“Khi các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện được minh bạch thì cán bộ nhà nước không có điều kiện để hạch sách doanh nghiệp (DN). Các DN cũng không có cớ gì để biện minh cho những vi phạm của mình là do tôi không biết”. Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo lấy ý kiến về dự thảo (thứ 5) Luật DN sửa đổi vào sáng 10-7, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), nhấn mạnh như vậy khi nói về danh mục ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện mà bộ này đang xây dựng.
295 văn bản với 362 ngành nghề có điều kiện
. Phóng viên: Với danh mục ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện mà Bộ KH&ĐT đang xây dựng thì sắp tới các ngành nghề này sẽ tăng lên hay giảm xuống so với hiện nay?
+ Ông Bùi Anh Tuấn: Nói tăng lên hay giảm xuống thì không hẳn. Theo quan điểm của tôi, số lượng ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện không quan trọng mà quan trọng là làm sao những ngành nghề được đưa vào danh mục là cần thiết, đảm bảo tính hợp lý, phù hợp với thực tiễn và thuận lợi cho DN. Ngay như Hàn Quốc họ có gần 10.000, Úc khoảng 6.000 ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng là chuyện bình thường.
Nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện được các địa phương ban hành chưa đúng thẩm quyền. Trong ảnh: Làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT TP.HCM. Ảnh: HTD
. Vừa rồi Chính phủ có giao Bộ KH&ĐT rà soát các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, vậy Bộ đã thực hiện đến đâu và kết quả như thế nào?
+ Theo thống kê sơ bộ đến ngày 31-12-2013, cả nước có 362 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 17 bộ, ngành và được quy định bởi 295 văn bản quy phạm pháp luật. Chúng ta phải thừa nhận hệ thống văn bản và hệ thống quản lý nhà nước liên quan đến vấn đề này trong thời gian qua đã có vai trò nhất định để đảm bảo những ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết. Đây là những ngành nghề có ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, an toàn trật tự xã hội, môi trường… cần có sự giám sát thì nước nào cũng có quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, trong quá trình rà soát, chúng tôi phát hiện có một số vấn đề cần phải hoàn thiện trong thời gian tới.
Bộ, ngành, địa phương còn tùy tiện
. Những vấn đề nào cần được hoàn thiện, thưa ông?
+ Thứ nhất là hiện nay chưa có đánh giá tác động các điều kiện trong các ngành nghề này. Mặc dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 đã có quy định đánh giá tác động nhưng khi ban hành đa số các đơn vị thực hiện mang tính hình thức, đối phó là chính. Do vậy có nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện không phù hợp với thực tiễn, một số ngành kinh doanh có điều kiện không rõ ràng cả mục tiêu quản lý và hồ sơ trình tự thủ tục nên gây khó khăn cho DN trong quá trình thực hiện và cho cả cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình áp dụng.
Cụ thể, cơ quan nhà nước áp dụng không biết thế nào là đúng, nếu siết chặt thì bảo gây khó khăn cho DN nhưng nếu áp dụng không đến nơi đến chốn thì bị cho là thiếu trách nhiệm. Ngoài ra, chúng ta chưa xây dựng được cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước về ngành nghề kinh doanh có điều kiện…
. Điều mà DN sợ nhất hiện nay khi làm thủ tục là nhiều nơi tùy tiện đẻ ra điều kiện để gây khó dễ cho DN. Tình trạng này đang được ghi nhận như thế nào?
+ Qua rà soát chúng tôi phát hiện nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện được ban hành chưa đúng thẩm quyền. Theo quy định hiện nay thì ngành nghề kinh doanh có điều kiện chỉ được ban hành ở cấp luật, pháp lệnh hoặc nghị định. Thế mà hiện có nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện lại được ban hành ở cấp thông tư (bộ, ngành) hoặc quyết định của bộ trưởng, thậm chí cả quyết định của UBND tỉnh, thành. Thời gian tới, chúng tôi sẽ xem xét ngành nghề nào cần có điều kiện thì nâng cấp đưa vào nghị định, pháp lệnh còn nếu không cần thiết thì bãi bỏ.
. Khi thảo luận về Luật DN sửa đổi tại diễn đàn Quốc hội vừa rồi, có khá nhiều ý kiến tranh cãi xoay quanh thẩm quyền ban hành các danh mục này. Theo Bộ KH&ĐT thì danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện do ai ban hành là hợp lý?
+ Theo đề nghị của Quốc hội thì các ngành nghề kinh doanh có điều kiện dự kiến sẽ được ban hành ở cấp nghị định của Chính phủ vào hằng năm. Trong dự thảo của Luật DN sửa đổi lần này có quy định Chính phủ định kỳ hằng năm rà soát lại danh mục này và công bố công khai. Hiện nay Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh đang tiến hành công khai danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện trên cổng thông tin điện tử quốc gia. DN có thể truy cập vào đây để biết 362 ngành nghề kinh doanh có điều kiện là gì. Chúng tôi đã phân chi tiết theo tên, nội dung, hồ sơ, thủ tục, lệ phí... để DN tham khảo thực hiện.
. Xin cảm ơn ông.
THU HẰNG
Không hạn chế quyền kinh doanh Điều 14 và 33 của Hiến pháp quy định rất rõ quyền của công dân chỉ có thể bị hạn chế từ luật. Quan điểm của ban soạn thảo hoàn toàn đồng ý với điều này. Đối với danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, tức là liên quan đến hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân thì sẽ được quy định ở luật. Còn ngành nghề kinh doanh có điều kiện không phải là hạn chế quyền kinh doanh. Bởi vì mọi người đều có quyền kinh doanh những ngành nghề này, chỉ có điều những ngành nghề này có ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và lợi ích chung của cộng đồng nên khi tham gia DN phải bước qua “hàng rào” nhất định. Ông BÙI ANH TUẤN, Phó Cục trưởng Cục Quản lý |