Nghe trẻ chất vấn người lớn

Chiều 20-7, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức diễn đàn Lắng nghe tiếng nói trẻ em cấp TP năm 2018, chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”.

“Con muốn có một gia đình”

Một nhóm học sinh đã biểu diễn hoạt cảnh kể lại câu chuyện của một bạn cùng trường tên T., có cha mẹ luôn mải miết làm ăn, ngày càng ít có thời gian cho con. Để bù đắp cho T., cha mẹ cho cậu nhiều tiền và thường mua cho cậu những thiết bị đời mới nhất. T. la cà đi chơi với bạn bè, sa đà vào game online rồi bỏ học. Đến khi thầy giáo chủ nhiệm gọi điện thoại thông báo T. bỏ học, cha mẹ T. mới tá hỏa đi tìm con. T. nói trong tuyệt vọng: “Con muốn có một gia đình nhưng về nhà con chỉ có một mình, con không chơi game thì con biết làm gì?”.

Cậu học sinh NĐM, 11 tuổi, bày tỏ: “Cha mẹ hay chê trách con nít ham vui, chơi game quá nhiều mà không nhận ra các cha mẹ cũng có trách nhiệm chính trong đó. Hãy dành thời gian cho con cái nhiều hơn, giao tiếp nhiều hơn với tụi con. Hãy tắt công nghệ để bật tương lai”. Câu nói của M. được hàng trăm học sinh có mặt vỗ tay nhiệt liệt.

Cậu học sinh lớp 3 NLHM (quận 3) chia sẻ: “Trong trường của con, những ngày lễ hội hoặc tổng kết, nhiều bạn mang điện thoại và máy tính bảng vào chụp ảnh, không ai quan tâm đến người khác, các bạn không trò chuyện với con. Cả cô giáo cũng vậy”.

Các đại biểu nhí chất vấn sôi nổi đến mức lãnh đạo các sở, ngành hứa sẽ mở thêm diễn đàn lắng nghe các em. Ảnh: H.MINH

“Các cô chú phải làm gì đi chứ!”

Ngoài những ý kiến đòi hỏi người lớn phải có trách nhiệm hơn với trẻ em trong cuộc sống số, các đại biểu nhí đòi hỏi người lớn phải đáp ứng một cuộc sống an toàn hơn cho các em.

LMT (11 tuổi) chất vấn các lãnh đạo ngành: “Khu vực nhà con ở có nhiều người lớn hay uống rượu xỉn rồi quậy. Họ đập phá cửa nhà con hoặc gây lộn, hát hò làm con không ngủ được. Các cô chú phải làm gì đi chứ!”.

LQDL là một nam sinh đến từ Gò Vấp, em chia sẻ việc tham gia một nhóm công tác xã hội trong nhà thờ. Nhóm đang thực hiện một dự án về trẻ em. Nhiều bạn nhỏ đã gửi thư về dự án bày tỏ những nỗi buồn đau vì gia đình không hạnh phúc, kể về những người cha nghiện rượu, thường đánh đập vợ con. Quá nhiều trẻ em đang phải sống trong gia đình có bạo lực khiến em đau lòng. Các em nhỏ khi chứng kiến bạo hành chỉ có thể chịu đựng mà không thể tự bảo vệ được mình. LQDL hỏi: “Tụi con phải làm sao đây?”.

Hãy gọi ngay Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111

Các con phải chia sẻ với cha mẹ, thầy cô và những người lớn có trách nhiệm về các vấn đề của mình, của các bạn mình để họ can thiệp, xử lý và giúp đỡ. Nếu vấn đề được đánh giá nghiêm trọng, họ sẽ báo công an. Các con có thể báo cho Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 ngay khi gặp sự cố.

Ông PHAN ĐÌNH NGHINH, 
Trung tâm CTXH Trẻ em TP.HCM

_____________________________

Khi tổ chức diễn đàn này, chúng tôi rất vui mừng vì được lắng nghe các em. Chúng tôi hiểu hơn về nhu cầu và mong muốn của các em. Trong phạm vi một gia đình, mọi người phải có quy ước với nhau về giới hạn sử dụng công nghệ, về thời gian cần phải dành cho nhau để lắng nghe, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau.

 TRẦN THỊ KIM THANH, phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới