rất đơn giản, là liên tục đầu tư và nâng cấp công nghệ để đem lại hiệu quả kinh doanh.
Chẳng hạn, Aqua đã sử dụng các robot vào các hoạt động sản xuất, giảm bớt nhân sự, đồng thời tập trung nghiên cứu những sản phẩm chiều lòng người tiêu dùng một cách tối đa. Aqua có những sản phẩm tích hợp cả trợ lý thông minh như Alexa để chỉ dẫn người dùng cách nấu ăn, chuẩn bị nguyên liệu… “Mới đây Aqua đã đầu tư hơn 21 triệu USD cho dòng sản phẩm máy giặt cửa trước mà phần lớn nguồn lực dồn cho đầu tư công nghệ tự động nhằm giảm thiểu lỗi và tạo chất lượng sản phẩm ổn định” - ông Zhang Shoujiang nói.
Thực tế, các doanh ngiệp luôn phải đối diện rất nhiều rủi ro trên thị trường hay tình trạng bão hòa buộc họ phải tìm các con đường phát triển mới. Các công ty trong ngành bán lẻ hiểu điều này hơn ai hết. Chẳng hạn FPT retail đã nhìn thấy tính chất bão hòa của kinh doanh hàng điện thoại nên đã đầu tư thêm hai ngành nghề kinh doanh mới là bưu chính và chuyển phát nhằm tận dụng các nguồn lực sẵn có như mạng lưới hơn 540 cửa hàng tại khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước cùng nguồn nhân lực lớn. Hay Thế Giới Di Động chọn kinh doanh nồi niêu, xoong chảo, đồng hồ và mới đây là mắt kính để tìm kiếm từng đồng lợi nhuận.
Đừng trông chờ sự bảo hộ Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận kinh doanh không chỉ nhìn mỗi thị trường nội địa mà cần quan sát chuyển động thế giới bên ngoài. Vì ngày nay thế giới không còn ranh giới, các xu hướng kinh doanh chuyển dịch nhanh, khách hàng cũng thay đổi khẩu vị tiêu dùng nhanh. Nếu chậm chạp sẽ không có cơ hội thắng trên thị trường. “Các doanh nghiệp cũng đừng trông chờ vào các rào cản kỹ thuật, thuế mà Nhà nước hỗ trợ, bảo vệ nền tảng kinh doanh vì đã hội nhập thì không thể kéo dài. Để sống còn và tồn tại chỉ có cách luôn sáng tạo, chấp nhận đối đầu cạnh tranh để có hướng đi mới” - ông Hiếu nói. |