Tháng Tám chưa về, COVID-19 đã trở lại/ Nhân dân mình cùng chiến đấu chống Cô-Vy.
Mẹ, người anh hùng của ba và con gái/ Chẳng biết đêm - ngày, chẳng buồn để ý thời gian.
Trong bộ trang phục màu xanh bảo hộ/ Mẹ cứ tất bật chạy ngược chạy xuôi.
Mồ hôi đẫm, áo quần mẹ ướt sũng/ Khẩu trang hằn da, ba xót xa/ Ba chẳng thể gần bên để lo cho mẹ.
Đó là những câu thơ tràn đầy tình cảm mà chiến sĩ cảnh sát biển Lưu Thành Chung dành tặng cho vợ và cô con gái bé bỏng mới 31 tháng tuổi.
“Vợ ơi, cố lên!”
Anh Chung đang làm nhiệm vụ tại Trạm cảnh sát biển Lý Sơn (Quảng Ngãi), còn vợ anh là chị Nguyễn Thị Yến công tác tại Bệnh viện (BV) Đà Nẵng. Ở xa, bận rộn với nhiệm vụ giữ biển nhưng người lính ấy vẫn luôn hướng về đất liền, nơi chị Yến và các đồng nghiệp đang căng mình chiến đấu với đại dịch COVID-19.
“Mình là bộ đội, bao nhiêu khó khăn thì cũng trải qua rồi, chỉ thương vợ. Mỗi khi nghe tin phát hiện thêm ca mới ở BV thì sốt ruột lắm, lo cho vợ nhưng để trong lòng thế thôi, nói ra cô ấy lại thêm lo. Vợ của lính nên cũng bản lĩnh và tinh thần thép lắm” - anh cười.
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng anh Chung và các đồng đội tin tưởng với sự nỗ lực của ngành y tế, sự chung tay của nhân dân, đại dịch COVID-19 sẽ sớm bị đẩy lùi. Từ đảo Lý Sơn, người lính ấy gửi lời chúc đến vợ và toàn bộ đội ngũ y, bác sĩ hãy chân cứng đá mềm để chiến thắng dịch bệnh. “Vợ ơi, cố lên nghe!” - anh nhắn nhủ.
Trò chuyện với PV, chị Yến chia sẻ cảm thấy bất ngờ và rất hạnh phúc khi nhận bài thơ từ chồng. Mạnh mẽ, lạc quan khi nói về công việc nhưng khi nhắc đến chồng và cô con gái nhỏ đang được gửi về nội ở Quảng Bình, giọng chị lạc đi vì xúc động. Chị Yến phụ trách công tác hậu cần nên thường ngày phải chạy lo vận chuyển đồ ăn, nước uống, nhu yếu phẩm thiết yếu cho từng khoa, từng bệnh nhân.
“Gia đình mình thường nói chuyện với nhau qua Zalo vào buổi trưa hoặc tầm 9, 10 giờ tối. Có những lúc mệt, nhìn thấy hai cha con trên màn hình điện thoại thì nước mắt tự dưng trào ra. Tuy ở xa nhau nhưng hai cha con luôn là động lực, là vitamin tiếp thêm sức mạnh cho mình” - chị chia sẻ.
Chị Yến bảo ngay khi Đà Nẵng xuất hiện ca dương tính đầu tiên với SARS-CoV-2, mọi người đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chiến đấu với dịch bệnh. Tuy nhiên, không ai nghĩ dịch lại lan nhanh và diễn biến phức tạp đến như vậy. “Trong này không ai ngại khó ngại khổ chi hết, mỗi người một việc, tất cả đều nỗ lực hết sức để cứu chữa cho bệnh nhân. Những ngày qua, tụi mình cảm thấy rất ấm lòng khi thấy người dân TP chở rất nhiều hàng hóa đến tiếp sức cho BV” - chị cho hay.
Dù đang trong thời điểm khó khăn nhưng đội ngũ y, bác sĩ BV Đà Nẵng vẫn luôn lạc quan, tin tưởng chiến thắng dịch bệnh. Ảnh: CTV
“Ngày gặp lại, anh sẽ tặng em một cuốn sổ mới”
Đó là lời hẹn mà BS Phạm Minh An gửi tới người vợ trẻ trong lúc làm nhiệm vụ tại khu vực cách ly đặc biệt ở BV Đà Nẵng.
“Chồng mình làm ở Khoa hồi sức tích cực - chống độc, mới tăng cường vào khu điều trị bệnh nhân COVID-19. Lo lắng thì là điều đương nhiên, chỉ mong anh và đồng nghiệp giữ sức khỏe, an toàn để điều trị cho bệnh nhân và chờ ngày gia đình đoàn tụ. Ngày đại dịch bị đẩy lùi, ngày cả TP hạnh phúc sẽ là ngày chúng mình gặp lại nhau” - chị Nguyễn Thùy Trang (vợ BS An, 28 tuổi, trú quận Sơn Trà) nhắn nhủ.
Hôm nay là ngày thứ mười vợ chồng chị xa nhau. Sáng 25-7, trước khi đi làm, anh hẹn chị cùng ăn trưa nhưng rồi lỡ hẹn vì phải cách ly trong BV. “OK, chỉ vài ngày thôi mà” - nhận điện thoại từ chồng, chị tự trấn an. Thế rồi một, hai, ba rồi bốn, năm, sáu. Số ca nhiễm COVID-19 ở BV ngày một nhiều, chị nhận ra phải rất lâu nữa mình mới có thể gặp chồng.
“Thật khó để nói hết tâm trạng lẫn lộn của mình khi anh thông báo kết quả lần xét nghiệm đầu tiên: Âm tính. Mình vui vì anh không nhiễm bệnh nhưng buồn vì ba đồng nghiệp của anh dương tính với SARS-CoV-2. Đó đều là những người bạn của mình. Lúc ấy anh cũng bị rối và lo lắng. “Không sao mà, anh khỏe mà. Nếu mắc thì cũng chỉ là dương tính thôi mà. Mọi chuyện sẽ ổn thôi”. Mình luôn động viên anh như thế. Mình hiểu điều khiến anh lo sợ không phải là kết quả âm hay dương, mà là việc không thể sát cánh cùng đồng đội lúc này nếu như anh bị nhiễm bệnh” - chị tâm sự.
Chị Trang bảo một tháng nữa thôi sẽ tròn một năm ngày anh chị chính thức nên vợ thành chồng. Chỉ vài tuần trước, hai người còn tính cùng nhau đi chơi xa, ăn những món ăn thật ngon và chuẩn bị tinh thần để có em bé. Thế nhưng mọi kế hoạch đã phải gác lại để anh hoàn thành sứ mệnh của một bác sĩ.
“Vợ chồng mới cưới nên xa nhau thì rất, rất nhớ. Tụi mình cũng có những giao hẹn riêng. Ví như từ ngày yêu nhau, sổ tay của mình đều do anh tặng, mình dùng cũng gần hết rồi. Anh hẹn ngày gặp lại sẽ mua tặng mình một cuốn sổ mới” - chị thủ thỉ.
Hỏi chị tính làm gì đặc biệt để kỷ niệm ngày cưới, chị Trang bảo đó chỉ là chuyện cá nhân, lúc này không còn quan trọng nữa vì trên vai lúc này là trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. “Chỉ hy vọng anh khỏe mạnh để hôm đó vợ chồng video call cho nhau. Đơn giản vậy thôi là mình hạnh phúc rồi” - chị cười.
“Con gái ngoan, bố sẽ nhanh về với con thôi” BV huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) được chọn làm BV dã chiến để điều trị bệnh nhân COVID-19. Nhiệm vụ của BV dã chiến là giảm tải áp lực điều trị bệnh nhân COVID-19 cho các BV khác ở Đà Nẵng. Ông Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), cho biết đợt dịch lần trước, TP đã chọn BV huyện Hòa Vang làm BV dã chiến nếu tình hình phức tạp nên đã có sự chuẩn bị sẵn sàng. Lần này, khi TP yêu cầu thực hiện công tác hậu cần để chia lửa cho BV Đà Nẵng, đơn vị đã thực hiện nhanh. BV đã tạo thêm vách ngăn, lối đi riêng biệt để phù hợp với việc ngăn cách trong điều trị bệnh nhân COVID-19. BV dã chiến có quy mô 200 bệnh nhân lập tức được kích hoạt, bắt đầu điều trị từ ngày 1-8. “Các y, bác sĩ được điều động về đây điều trị toàn những người có kinh nghiệm điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ BV Bạch Mai, Chợ Rẫy. Họ là những người túc trực chính, còn nhân viên y tế của BV phụ giúp. Những bác sĩ chính này làm việc rất chuyên nghiệp, giỏi nghề, nhân viên của chúng tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ họ” - ông Vĩnh nói. Có bác sĩ ở BV Bạch Mai sau ca trực gọi video cho gia đình hỏi thăm. Đứa con gái nhìn thấy cha mừng rỡ, nói chuyện luyên thuyên. Lúc sau, bé gái đòi ẵm nhưng làm sao được khi họ cách xa hàng trăm kilomet. Người bác sĩ kia nói chuyện run run nhưng cũng kịp cứng giọng lại khuyên con gái: “Bố đi làm, con gái ngoan, nghe lời mẹ rồi bố sẽ nhanh về với con thôi”. Không ít hoàn cảnh cả hai vợ chồng là bác sĩ hoặc một bác sĩ, một công an. Cả vợ và chồng đều phải đi trực vì nhiệm vụ chống dịch COVID-19. Những đứa trẻ những cặp đôi này phải gửi nội, ngoại. Những đứa trẻ đã phải tự kiềm chế cảm xúc nhớ cha, nhớ mẹ và lớn nhanh về suy nghĩ theo những ngày dịch. Các bác sĩ được điều động về Đà Nẵng để điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã xác định khi nào dập dịch xong họ mới về. Và nếu dập dịch xong, họ cũng phải xét nghiệm, cách ly 14 ngày mới về với gia đình. Tất cả đều chung một mục tiêu: Chống dịch, mang bình yên trở lại cho TP đáng sống! HẢI HIẾU |