NHÂN NGÀY QUỐC TẾ ĐIỀU DƯỠNG 12-5:

Nghề điều dưỡng: Yêu thương cứ đầy thêm mãi!

(PLO)- Để coi người bệnh như người thân, chăm sóc và sẻ chia với họ mỗi ngày, điều dưỡng viên không thể thiếu sự kiên trì, lòng yêu thương và đồng cảm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhân ngày Quốc tế điều dưỡng 12-5, năm nay Bệnh viện (BV) Tâm thần trung ương 2 (TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã tổ chức cuộc thi viết với chủ đề “Nghề điều dưỡng - Công việc từ trái tim”. Nhiều câu chuyện đong đầy yêu thương, tình cảm của các điều dưỡng chăm sóc người bệnh tâm thần đã được sẻ chia.

Cùng là điều dưỡng mà… khác lắm

Trong bài viết “Câu chuyện nghề điều dưỡng”, điều dưỡng Nguyễn Thị Bích Ngọc, 27 tuổi, khoa Mạn tính nam BV Tâm thần trung ương 2, kể lại câu chuyện tại một buổi họp lớp: “Bạn bè lâu ngày gặp nhau tay bắt mặt mừng, vài người hỏi tôi đang làm gì. Sau khi tôi trả lời làm điều dưỡng trong BV Tâm thần, một số người bạn đã cười phá lên... Họ ngạc nhiên xen lẫn tò mò, rất muốn biết tôi làm gì trong đó mỗi ngày với những người mắc bệnh tâm thần. Khi đã hiểu hơn về công việc của tôi, nhiều người xúc động”.

Ngày 12-5 được Hội đồng Điều dưỡng Thế giới (ICN) chọn làm ngày Điều dưỡng thế giới để tưởng nhớ công lao của bà Florence Nightingale (1820-1910), người khai sinh ra ngành điều dưỡng và có nhiều công lao trong việc xây dựng ngành.

Trước khi làm điều dưỡng tại BV Tâm thần, chị Ngọc từng làm nhiều việc khác nhau từ lúc ra trường (năm 2017). “Dòng đời đưa đẩy thế nào cuối cùng tôi lại gắn bó với nơi này. Khi còn đi học tôi đã có thời gian thực tập tại BV nhưng vào làm rồi tôi mới dần nhận ra rằng cùng là điều dưỡng, song điều dưỡng ở BV Tâm thần như chúng tôi thực sự khác lắm…” - chị Ngọc hóm hỉnh.

Tiếp tục câu chuyện, chị kể: Người bệnh tâm thần sống trong BV nhiều hơn thời gian họ ở nhà. Theo một cách tự nhiên nào đó, điều dưỡng cũng như vậy, vì họ phải túc trực mỗi ngày bên người bệnh. Từ ngôi nhà thứ hai là BV, sợi dây liên kết cứ thế hình thành, mọi người quen nhau, chăm sóc rồi thân nhau. Điều dưỡng giúp đỡ, chăm sóc người bệnh từ bữa ăn, giấc ngủ đến chuyện vệ sinh cá nhân. Khi người bệnh buồn, tâm trạng… điều dưỡng là người thủ thỉ tâm tình, lắng nghe, sẻ chia. Cũng có khi điều dưỡng là “ca sĩ bất đắc dĩ”, rồi bày trò chơi để người bệnh thấy thoải mái tinh thần mà mau khỏi bệnh.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Xuân cạo râu cho một nam bệnh nhân tâm thần. Ảnh: TRẦN NGỌC
Điều dưỡng Nguyễn Thị Xuân cạo râu cho một nam bệnh nhân tâm thần. Ảnh: TRẦN NGỌC

“Tội nhất là người bệnh cao tuổi, sức khỏe sa sút, chăm sóc họ phải vừa tỉ mẩn vừa tâm lý. Với người mới vào BV, chúng tôi hay phải đề phòng, họ rất dễ bị kích động, có thể túm lấy điều dưỡng mà đánh, chửi, nhéo bất cứ lúc nào… Mỗi khi có người bệnh khỏe mạnh, được xuất viện về nhà là chúng tôi mừng lắm, cảm thấy việc làm của mình thêm ý nghĩa. Tôi tự hào khi chọn và gắn bó với nghề điều dưỡng” - chị Ngọc tâm sự.

Nơi thử thách bản thân

“Ngày đầu nhận việc, tôi giật mình khi một nữ bệnh nhân tâm thần lớn tuổi đứng sau song cửa xòe tay nói: “Cho con xin 2.000 đồng”. Ngay lúc ấy, tôi ý thức được rằng công việc của mình không hề đơn giản, nhẹ nhàng. Trong đầu tôi lúc đó cứ quanh quẩn câu hỏi mình phải làm gì khi tiếp xúc với những người này?” - điều dưỡng Nguyễn Thị Xuân, 38 tuổi, khoa Điều trị tự nguyện thuộc BV Tâm thần trung ương 2 (Bộ Y tế), mở đầu bài viết đầy xúc động.

Sau 13 năm dồn tâm sức vào công việc, giờ đây chị Xuân thực sự cảm nhận được sự vất vả của nghề. Mỗi ngày, mỗi giờ, các điều dưỡng phải chăm lo cho người bệnh tâm thần từ miếng ăn đến cái mặc, kể cả vệ sinh cá nhân như cạo râu, cắt tóc. Ấy là chưa kể còn phải luôn gần gũi chăm sóc người bệnh về mặt tinh thần, yêu thương họ, mong họ sớm trở lại với cuộc sống bình thường.

Bệnh nhân tâm thần đang nhận thuốc từ điều dưỡng Nguyễn Thị Bích Ngọc. Ảnh: TRẦN NGỌC
Bệnh nhân tâm thần đang nhận thuốc từ điều dưỡng Nguyễn Thị Bích Ngọc.
Ảnh: TRẦN NGỌC

Chị Xuân chia sẻ: “Chăm sóc người bệnh tâm thần đối diện với nhiều nguy hiểm, tôi nhiều lần bị họ đánh, chửi rất vô cớ. Hồi đầu, tôi rớt nước mắt vì tủi thân. Nhưng rồi ở bên chăm sóc họ một thời gian, cảm giác ấy biến mất, tôi thương họ nhiều hơn”.

Cũng theo chị Xuân, chỉ có tình yêu với nghề, thấu hiểu tận cùng nỗi đau của người bệnh tâm thần mới giúp chị và các đồng nghiệp gắn bó lâu dài với công việc vốn đã rất vất vả này. “Tôi luôn tâm niệm “Sống là cho đi, đâu chỉ nhận riêng mình” nên dù có khó khăn, gian nan đến mấy tôi vẫn tiếp tục công việc mình đã chọn. Câu hỏi ngày đầu bước chân vào BV tôi cũng đã trả lời được, đó chính là sự kiên trì và lòng yêu thương! Cám ơn BV Tâm thần trung ương 2 đã cho tôi cơ hội để thử thách bản thân” - chị Xuân tâm sự.

Tôn vinh nét đẹp tâm hồn của điều dưỡng

Cuộc thi viết “Nghề điều dưỡng - Công việc từ trái tim” của BV Tâm thần trung ương 2 nhằm ghi đậm những đóng góp thầm lặng và tôn vinh nét đẹp tâm hồn của điều dưỡng trong công tác chăm sóc người bệnh tâm thần.

Những câu chuyện có thật từ bản thân được điều dưỡng diễn đạt bằng ngôn ngữ văn học và đưa vào bài thi. Mỗi bài thi là mỗi câu chuyện thường ngày của từng điều dưỡng nhưng tất cả có cùng điểm chung: Yêu nghề, không quản gian khó và hiểm nguy, luôn xem bệnh nhân tâm thần là người nhà.

BS NGUYỄN HỮU THẮNG,
Phó Giám đốc BV Tâmthần trung ương 2

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm