Chính phủ vừa ban hành Nghị định 65/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán ra thị trường quốc tế. Nghị định này có nhiều điểm mới nhằm hướng đến việc đảm bảo thị trường minh bạch, bền vững và khắc phục những lỗ hổng của thị trường TPDN trong thời gian qua.
|
Nghị định 65/2022 được kỳ vọng sẽ tăng cường minh bạch thông tin cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Ảnh: PM |
Chặn hành vi lách luật
Đầu tiên có thể thấy Nhà nước đã siết chặt hơn các quy định về tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư trái phiếu. Theo đó, chỉ có nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được phép đầu tư và giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ. Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỉ đồng trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), giải thích thêm: Nhà đầu tư không được phép bán hoặc cùng góp vốn đầu tư trái phiếu với nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Mọi hành vi lách quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, thậm chí có thể mất toàn bộ tiền đầu tư mà còn vi phạm pháp luật.
Trước đó xuất hiện tình trạng nhà đầu tư chuyên nghiệp lách luật bằng cách sử dụng hợp đồng hợp tác đầu tư để thu hút nhà đầu tư không chuyên nghiệp tham gia góp vốn mua trái phiếu.
Với nghị định mới về phát hành TPDN, kỳ vọng thị trường này sẽ minh bạch hơn và các nhà đầu tư sẽ được bảo vệ tốt hơn.
“Các hành vi lách các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ bị phạt và xử lý nghiêm” - ông Dương nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Nguyễn Hoàng Dương cũng cho biết với nghị định mới, việc bảo vệ nhà đầu tư không chuyên nghiệp còn được nâng cao thêm một mức. Cụ thể, mệnh giá trái phiếu tăng 1.000 lần so với trước, từ 100.000 đồng lên 100 triệu đồng hoặc bội số của 100 triệu đồng. Con số này nhằm đảm bảo chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp mới có thể đáp ứng được.
Nghị định mới còn bổ sung quy định: Doanh nghiệp bắt buộc phải mua lại trái phiếu trước hạn khi vi phạm phương án phát hành, trong đó có phương án sử dụng vốn hoặc vi phạm pháp luật.
Đáng chú ý, trước đây tổ chức phát hành chỉ cần công bố thông tin trước khi phát hành và thông báo kết quả phát hành cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu.
Nhưng theo nghị định mới, doanh nghiệp phải công bố thông tin trên website của Sở Giao dịch chứng khoán, bao gồm thông tin trước khi giao dịch, kết quả đợt phát hành, thông tin định kỳ và các thông tin bất thường. Đây là những quy định yêu cầu tính trách nhiệm của đơn vị phát hành. Việc công bố thông tin một cách chi tiết về sức khỏe đơn vị phát hành là cách để bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư.
Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải đánh giá: Với những quy định mới, Nhà nước đang nỗ lực phát triển thị trường vốn, trong đó có thị trường TPDN. Từ đó giảm áp lực cung cấp vốn cho nền kinh tế của hệ thống ngân hàng, đảm bảo sự phát triển cân đối hơn giữa hai thị trường này.
Bộ Tài chính cho hay: Từ năm 2019 đến nay, khối lượng phát hành TPDN tăng nhanh, bình quân đạt khoảng 467.000 tỉ đồng/năm. Đặc biệt, từ năm ngoái thị trường này phát triển khá nhanh, với khối lượng phát hành cả năm đạt mức 637.000 tỉ đồng. Quy mô thị trường đến cuối năm ngoái tương đương 15% GDP.
Vẫn còn nhiều việc cần phải làm
Theo ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, dù Nghị định 65 đã đi vào hiệu lực nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần được thực hiện trong giai đoạn tới nhằm hướng đến hoàn thiện khung khổ pháp luật cho thị trường trái phiếu.
Theo đó, về pháp lý, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn phải tiến hành rà soát các quy định tại Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán liên quan trực tiếp đến phát hành TPDN và huy động vốn. Theo đó sẽ có ba nhóm vấn đề cần xem xét, báo cáo và trình Quốc hội để có quyết sách trong thời gian tới.
Đầu tiên là nhóm điều kiện các doanh nghiệp khi chào bán trái phiếu. Điều kiện này phải đúng đắn và phù hợp với giai đoạn hiện nay. Thứ hai là điều kiện với nhà đầu tư chuyên nghiệp được phép tham gia đầu tư vào trái phiếu. Cuối cùng là cách thức phát hành trái phiếu riêng lẻ và phát hành trái phiếu ra công chúng.
“Hiện tại thị trường vốn đang có nhà đầu tư cá nhân khá đông đảo nhưng thiếu các nhà đầu tư tổ chức có tính chuyên nghiệp. Chúng tôi xác định nhiệm vụ phải phát triển nhà đầu tư tổ chức là các công ty quản lý quỹ, các ngân hàng đầu tư… để tham gia nhiều hơn vào thị trường trái phiếu. Còn nhà đầu tư cá nhân có thể thông qua các quỹ đầu tư chuyên nghiệp để đầu tư trái phiếu” - ông Chi nói.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng nhóm trung gian tài chính tham gia phát hành TPDN gồm công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng, công ty kế toán kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm và thẩm định giá.
“Việc cải thiện chất lượng dịch vụ khâu trung gian sẽ tập trung vào năng lực, trình độ chuyên môn của những người thực hiện dịch vụ này và đạo đức nghề nghiệp. Vì dịch vụ trung gian đòi hỏi đạo đức rất cao, nếu không dễ dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư, thị trường và cả doanh nghiệp phát hành” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.•
Hướng đi đúng đắn, phù hợp với thông lệ quốc tế
Theo Công ty cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm FiinRating, những điểm mới trong Nghị định 65/2022 được kỳ vọng sẽ giúp khai thông dòng vốn từ kênh huy động này cho nhiều hoạt động kinh tế. Đặc biệt, quy định mới tại nghị định cũng giải tỏa nỗi lo của thị trường khi các doanh nghiệp được phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ.
“Đây là một hướng đi đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế về trái phiếu. Mặc dù vậy, hồ sơ chào bán và phương thức phát hành được yêu cầu cao hơn, do đó nhà phát hành phải thực sự có năng lực và hồ sơ minh bạch thì mới có thể tham gia hoạt động phát hành trái phiếu” - FiinRating nhận định.
Về quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc trong một số trường hợp, FiinRating cho rằng đây là một quy định thích hợp và phù hợp với bối cảnh thị trường Việt Nam, cũng như hướng tới hoạt động thị trường hiệu lực và hiệu quả. Việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm bắt buộc với một số trường hợp sẽ đem lại nhiều lợi ích cho không chỉ nhà đầu tư mà với chính nhà phát hành và thị trường nói chung.
Đáng chú ý, khác với các dự thảo trước đó, Nghị định 65/2022 ban hành vẫn cho phép các doanh nghiệp được phát hành TPDN để đảo nợ nhưng chỉ cho chính doanh nghiệp đó. Điều này sẽ củng cố thêm nhu cầu tìm kiếm các kênh vốn khác để đảo nợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là với các công ty bất động sản vốn sở hữu nhiều công ty con, liên kết để phát triển dự án.