Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng SJC: Rồi sao nữa?

(PLO)- Dự kiến trong tuần này, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức đấu thầu vàng để tăng cung cho thị trường, hạ giá vàng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vài ngày trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông tin đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. Theo các chuyên gia, việc NHNN lấy vàng trong kho dự trữ ngoại hối ra tăng cung để bình ổn thị trường mà chưa cấp phép nhập khẩu vàng là hợp lý. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra lúc này là NHNN sẽ đưa giá chào thầu theo giá vàng thế giới hay giá vàng SJC được niêm yết hiện nay. Đây là câu hỏi không đơn giản cho các chủ thể trên thị trường vàng.

Khó đưa ra giá cao

Nhìn ngược về quá khứ, vào cuối tháng 3-2013, NHNN đã từng đấu thầu 26.000 lượng vàng, kết quả là chỉ có 2.000 lượng vàng có người mua. Nguyên nhân là NHNN đã đặt giá đấu thầu quá cao so với thị trường. Một chuyên gia khi đó đã từng nói NHNN không bán rẻ vàng, vượt quá kỳ vọng của các doanh nghiệp (DN) tham gia đấu thầu nên số vàng đưa ra đấu thầu bị ế. Thời điểm hiện nay, chắc chắn NHNN cũng không thể đưa mức giá quá thấp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan theo dõi sát biến động cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều chỉnh phù hợp. Trong đó, tăng cường các hoạt động kiểm soát hàng hóa, bình ổn thị trường, tập trung thanh tra, kiểm tra các DN kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.

THU NGUYỆT

Trong phiên giao dịch ngày 16-4, giá vàng thế giới tiếp tục thiết lập đỉnh cao mới là 2.385 USD, tương đương 73,1 triệu đồng/lượng. Tại thị trường trong nước, giá vàng SJC đang là 84,1 triệu đồng/lượng.

Nếu NHNN chào thầu ở mức giá thế giới như hiện nay tại vùng giá 73 triệu đồng/lượng sẽ dễ kích hoạt hiện tượng đầu cơ. Có nghĩa là nhóm “cá mập” sẽ vay vàng để bán lúc giá cao, kết hợp với nguồn cung vàng mới đạp giá xuống, sau đó mua trả lại. NHNN chắc chắn không muốn điều này.

Ngoài ra, bán sát giá thế giới dễ dẫn đến làm thiệt hại ngân sách nhà nước nếu giá vàng thế giới tiếp tục đi lên. Chưa kể, vàng có trong tay NHNN lại là dự trữ ngoại hối, một bước đệm quan trọng cho an toàn tài chính quốc gia.

Năm 2013, NHNN đã từng trả lời rất rõ ràng trên website của mình là đấu thầu vàng để tăng cung và bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá, đặc biệt không bù lỗ cho đối tượng nào trên thị trường. Tuy nhiên, nếu NHNN chọn mức giá vàng SJC đang bán ra thị trường lại đưa ra chỉ dấu rằng giá vàng SJC vừa qua là hợp lý.

Theo ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VN), năm 2013, NHNN đã thực hiện gần 80 phiên đấu thầu vàng. Theo đó, chào bán ra thị trường tổng cộng 1.932.000 lượng vàng và bán thành công 1.819.900 lượng vàng, tương đương 69,9 tấn vàng. Trong số này có hơn 30 tấn vàng được các tổ chức tín dụng mua vào để tất toán trạng thái vàng, chỉ có gần 40 tấn vàng còn lại là bán ra thị trường.

Điều đáng nói là sau khi NHNN thực hiện đấu thầu vàng, giá vàng trong nước đã giảm gần 12 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới thời điểm trước đấu thầu khoảng 3-4 triệu đồng/lượng. Sau các phiên đấu thầu, chênh lệch giá vàng có thời điểm giảm dần về 1 triệu đồng/lượng, tuy nhiên đà giảm này không giữ được lâu. Và kết thúc gần 80 phiên đấu thầu, chênh lệch giá vàng vẫn đứng ở mức trên 4 triệu đồng/lượng, tức cao hơn thời điểm trước khi bắt đầu đấu thầu vàng.

“Vì vậy, trong lần đấu thầu này, NHNN sẽ phải tính toán rất cẩn trọng về phương thức, cũng như khối lượng đấu thầu vàng miếng sao cho phù hợp với tình hình thị trường hiện nay. Đồng thời, cũng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến tỉ giá, dự trữ ngoại hối nhà nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra” - ông Bảng nói.

p2-anh chinh.jpg
Người dân mua vàng tại một cửa hàng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Khó “ghìm cương” giá vàng SJC nếu đấu thầu nhưng vẫn độc quyền

Theo một chuyên gia, cái khó của NHNN là không phải đơn vị kinh doanh để kiếm lợi. Do đó, NHNN có khả năng sẽ chọn mức giá đấu thầu nằm ở khoảng giữa giá vàng SJC và giá vàng nhẫn hiện nay. Nói cách khác, giá vàng nhẫn sẽ là giá sàn còn giá vàng SJC là giá trần. Như vậy, đơn vị nào thiếu hụt cung và có những kỳ vọng lợi nhuận sắp tới sẽ dễ tham gia.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng thị trường không nên quá kỳ vọng phiên đấu thầu vàng đầu tiên sau một thập niên sẽ khiến vàng SJC thu hẹp khoảng cách vàng thế giới. Vì đây là thời điểm các bên thăm dò thị trường, thử phản ứng chính sách.

Dù thành công hay thất bại trong phiên đấu thầu đầu tiên thì thông điệp rõ ràng là NHNN sẵn sàng can thiệp thị trường nhằm giảm chênh lệch giá vàng như chỉ đạo của Thủ tướng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo một ngân hàng cho biết thêm khi NHNN mở kho vàng miếng SJC để đấu thầu, nhiều khả năng sau đó nhà điều hành sẽ mua bổ sung vàng nguyên liệu với số lượng tương ứng để đảm bảo nguồn dự trữ ngoại hối bằng vàng. Do đó, dù bán bớt vàng miếng SJC thì kho dự trữ ngoại hối của NHNN cũng không bị xê dịch gì.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng khi bổ sung thêm nguồn cung vàng miếng SJC, thị trường vàng miếng được kỳ vọng sẽ giảm lực cầu, qua đó đưa giá vàng miếng xuống thấp hơn so với hiện tại.

Khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu

NHNN cho biết sẽ gửi thông báo trước một ngày đấu thầu. Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và DN kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu. Các đơn vị trên có 30 phút để quyết định, khối lượng và giá mua. 1 tiếng sau khi đóng thầu, NHNN sẽ công bố kết quả.

Các DN sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất lúc 17 giờ ngày nhận thông báo đấu thầu.

Hiện có 26 đơn vị bao gồm cả ngân hàng thương mại và DN kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với NHNN. Trong số đó, đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC.

Thực tế là từ chiều 15-4 đến nay, khi NHNN thông báo sắp đấu thầu vàng miếng SJC, giá bán loại vàng độc quyền này đã giảm khoảng 1,5 triệu đồng/lượng. Điều đó cho thấy quyết định tăng nguồn cung vàng miếng SJC của NHNN đã tác động ngay lập tức lên tâm lý của những người đầu cơ sản phẩm này.

Tuy nhiên, để thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới đến mức nào lại phụ thuộc vào số lượng vàng mà NHNN cung ứng cho thị trường là bao nhiêu. Nếu số lượng vàng miếng SJC được đem ra đấu thầu chỉ ở mức hạn chế, nhỏ giọt thì chỉ tác dụng trong ngắn hạn. Về dài hạn, loại vàng độc quyền này sẽ quay đầu tăng trở lại.

Chưa kể, trong bối cảnh giá vàng thế giới vẫn duy trì đà tăng mạnh như hiện tại thì nhu cầu mua vàng của người tiêu dùng tại thị trường trong nước sẽ vẫn ở mức cao. “Do đó, việc đấu thầu vàng miếng SJC chỉ là giải pháp trong ngắn hạn mà thôi. Còn về lâu dài, giải pháp căn cơ nhất vẫn là NHNN cần cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu” - TS Huân nói.

Đối với việc đấu thầu vàng miếng thì không có gì đáng phải bàn, bởi cơ chế đấu thầu là luôn công khai, minh bạch. Còn về tiêu chuẩn chọn người trúng thầu thì ưu tiên số 1 là về giá, lấy giá từ cao xuống thấp, sau đó mới tính đến khối lượng. Do đó, cứ ai bỏ giá cao nhất so với giá sàn mà NHNN đưa ra thì người đó sẽ trúng thầu. Trong trường hợp có nhiều DN bỏ thầu với cùng một mức giá thì sẽ ưu tiên cho bên nào mua khối lượng nhiều hơn.•

Đề nghị các bộ Công an, Tài chính phối hợp công tác đấu thầu vàng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. NHNN đề nghị các bộ Công an, Tài chính phối hợp, hỗ trợ công tác đấu thầu vàng.

Tại văn bản gửi Bộ Tài chính, NHNN đề nghị bộ này hỗ trợ việc thực hiện thủ tục thông quan lượng vàng nhập khẩu phục vụ công tác đấu thầu. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phối hợp quản lý hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện nhiệm vụ, giải pháp bình ổn và quản lý thị trường vàng được giao tại các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng.

NHNN cũng yêu cầu các tổ chức kinh doanh mua bán vàng, nhất là kinh doanh mua bán vàng miếng thực hiện nghiêm việc áp dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua bán vàng. Hoạt động này nhằm nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch. Đơn vị quản lý sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định này.

Bộ Tài chính cũng được đề nghị tiếp tục cung cấp thông tin về các sự vụ, sự việc buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới để NHNN kịp thời nắm bắt thông tin thị trường nhằm đưa ra phương án quản lý thị trường vàng hiệu quả.

16-p3-mau-viethoa.jpg
Một cửa hàng vàng tại TP.HCM đóng cửa khi có thông tin kiểm tra. Ảnh: TÚ UYÊN

Bênh cạnh đó, NHNN đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị phối hợp thực hiện nhiệm vụ, giải pháp bình ổn và quản lý thị trường vàng được giao tại các văn bản chỉ đạo của Chính phủ.

Thực hiện nhiệm vụ tại Công điện 23/2024 về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với NHNN và các cơ quan thanh tra, kiểm tra thực hiện ngay biện pháp theo quy định. Qua đó xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng. Đặc biệt là các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi, đẩy giá vàng miếng...

Bộ Công an cũng được đề nghị phối hợp cùng NHNN trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.

Ngoài ra, NHNN cũng có văn bản đề nghị Bộ Công Thương thực hiện quản lý hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện nhiệm vụ, giải pháp bình ổn và quản lý thị trường vàng được giao tại các văn bản chỉ đạo của Chính phủ.

“Bộ Công Thương cần chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý thị trường; kịp thời phát hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm và cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” - văn bản
nêu. Đối với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng chấp hành nghiêm các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Các đơn vị cần đảm bảo thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, không xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá.

Các tổ chức, đơn vị cũng cần thực hiện đúng chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính; áp dụng hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua bán vàng để nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động mua bán vàng, đặc biệt là mua bán vàng miếng.

Tuân thủ pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố; thực hiện nghiêm công văn của NHNN về việc tuân thủ pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Đối với NHNN chi nhánh tỉnh, TP trực thuộc trung ương, NHNN yêu cầu tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh vàng của các đơn vị. Qua đó kịp thời xử lý các vi phạm về hoạt động kinh doanh vàng theo thẩm quyền. PV

TS LÊ XUÂN NGHĨA, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia:

16-p23-chuyende-LeXuanNghia.jpg

Đấu thầu vàng chỉ giải pháp là ngắn hạn

Đấu thầu vàng sẽ chỉ tạo ra tác động tâm lý nào đó trong ngắn hạn. Căn cơ nhất, dài hạn nhất và thông lệ quốc tế nhất là phải cho xuất nhập khẩu vàng tự do, sản xuất, kinh doanh vàng tự do và đánh thuế.

Sự thật tại VN, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế lớn, có những lúc lên tới 30% là rất phi lý. Nguyên nhân vì dòng thương mại bị cắt đứt do lâu nay VN không nhập khẩu vàng miếng, trong khi nhu cầu trong nước vẫn có.

Số liệu thực tế chứng minh theo thông báo của Hội đồng vàng thế giới, mỗi năm VN được sản xuất khoảng 600 kg vàng, trong khi đó nhu cầu có thể là 50 tấn vàng. Nếu như vậy, để bù đắp nhu cầu này, người ta phải nhập lậu hoặc là tăng giá vàng trong nước lên. Đây là chuyện đương nhiên.

Chính vì vậy, muốn xóa bỏ chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, đơn giản là dùng các biện pháp thương mại, không cần phải dùng các biện pháp tiền tệ như đấu giá vàng miếng. Tức là cho phép một số công ty kinh doanh vàng có đủ điều kiện tự xuất nhập khẩu, kinh doanh vàng miếng và vàng trang sức. Để quản lý, có thể dùng công cụ mạnh nhất của Chính phủ để xử lý đó là thuế. Điều này giúp thị trường vàng minh bạch như thị trường vàng thế giới.

Lẽ ra như VN nên nghiên cứu mua để dự trữ hơn là mang vàng dự trữ ra đấu thầu để bình ổn thị trường. Đó có thể là cách làm ngắn hạn nhưng không phải là cách làm bài bản.

Ông NGUYỄN THẾ HÙNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN:

16-p23-chuyende-nguyenthehung.jpg

Cần giao dịch thông qua hợp đồng kỳ hạn

Việc NHNN đấu thầu vàng miếng đồng nghĩa với việc hút tiền VND về, giá vàng trong nước sẽ thu hẹp khoảng cách so với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, đấu thầu vàng miếng vẫn là giải pháp trong ngắn hạn để tăng cung và thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới. Còn lộ trình đấu thầu trong bao lâu và sau đấu thầu là gì vẫn chưa thể nói trước được.

Thông tin NHNN sắp đấu thầu vàng miếng đã ngay lập tức làm cho giá vàng SJC giảm mạnh 1 triệu đồng/lượng vào chiều 15-4, thu hẹp đáng kể chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước. Nhưng không ai biết được sau khi giá giảm vài ngày, người dân sẽ bán vàng miếng SJC hay mua vào? Vì thế, xu hướng của giá vàng trong nước thời gian tới rất khó lường.

Chính vì thế theo tôi, cần sớm cho phép sở giao dịch hàng hóa giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn như các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Các thành viên tham gia phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, được phép xuất nhập khẩu vàng (căn cứ theo đặc tả hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn vàng do sở giao dịch hàng hóa ban hành).

Ông LƯU CHÍ KHÁNG, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu CSI:

16-p23-chuyende-LuuChiKhang.png

Khó đoán giá vàng giảm bao nhiêu sau khi đấu thầu vàng miếng

Việc NHNN đấu thầu vàng miếng là cung ứng vàng ra thị trường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hút đồng VND về. Đây cũng được xem là một biện pháp cấp bách giúp thắt chặt tiền tệ, thanh khoản bớt dư thừa, qua đó giúp tỉ giá USD/VND bớt căng. Giá vàng trong nước sẽ thu hẹp khoảng cách so với giá vàng thế giới.

Như vậy, việc cung ứng vàng ra thị trường kỳ vọng sẽ đạt được hai mục tiêu, vừa giảm chênh lệch giá vàng miếng SJC vừa hạ nhiệt tỉ giá. Tuy nhiên, rất khó để trả lời chính xác việc giá vàng có thể sẽ xuống mức bao nhiêu sau khi NHNN đấu thầu vàng miếng ra thị trường.

Bởi theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia trích dẫn số liệu từ CEIC (một tổ chức cung cấp dữ liệu kinh tế) cho thấy tính tới tháng 5-2020, vàng dự trữ ở mức gần 9,2 tấn, tương đương khoảng 0,68% tổng dự trữ ngoại hối.

Còn trên trang CEIC, VN có vàng dự trữ gần 650 triệu USD tính tới tháng 10-2023. Nếu tính mức giá khoảng 1.970 USD/ounce hồi tháng 10-2023 thì VN có tổng lượng vàng khoảng 10,3 tấn.

Chúng ta không biết NHNN sẽ cung ứng ra thị trường bao nhiêu vàng từ nguồn dự trữ khoảng 10 tấn theo ước tính trên cũng như vàng có thể nhập về thêm.

Trên thực tế, hầu hết ngân hàng trung ương phải duy trì một lượng vàng nhất định. Do vậy, khả năng tỉ lệ vàng có thể chỉ rút về mức 0,5% dự trữ ngoại hối, tương đương bán ra khoảng 2-2,4 tấn. Đây là con số không đáng kể so với nhu cầu nắm giữ của dân chúng khi trong nước lên cơn sốt vàng.

Bên cạnh đó, NHNN có thể để DN trực tiếp nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, điều này có thể tác động đến thị trường ngoại hối trong nước, tăng tỉ giá, khi DN phải mua gom USD để nhập vàng.

TS NGUYỄN HỮU HUÂN, chuyên gia kinh tế ngân hàng:

16-p23-chuyende-nguyenhuuhuan.png

Cần sớm cho nhập khẩu vàng nguyên liệu

Theo tôi, giải pháp cho nhập khẩu vàng nguyên liệu đóng vai trò quan trọng hơn nhiều so với việc xóa độc quyền vàng miếng SJC. Bởi nếu chỉ xóa độc quyền vàng miếng mà không bổ sung vàng nguyên liệu khi lực cầu vẫn cao thì giá vàng trong nước vẫn không thể trở về đúng với giá trị của nó.

Nếu NHNN cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu thì không chỉ giúp nhà điều hành chủ động hơn trong việc quản lý thị trường vàng thay vì bị động như hiện tại mà còn khiến thu hẹp chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới.

NHNN và Cục Quản lý thị trường đang tích cực rà soát việc xuất hóa đơn điện tử, xác minh nguồn vàng từ đầu vào đến đầu ra của các tiệm vàng lớn nhỏ. Điều này càng làm cho nguồn vàng trở nên khan hiếm hơn, do vàng lậu hết đất sống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm