“Ngâm” trả lời khiếu nại phải bị chế tài nặng

Tôi thấy một bất cập lớn nhất hiện nay là các cơ quan nhà nước (ở đây cụ thể là UBND các cấp) giải quyết khiếu nại không đúng thời gian quy định, đã làm mất đi quyền khởi kiện của người dân. Theo quy định, thời hiệu khởi kiện đối với quyết định hành chính là một năm kể từ ngày nhận quyết định. Trong khi đó, việc cơ quan nhà nước dây dưa kéo dài thời gian trả lời khiếu nại thì cho đến lúc người dân nhận được khiếu nại (có khi đã là ba, bốn năm) thì thời hiệu khởi kiện đã không còn. Ví dụ như ông A bị UBND quận ra quyết định thu hồi đất và ông A khiếu nại lên UBND thành phố. Hai năm sau UBND thành phố mới ra quyết định bác đơn khiếu nại. Bấy giờ, nếu ông A đi kiện quyết định của UBND quận thì đã hết thời hiệu kiện. Như vậy, câu ghi trong quyết định giải quyết khiếu nại “nếu không đồng ý..., trong thời hạn 30 ngày ông/bà được quyền khởi kiện tại tòa án” trở nên vô nghĩa.

Để xảy ra tình trạng nên trên phần lớn lỗi thuộc về cơ quan giải quyết khiếu nại. Nếu thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu và lần hai tuân thủ pháp luật thì thời gian tối đa cho cả hai lần là 120 ngày (bốn tháng), như vậy còn tám tháng để người dân thực hiện quyền của mình. Thế nhưng những cơ quan “ngâm” hồ sơ lâu vậy nhưng gần như không bị chế tài gì. Tại sao dân quá một ngày thì tòa không thụ lý còn Nhà nước thì lại tự cho mình quyền chậm không thời hạn và không chịu trách nhiệm gì cả?

Theo tôi, trước hết phải nên xem thời hiệu khởi kiện một năm được tính từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định khiếu nại lần đầu (hoặc lần hai nếu có). Như vậy mới đảm bảo tính công bằng trong quan hệ pháp luật giữa Nhà nước và công dân.

Về lâu dài nhất thiết phải buộc các cơ quan nhà nước giải quyết khiếu nại đúng thời hạn nếu không thì phải có chế tài nghiêm khắc.

Luật sư LÊ VĂN HOAN (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm