Ngành tư pháp TP.HCM: Nói không với hồ sơ trễ hẹn

Chiều 8-1, Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác tư pháp năm 2021. Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM phát biểu khai mạc hội nghị.

Bà Đặng Hoàng Oanh (giữa), Thứ trưởng Bộ Tư pháp trao cờ thi đua của Bộ Tư pháp cho Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG 

Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở báo cáo công tác tư pháp năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021.

Về công tác xây dựng thể chế phục vụ chính quyền TP quản lý, điều hành và công tác rà soát văn bản pháp luật được tiến hành thường xuyên, có chất lượng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn.

Công tác tham mưu tư vấn cho UBND TP, các sở ngành, quận được Sở Tư pháp thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đặc biệt là công vấn liên quan đến các dự án đầu tư, sử dụng đất,…

Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, quản lý xử lý vi phạm hành chính được Sở Tư pháp chủ động tham mưu, triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả bằng nhiều hình thức khác nhau. Kết quả là kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, huy động được sự tham gia, phối hợp của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện trên địa bàn…

Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp -TP.HCM phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: HOÀNG GIANG 

Năm 2020, Sở đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp trong công tác cải cách thủ tục hành chính, giải quyết hồ sơ hành chính tại Sở. Đó là việc tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, tiếp nhận hồ sơ qua bưu chính, áp dụng thủ tục kết hợp nhóm TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở giúp người dân tiếp cận và thực hiện hồ sơ hành chính thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Văn Vũ cũng nêu 38 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của ngành tư pháp để hoàn thành nhiệm công tác năm 2021.   

Bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu chỉ đạo tại hội nghị chiều  8-1. Ảnh: NGUYỆT NHI 

Bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu, năm 2020, ngành tư pháp cả nước đã đạt được kết quả trên hầu hết các mặt trong đó có sự đóng góp tích cực của tư pháp các địa phương, đặc biệt là TP.HCM.

Cụ thể nhiều nội dung có chuyển biến tích cực, như công tác tư vấn pháp lý cho Thành ủy, HĐND - UBND TP.HCM tăng gần 50% so với năm 2019; góp phần tích cực trong xây dựng thành công Đề án Chính quyền đô thị tại TP.HCM, đề án thành lập TP Thủ Đức…

Năm 2020, Sở Tư pháp TP.HCM được xếp hạng xuất sắc” trong khối các Sở Tư pháp các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

"Tôi biểu dương và ghi nhận sự nỗ lực, phấn đấu với những kết quả mà các đồng chí đã đạt được trong năm qua, đồng thời, trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP đối với ngành tư pháp TP trong suốt thời gian qua"- bà Oanh nói. 

Cũng theo bà Oanh, cạnh những kết quả đạt được, so với tiềm năng và thế mạnh của TP.HCM thì công tác tư pháp TP vẫn cần cố gắng hơn nữa để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của TP năng động, đông dân nhất nước. Bà Oanh cũng nhất trí cao 38 nhiệm vụ mà ngành tư pháp đề ra để hoàn thành nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2021…

Với những kết quả đạt được năm 2020, tập thể Sở Tư pháp TP.HCM được Bộ Tư pháp tặng danh hiệu cờ thi đua ngành tư pháp.

Ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: NGUYỆT NHI 

Tại hội nghị, các đơn vị ngành tư pháp trình bày các tham luận. Báo Pháp Luật TP.HCM có tham luận về đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động của Báo trong xu hướng truyền thông đa nền tảng. Phòng Văn bản pháp quy trình bày tham luận về công tác tham mưu phối hợp xây dựng đề án chính quyền đô thị tại TP.HCM của Sở Tư pháp...

 

Nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân

Tại hội nghị Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM phát động phong trào thi đua năm 2021 với sự phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể; tạo không khí thi đua sôi nổi; chủ động khắc phục và vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc chương trình công tác Tư pháp năm 2021. Giám đốc Sở Tư pháp lưu ý các hoạt động thi đua phải được tiến hành sâu rộng, gắn phong trào thi đua với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

11 nội dung phong trào thi đua yêu nước năm 2021 như sau:

1. Phát huy truyền thống của ngành Tư pháp TP, sức mạnh tổng hợp, nâng cao tinh thần đoàn kết, chủ động, ý thức trách nhiệm, tính kỷ cương, kỷ luật...gắn kết với tổ chức thực hiện sâu rộng, toàn diện, hiệu quả các phong trào thi đua do Bộ Tư pháp phát động: Toàn ngành Tư pháp đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, thi đua bứt phá, hiệu quả về đích sớm lập thành tích xuất sắc chào mừng Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII , bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2025...

2. Tiếp tục tổ chức quán triệt các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, đặc biệt là Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; quán triệt triển khai Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi, bổ sung; các Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ về công tác thi đua, khen thưởng.

3. Công chức, viên chức, người lao động Sở Tư pháp đồng thuận, vượt khó, phát huy mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị; phấn đấu 100% tập thể, cá nhân hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc về số lượng, tiến độ và chất lượng các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch công tác được cấp có thẩm quyền phê duyệt, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

4. Phấn đấu năm 2021 Sở Tư pháp đạt danh hiệu cờ thi đua TP, cờ thi đua ngành tư pháp và cờ thi đua Chính phủ.

5. Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo hướng gắn công tác thi đua khen thưởng với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, lấy phong trào thi đua, khen thưởng để động viên cán bộ, công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nỗ lực giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn công tác ngành Tư pháp…

6. Nâng cao chất lượng khen thưởng, khen thưởng phải kịp thời, chính xác, khách quan, đúng người, đúng thành tích; chú trọng khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, xuất sắc, cán bộ, công chức người trực tiếp lao động. Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, làm cho phong trào thi đua không ngừng phát triển, thực sự trở thành động lực mạnh mẽ động viên cán bộ, công chức ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo khí thế sôi nổi, rộng khắp trong toàn ngành.

7. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh các nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt” bằng nhiều hình thức; quan tâm, tạo điều kiện để các điển hình tiên tiến được tuyên truyền nêu gương, tạo sự lan tỏa trong đơn vị.

8. Tiếp tục thi đua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới lề lối làm việc, xây dựng, thực hiện quy trình giải quyết công việc khoa học, chuyên nghiệp, hiệu quả, rút ngắn thời gian, giảm bớt thủ tục không cần thiết trong công tác chuyên môn nghiệp vụ và công tác thi đua, khen thưởng; phấn đấu thực hiện tốt phương châm “Nói không với hồ sơ trễ hẹn”.

9. Thực hiện tốt vai trò Khối trưởng Khối Thi đua I thuộc UBND TP; tham gia tích cực các hoạt động do Khu vực thi đua miền Đông Nam Bộ tổ chức.

10. Củng cố, kiện toàn tổ chức; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức làm công tác thi đua khen thưởng; tiếp tục kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng thi đua khen thưởng Sở Tư pháp góp phần tạo sự chuyển biến về chất lượng, hiệu quả về công tác thi đua, khen thưởng trong Ngành.

 11. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết để chấn chỉnh hoặc có hình thức khen thưởng kịp thời, tạo động lực cho phong trào thi đua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm