Hôm 14-12, Bộ trưởng Y tế Indonesia - ông Budi Gunadi Sadikin thông báo các hãng dược tư nhân ở nước này đã được cho phép nhập khẩu vaccine ngừa COVID-19 trực tiếp từ các nhà sản xuất trên thế giới và bán thẳng cho người dân mà không cần chính quyền làm trung gian, theo hãng tin Reuters.
Indonesia dồn sức cho chương trình vaccine
“Các hãng dược tư nhân đã đăng ký giấy phép hoạt động sẽ được nhập khẩu các loại vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) và Nhóm cố vấn kỹ thuật về tiêm chủng Indonesia (ITAGI) cấp phép. Điều này sẽ giúp cân bằng thị trường và cho xã hội nhiều lựa chọn hơn” - ông Budi nêu rõ, đồng thời khẳng định giá vaccine sẽ không bị thả nổi mà Bộ Y tế Indonesia sẽ ấn định một mức trần cố định.
Indonesia trong năm nay là một trong những quốc gia tiên phong trong việc tận dụng nguồn lực tư nhân trong nỗ lực tăng độ phủ vaccine trong nước. Từ tháng 2, nước này đã cho phép các doanh nghiệp tư nhân tự mua vaccine từ các hãng dược nhà nước bán ra để tiêm cho nhân viên và gia đình.
Người dân Indonesia tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở thủ đô Jakarta hồi tháng 6. Ảnh: REUTERS
Một nghiên cứu công bố hôm 13-12 trên chuyên san khoa học The Lancet chỉ ra việc kiểm tra bắt buộc chứng nhận tiêm đủ hai liều vaccine ngừa COVID-19 trong dân đã giúp tăng tỉ lệ tiêm ngừa ở một số quốc gia như Pháp, Israel, Ý và Thụy Sĩ chỉ sau 40 ngày áp dụng. |
Sau đó, nhà chức trách Indonesia tiếp tục lên kế hoạch mở rộng chương trình nói trên, cho phép cả cá nhân bình thường đăng ký tiêm vaccine dịch vụ có trả phí. Tuy nhiên, đến tháng 7 thì Tổng thống Joko Widodo phải ra lệnh hủy bỏ kế hoạch này vì dư luận lên tiếng phản đối mạnh mẽ, cho rằng việc cho phép tiêm dịch vụ sẽ làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng phân phối vaccine. Một số quan chức của WHO lúc đó cũng bày tỏ sự phản đối với lập luận tương tự.
Hiện chưa có thông tin về phản ứng tiêu cực của người dân Indonesia đối với thông báo của Bộ trưởng Budi hôm 14-12 nhưng với việc lúc này đã có hơn 37,5% dân số Indonesia được tiêm đủ hai liều - tăng gấp năm lần so với tỉ lệ 7,4% hồi cuối tháng 7, có thể người dân nước này không còn quá lo ngại vấn đề bất bình đẳng vaccine nữa. Chưa kể, Indonesia từ tháng 10 đã bắt đầu thử nghiệm chiến lược sống chung với virus khi số ca nhiễm, tử vong trong ngày liên tục giảm rõ rệt.
Kéo tư nhân vào chương trình vaccine là xu hướng
Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) trong một báo cáo mới đây nhận xét ngày càng có nhiều nước, nhất là ở khu vực Đông Nam Á, muốn gia tăng vai trò của khu vực tư nhân trong chương trình tiêm chủng quốc gia.
Đơn cử, chính phủ Philippines hồi tháng 3 đã cho phép chủ doanh nghiệp tự nhập khẩu vaccine để tiêm cho nhân viên và gia đình nhưng hợp đồng mua phải có cả chính quyền lẫn bên sản xuất vaccine. Các chủ doanh nghiệp này cũng được khuyến khích đóng góp một nửa số vaccine được mua vào kho vaccine quốc gia nhưng không bắt buộc.
Chính phủ Thái Lan vào tháng 6 cũng cho phép doanh nghiệp và các tổ chức tư nhân mua vaccine trực tiếp từ các cơ quan nhà nước như Cục Kiểm soát dịch bệnh, Viện Vaccine quốc gia hoặc Tổ chức Dược phẩm Thái Lan.
Nhà chức trách Campuchia hồi tháng 7 cho phép doanh nghiệp tư nhân nộp đơn xin cấp phép nhập khẩu các loại vaccine ngừa COVID-19 đã được WHO phê duyệt. Bên nộp đơn phải đảm bảo đủ các điều kiện để lưu trữ, bảo quản và vận chuyển vaccine một cách an toàn theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế nước này.
Ngoài khu vực Đông Nam Á, quốc gia Pakistan ở Nam Á từ tháng 3 đã cho phép doanh nghiệp tư nhân nhập khẩu và bán tự do vaccine cho người dân. Một tháng sau, nước láng giềng Ấn Độ cũng nới lỏng chính sách nhập khẩu vaccine - cho phép doanh nghiệp, bệnh viện tư nhân và cả chính quyền tiểu bang tự mua vaccine từ nhà sản xuất nhưng chỉ được phép tiêm miễn phí cho nhân viên và người dân, không được đem bán trực tiếp.
Thêm thông tin về khả năng kháng vaccine của biến thể Omicron Trong cuộc họp báo ngày 14-12, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết dựa vào các dữ liệu mới nhất, các loại vaccine hiện nay khi tiếp xúc với Omicron bị giảm nhẹ hiệu quả ngăn ngừa bệnh trở nặng và tử vong, khả năng bảo vệ cơ thể người tiêm khỏi lây nhiễm cũng giảm sút - tuy ông không nói rõ là giảm bao nhiêu phần trăm. Giám đốc điều hành các chương trình y tế khẩn cấp của WHO - ông Mike Ryan cùng có mặt trong buổi họp báo, trình bày thêm rằng những thông tin này không có nghĩa vaccine không còn tác dụng trước biến thể mới. “Hiệu quả ngăn ngừa bệnh trở nặng và tử vong tuy có sụt giảm nhưng vẫn tương đối cao. Vaccine đến lúc này vẫn là giải pháp hàng đầu chống lại COVID-19. Nếu dịch bệnh lại bùng phát nghiêm trọng thì người dân vẫn còn lựa chọn tiêm thêm các liều tăng cường” - ông Ryan khẳng định. |