“Nhiều năm qua, việc ghi ngành nghề kinh doanh trên giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN) đã không đạt được mục tiêu quản lý của Nhà nước theo ngành nghề. Nhiều DN để tiện cho mình đã đăng ký khống cả chục trang giấy về tất cả ngành nghề trong bản thống kê kinh tế quốc dân. Cơ quan nhà nước lúng túng trong việc áp mã ngành nghề khiến các DN cũng vất vả, hai bên cùng khổ”. Bày tỏ quan điểm ủng hộ việc bỏ ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy đăng ký thành lập DN (giấy phép), đại biểu (ĐB) Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đã nêu thực tế như trên.
Không để luật chuyên ngành bó quyền tự do kinh doanh
Theo ông Lộc, hiện nay nguyên tắc DN được quyền tự do kinh doanh trong tất cả lĩnh vực Nhà nước không cấm theo Hiến pháp đã trở thành nguyên tắc DN chỉ được kinh doanh trong những lĩnh vực quy định trong giấy phép. Vì vậy cần giảm thiểu các chế định hạn chế quyền tự do kinh doanh tại các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn, tránh tình trạng Luật DN mở ra còn các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn thì lại bó lại.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Vũ Tiến Lộc phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Ông Lộc phân tích: “Quá trình thi hành luật gần 10 năm qua đã cho thấy một bức tranh với quá nhiều các quy định riêng trong các luật chuyên ngành, quá nhiều các thủ tục và giấy phép con, cháu, chắt quy định trong các văn bản hướng dẫn và triển khai ở nhiều cấp, nguyên tắc quyền tự do kinh doanh trong Luật DN đã bị đẩy lùi và vô hiệu hóa từng phần”.
Từ đó ông Lộc nhất trí với việc quy định công bố công khai, rõ ràng danh mục ngành nghề cấm kinh doanh và danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. “Đây là quy định đặc biệt có ý nghĩa giúp DN không phải tự tìm khắp nơi trong cả một rừng pháp luật hiện nay để biết được những lĩnh vực không được kinh doanh hay kinh doanh với những điều kiện nhất định” - ông Lộc nhấn mạnh.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng đề nghị luật phải kèm theo các danh mục ngành nghề. Tuy nhiên, ông lưu ý: “Một nền kinh tế thường xuyên điều chỉnh những ngành nghề cấm và điều kiện kinh doanh sẽ gây xáo trộn, bất ổn cho môi trường kinh doanh và hạn chế việc thu hút đầu tư nước ngoài.
“Hiện nay chúng ta đang có ba danh mục khác nhau: Danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật DN; danh mục lĩnh vực cấm đầu tư, lĩnh vực địa bàn khuyến khích đầu tư theo Luật Đầu tư; và danh mục hàng hóa dịch vụ cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện theo Luật Thương mại. Theo tôi, cần hợp nhất ba danh mục này thành một để đảm bảo tính thống nhất và giảm bớt phiền hà cho các DN” - ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đề nghị.
Công khai thông tin để kiểm soát DN ma
Để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của DN không bị lạm dụng, ĐB Lộc đề nghị dự luật phải có chế định khoa học công tác hậu kiểm. Bởi lẽ muốn phát hiện DN ma ngay từ thời điểm họ có ý định trong đầu có lẽ là điều không thể nhưng sau một thời gian thì chắc chắn có thể làm tốt các thủ tục hậu kiểm. Trong đó báo cáo hoạt động và tài chính của DN là một thủ tục hậu kiểm cần thiết.
“Hiện nay các DN hoạt động đều phải nộp thuế, có báo cáo tài chính. Các cơ quan quản lý nhà nước có thể dựa trên các thông tin về thuế, về báo cáo tài chính của DN từ cơ quan thuế để biết được DN có thực sự hoạt động không, vốn liếng đến đâu. Sau đó các cơ quan có thể cập nhật ngay các thông tin đó theo nội dung đăng ký kinh doanh trên cổng thông tin cơ sở quốc gia về dữ liệu DN để các cơ quan nhà nước khác biết, để xã hội biết và để đối tác biết” - ông Lộc phân tích.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng yêu cầu cần tăng cường khâu kiểm tra tính xác thực của hồ sơ đăng ký, địa chỉ đăng ký kinh doanh, tính chất thể nhân của người đăng ký thành lập DN. Vì vậy luật cần có những điều khoản quy định khâu hậu kiểm, đặc biệt là sự phối hợp giữa các ban, ngành có liên quan.
THU HẰNG
Đưa môi trường kinh doanh từ chiếu dưới lên chiếu trên Tôi đặc biệt đánh giá cao cách tiếp cận mới chưa từng có trong lịch sử xây dựng pháp luật kinh doanh ở nước ta, đặt yêu cầu sửa đổi Luật DN lần này trong cuộc đua tranh quốc tế và đưa ra được dự báo định lượng về tác động của luật. Với các nội dung sửa đổi lần này nếu được Quốc hội thông qua sẽ có thể nâng hạng chỉ số gia nhập thị trường của Việt Nam từ chiếu dưới mức trung bình tăng 50 bậc, xếp khoảng thứ 60 cùng chiếu trên với tốp 30% nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt nhất trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới về chất lượng môi trường kinh doanh toàn cầu. Đây là một tiền lệ rất tốt của một dự án xây dựng luật trong bối cảnh hội nhập. ĐB VŨ TIẾN LỘC (Thái Bình) Nên bổ sung nguyên tắc làm lợi cho DN Đề nghị nên bổ sung nguyên tắc làm lợi cho DN khi Nhà nước rà soát, điều chỉnh danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện theo quy định về nới lỏng điều kiện kinh doanh hoặc quy định loại bỏ bớt ngành nghề bị cấm kinh doanh có thể có hiệu lực ngay. Còn các quy định siết chặt hơn điều kiện kinh doanh hoặc bổ sung thêm ngành nghề bị cấm kinh doanh chỉ có hiệu lực sau một thời gian hợp lý, tùy thuộc vào đặc thù của từng ngành nghề. Nếu như quy định cấm hoặc siết chặt hơn, bó buộc phải có hiệu lực ngay do các yếu tố khẩn cấp thì cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện phù hợp của Nhà nước cho DN liên quan để chuyển hướng sản xuất, giảm thiểu thiệt hại nếu có. ĐB DƯƠNG HOÀNG HƯƠNG (Phú Thọ) |