Tại hội thảo, đã có 62 ký kết đào tạo theo nhu cầu giữa nhà trường và các doanh nghiệp. |
Thiếu, yếu: Vẫn cần
Nhân lực có trình độ từ ĐH chỉ chiếm 3,11% trong số hơn 1 triệu lao động ngành du lịch. TP.HCM thu hút 24,41%, Hà Nội có 14,14%. Hiện tượng thừa, thiếu cục bộ lao động du lịch giữa các địa phương là khó khăn lớn trong phân bố lao động mảng này. Tới năm 2010, mục tiêu sẽ có 1,4 triệu người tham gia lĩnh vực du lịch.
Những năm gần đây các cơ sở đào tạo du lịch ngày càng tăng, nhưng chỉ đáp ứng 60% nhu cầu. Tình trạng phổ biến lại tréo nghoe khi các doanh nghiệp thiếu lao động lành nghề nhưng khi tuyển dụng SV có chuyên môn vẫn phải đào tạo lại. Đặc biệt, nhân lực chất lượng cao (giám đốc, quản lý cao cấp, chuyên gia…) thì chưa có trường lớp đào tạo.
Ông Văn Nghệ (giám đốc điều hành khách sạn Majestic TP.HCM) cho biết, “rất nhiều trường hợp, chúng tôi chỉ hỏi “khách sạn là gì?” nhưng SV tốt nghiệp ngành du lịch lại lúng túng. Tiếng Anh là ngoại ngữ phổ biến nhất thì nghe hiểu rất hạn chế. Tuy vậy, chúng tôi vẫn thường xuyên níu chân SV thực tập lại, làm việc part – time và trả lương bình thường cho các em".
T.S Lã Quốc Khánh (Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM) chua xót: trình độ ngoại ngữ hạn chế, kỹ năng thiếu khiến chúng ta không khai thác hết được nguồn lợi du lịch từ khách nước ngoài.
Minh chứng cho điều này, ông Nguyễn Minh Quyền, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Lữ hành Bến Thành Tourist cho hay, ở Trung tâm ông, 30% thị trường khách du lịch nước ngoài cần hướng dẫn viên nói được tiếng Đức Nhật, Hàn Quốc. Tuy nhiên, do không tìm được lao động đáp ứng nhu cầu, đành chấp nhận để mảng thị trường đó bỏ ngỏ. Thực tế này không khó khắc phục nhưng lại luôn gặp phải vì ngay từ khi học chỉ đào tạo chung chung và không định hướng.
Cũng vì vấn đề này, đại diện Trung tâm TNHH thương mại Phương Nam cho biết phải sử dụng HDV nước ngoài về mới đáp ứng nhu cầu khách quốc tế. Một giải pháp tình thế khác là tự đào tạo cho nhân viên những bước cơ bản.
Bắt tay: chưa đủ, phải học hỏi lẫn nhau
Giải thích những căn nguyên mà doanh nghiệp bức xúc, TS. Nguyễn Mạnh Hùng (Trường CĐ Nguyễn Tất Thành, TP.HCM) cho biết, mức học phí hiện tại dù khéo co, kéo, các trường cũng không đảm bảo chất lượng đào tạo với một ngành cần thực tế nhiều, kỹ năng nhiều như du lịch.
Ông Văn Nghệ cho hay, cách giữ chân SV dù trình độ và khả năng nhân lực hạn chế kỳ thực khá mất thời gian, có phần rối, ảnh hưởng công việc chung. Nếu không bắt tay làm chung, chỉ trách và đổ lỗi cho đào tạo là không công bằng và sẽ không giải quyết được vấn đề vì bản thân doanh nghiệp rất cần người làm được việc cho mình.
Đồng tình ý kiến này, bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Khách sạn Ninh Kiều (Cần Thơ) tính, trung bình mỗi năm doanh nghiệp của mình bỏ ra 50 triệu để đào tạo lại SV mà vẫn không hài lòng vì mất nhiều thời gian. Để bớt chi phí, thời gian, nên tạo điều kiện cho SV vào thực tập, làm part – time là giải pháp hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Đình Thành, Phó Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam (VITOURS), công ty này từng có chương trình hỗ trợ cho SV ngành du lịch, “đặt hàng” các SV xuất sắc tại một số trường nhưng không ăn thua. Khi nhận về, vẫn tiếp tục bài ca "đào tạo lại".
VITOURS đã lên mạng tìm kiếm và nhận được sự hỗ trợ đào tạo miễn phí từ các tổ chức phi chính phủ. Chương trình đào tạo của họ rất hay, có bảng mô tả công việc cụ thể, rõ ràng. Trong đó bao gồm những công việc cụ thể, dù nhỏ nhặt nhất mà mọi thành viên trong công ty phải đạt dược là gì, trình độ nghiệp vụ mà mỗi người phải đạt được trong từng giai đoạn là gì...
"Bởi vậy, ngoài việc nhà trường và doanh nghiệp bắt tay, cần có sự tăng cường học hỏi lẫn nhau, trong và ngoài nước vì đây là ngành nghề đặc biệt mở và luôn thay đổi, mới mẻ", ông Thành đề xuất.
Mong đợi gì ở nhân lực ngành du lịch? Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Cần áp dụng tiêu chuẩn du lịch theo tiêu chuẩn ngành du lịch của Châu âu nhưng mình chưa làm được. Ngoài ra cần lồng yếu tố văn hóa vào ngành du lịch kể cả lữ hành và nhà hàng khách sạn. Ngoại ngữ cũng cần có chuẩn mực cụ thể để tuyển những người đạt chuẩn ấy vào ngành nghề này. Các cơ sở đào tạo và kinh doanh du lịch cần phối hợp, vì chất lượng đầu ra của SV. Bộ GDĐT và bộ LĐ TBXH phối hợp với nhau thành lập một đơn vị có chức năng dự báo nhu cầu lao động của ngành du lịch để có hướng ra cho bài toán này. Bộ GDĐT và Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch cần phối hợp thiết kế cấu phần tiếng Anh cho riêng ngành du lịch, cụ thể cho từng vị trí nghề nghiệp với từng trình độ khác nhau để sát với yêu cầu về trình độ và cần có lộ trình đào tạo cụ thể. Thứ trưởng Trần Chiến Thắng (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch): Đào tạo du lịch là đào tạo nghề, không nghiêng về đào tạo năng khiếu, đào tạo nhân tài. Đào tạo nghiệp vụ, ngoại ngữ, và tin học đều gắn với thực hành. Đây là vấn đề cần chú ý trong cả đào tạo, phát triển và sử dụng nhân lực du lịch. Du lịch là hoạt động gắn trực tiếp với con người nên nhân lực cần có chất lượng cao, số lượng đủ, có kỹ năng nghiệp vụ để phục vụ du khách với tâm lý, nhu cầu, ngôn ngữ, văn hóa… rất khác nhau; cần có phong thái, bản sắc, ấn tượng riêng để tạo thương hiệu. Kỹ năng lao động phải được du khách thừa nhận. TS. Vũ Khắc Chương (CĐ VHNT và DL Sài Gòn): Nhân lực ngành du lịch cần hiểu công việc mình gắn rất nhiều với văn hóa, để tránh biến mình chai lì thành cỗ máy. Bao nhiêu năm qua chúng ta chỉ quan tâm đến khai thác du lịch bằng thế giới danh thắng, văn hóa bên ngoài, mà ít quan tâm tới đời sống tinh thần dân tộc; nhất là con người, thể hiện một phần nhiều ở chính những người làm du lịch. |
Theo Thu Hương - Kim Toàn (VNN)