Tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Luật đầu tư công chiều 22-4, dù tỏ ra hết sức quyết tâm trong việc tạo ra sự đột phá nhưng Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh vẫn phải thừa nhận “việc rà soát, loại bỏ những lĩnh vực cấm và khoảng 330 lĩnh vực đầu tư có điều kiện là một cuộc chiến khó khăn với nhiều bộ, ngành khác”.
Bỏ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Trình bày tờ trình về dự án luật, ông Vinh cho hay dự thảo luật đã bãi bỏ yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả dự án đầu tư, trừ dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện. “Điều này không chỉ giúp giảm gánh nặng hành chính cho nhà đầu tư mà còn góp phần xóa bỏ sự chồng chéo trong hoạt động của các cơ quan quản lý, tạo điều kiện để các cơ quan này tập trung nguồn lực quản lý đối với dự án đầu tư có điều kiện phù hợp với các yêu cầu nêu trên” - ông Vinh nhấn mạnh.
Tán thành chủ trương trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho hay cũng có ý kiến cho rằng việc bãi bỏ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhiều dự án có thể gây khó khăn cho công tác quản lý, đặc biệt là việc quản lý dòng vốn thực đưa vào đầu tư. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng bỏ là hợp lý và tránh được phiền hà, tốn kém cho người dân doanh nghiệp. “Dù bỏ thì Nhà nước vẫn có thể thực hiện chức năng quản lý thông qua công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các điều kiện đầu tư, kinh doanh. Ngoài ra, trong trường hợp nếu thấy cần thiết thì nhà đầu tư vẫn có thể xin cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định” - ông Giàu nói.
Theo dự án Luật, việc bỏ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tránh được phiền hà, tốn kém cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: HTD
Cấm thì phải rõ ràng
Dù hài lòng với việc bỏ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà dự thảo luật đề xuất nhưng nhiều đại biểu lại không đồng ý với việc chưa quy định chi tiết danh mục các lĩnh vực đầu tư có điều kiện vào trong dự thảo. Tương tự, quy định cấm đầu tư đối với các dự án phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và lợi ích công cộng; phương hại đến di tích lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam… cũng bị coi là quá rộng, chưa rõ ràng.
“Đọc xong luật cũng không biết cái nào được đầu tư, cái nào không. Không biết lĩnh vực nào đầu tư có điều kiện, lĩnh vực nào không. Do đó chúng ta phải nghiên cứu lại để làm sao luật phải minh bạch, rõ ràng” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói và cho rằng nếu cứ quy định như trong dự thảo không khéo địa phương nào cũng có thể ban hành ngành nghề đầu tư có điều kiện, rồi đến xã cấm thì cũng chết.
“Làm luật như thế này là chưa minh bạch. Đây là cơ hội để chúng ta giải phóng. Cấm thì quy định rõ đi và giải thích vì sao lại cấm. Phải minh bạch, rõ ràng. Thứ hai, cái gì có điều kiện thì mọi người cũng phải biết… Nếu làm được như thế thì mới tốt chứ không làm được như thế thì rõ ràng là chưa hoàn thành nhiệm vụ” - ông Hùng nói.
Giải đáp băn khoăn của chủ tịch Quốc hội, ông Vinh cho rằng quy định cấm và đầu tư có điều kiện được quy định ở rất nhiều luật chuyên ngành mà Luật Đầu tư không thể trả lời được. Ví như Luật Xây dựng, Luật Giáo dục, Luật Y tế, Luật Đất đai đều có những quy định bắt buộc một số lĩnh vực kinh doanh đầu tư phải có điều kiện… “Nhưng đây Luật Đầu tư là quan trọng nhất, các luật khác phải theo đây” - ông Hùng “truy” lại.
Đề xuất loại bỏ những bất hợp lý
Thừa nhận hiện có khoảng 330 lĩnh vực là kinh doanh có điều kiện và vài chục lĩnh vực cấm cần rà soát, chỉnh sửa nhưng ông Vinh cho rằng đây là những quy định mà các bộ khác đưa lên. “Chính tôi là bộ trưởng nhưng đọc các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và ngành nghề cấm cũng không hiểu”. Theo ông Vinh, điều quan trọng nhất bây giờ là phải thảo luận về nội dung trên xem có cần bắt buộc điều kiện, có cần cấm nữa không hay là bỏ đi.
“Chúng ta phải rà soát, nghiên cứu xem vì sao lại cấm kinh doanh, bỏ cấm thì có sao không? Còn điều kiện, chúng tôi sẽ rà soát quyết liệt, gỡ bỏ tất cả điều kiện không cần thiết” - nói vậy nhưng ông Vinh cũng thừa nhận tranh luận, chiến đấu với các bộ sẽ là rất khó khăn. “Báo cáo chủ tịch Quốc hội là cuộc chiến với các bộ khó khăn lắm, phải theo luật chuyên ngành nên khó lắm” - người đứng đầu lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư bộc bạch.
Chia sẻ khó khăn với Bộ trưởng Vinh nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng đây chính là dịp tốt nhất để rà soát tất cả quy định xem có loại bỏ được những lĩnh vực nào và lĩnh vực nào thì giữ. “Đúng là sẽ có những cuộc tranh luận gay gắt trong việc giữ hay bỏ nhưng đây là việc đáng làm để tạo ra sự minh bạch trong pháp luật”.
Để tạo thuận lợi cho việc giữ hay bỏ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề xuất cần phải lập đề án, vì đây là vấn đề rất lớn, rất quan trọng. Trước đó, báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị chi tiết các lĩnh vực cấm đầu tư ngay trong dự thảo luật.
THÀNH VĂN
Thay đổi để thúc đẩy kinh tế phát triển Chúng ta đang có quá nhiều rào cản, cứ giữ khư khư lấy cũng chẳng đem lại lợi ích gì cho đất nước. Nên lần này chủ trương là tạo đột phá, tạo sự thông thoáng để tạo ra làn sóng kinh doanh mới vào Việt Nam, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay. Ông BÙI QUANG VINH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư |