Nghị quyết mới cho TP.HCM sẽ tạo động lực phát triển toàn vùng

Nghị quyết mới cho TP.HCM sẽ tạo động lực phát triển toàn vùng

(PLO)- Việc tăng phân cấp, ủy quyền sẽ tạo động lực, nâng cao hiệu quả quản lý, phát huy được tính năng động, sáng tạo, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền TP.HCM.

Dự thảo nghị quyết mới về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM sẽ được xem xét, thảo luận và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ năm Quốc hội (QH) khóa XV (khai mạc hôm nay, 22-5).

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, khẳng định những nội dung trong dự thảo nghị quyết phù hợp với quy mô đô thị và vị trí, vai trò của TP.

Tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm

. Phóng viên: Thưa ông, nghị quyết mới tiếp cận theo hướng cơ chế “vượt trội”, “đột phá” để khai phóng hết tiềm năng, dư địa và lợi thế của TP.HCM. Ông đánh giá thế nào về tính “vượt trội”, “đột phá” này?

+ TS Trần Du Lịch: Năm 2017, QH ban hành Nghị quyết 54 về một số cơ chế, chính sách cho TP.HCM. Đến nay, có một số cơ chế, chính sách mà TP.HCM thực hiện có kết quả nhưng cũng có một số nội dung chưa được thực hiện hoặc triển khai chưa hiệu quả. Sau khi tổng kết Nghị quyết 54, QH cho phép TP.HCM tiếp tục nghiên cứu để có một nghị quyết mới mang tính toàn diện và đột phá hơn, đủ tầm, đủ sức thúc đẩy sự phát triển của TP.

TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Trong năm 2022, Bộ Chính trị ban hành hai nghị quyết quan trọng cho TP.HCM là Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31. Hai nghị quyết này đều khẳng định vai trò, vị trí đầu tàu của TP.HCM. Đầu năm 2023, QH ban hành Nghị quyết 81 về quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030 cũng xác định vai trò, vị trí của TP trong một số nội dung quan trọng.

Dựa trên những cơ sở pháp lý đó, TP.HCM đã có một quá trình nghiên cứu thực tiễn, đề xuất những nội dung mới để xây dựng, theo tinh thần những cơ chế, chính sách tương đối đồng bộ, không rời rạc, nhỏ lẻ.

Đóng góp của TP.HCM rất lớn

Trong năm năm thực hiện Nghị quyết 54, tổng thu ngân sách nhà nước của TP.HCM đạt khoảng 2 triệu tỉ đồng, trong đó chuyển về trung ương 1,6 triệu tỉ đồng.

Tỉ lệ điều tiết ngân sách của TP.HCM nộp vào ngân sách nhà nước cũng tăng từ 77% giai đoạn 2011-2016 lên 82% giai đoạn 2017-2021, hiện là 79%.

Lần này, TP.HCM cũng tiếp cận theo hướng tạo cơ chế mở rộng phân cấp, phân quyền cho chính quyền TP, cùng với đó là những chính sách mới để tạo động lực cho một siêu đô thị như TP.HCM.

Sở dĩ lần này TP.HCM muốn thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù vì từ thực tiễn của TP hiện nay, có nhiều nội dung chưa quy định trong pháp luật, còn chồng chéo hoặc một số nội dung không còn phù hợp với pháp luật hiện hành.

Nếu dự thảo nghị quyết được QH thông qua thì đây là lần đầu tiên TP.HCM có một cơ chế, chính sách đối chiếu từ thực tiễn, phù hợp với quy mô đô thị và vị trí, vai trò của TP. Nghị quyết mới sẽ tạo động lực thực sự, nâng cao hiệu quả quản lý trên địa bàn, phát huy được tính năng động, sáng tạo, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền TP.HCM.

. Theo ông, với đề xuất giao thẩm quyền cho HĐND TP được phân bổ và bố trí vốn đầu tư công có ý nghĩa như thế nào trong thúc đẩy tính chủ động của TP ở thời điểm hiện nay?

+ Tinh thần nghị quyết lần này là nếu phân cấp cho UBND TP.HCM, thẩm quyền quyết định của HĐND TP là rất lớn. Từng vấn đề, UBND phải có đề án trình HĐND phê duyệt một cách công khai, minh bạch và rõ ràng, điều này càng thể hiện vai trò làm chủ của chính quyền địa phương.

Riêng về ngân sách, cơ bản là giao HĐND TP quyết định việc phân bổ các nguồn đầu tư, kể cả một số dự án nhóm A, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp… Những dự án liên quan đến đầu tư công thì HĐND TP.HCM là cơ quan quyết định, dĩ nhiên quy trình, thủ tục kiểm tra dự án phải tuân thủ các quy định.

Tôi cho rằng điều này giúp cho tính tự chủ về ngân sách của chính quyền TP cao hơn, nhất là sự tự chủ trong phân bố nguồn vốn, kể cả chi đầu tư và chi thường xuyên.

Phải khẳng định nếu dự thảo nghị quyết lần này được thông qua sẽ là lần đầu tiên vị trí, vai trò, trách nhiệm của HĐND được nâng lên rất lớn, xứng tầm với cơ quan đại diện cho quyền lực, ý chí của nhân dân.

Trong năm năm thực hiện Nghị quyết 54, tổng thu ngân sách nhà nước của TP.HCM đạt khoảng 2 triệu tỉ đồng, chuyển về trung ương 1,6 triệu tỉ đồng. Ảnh: TUẤN NGUYỄN

Trong năm năm thực hiện Nghị quyết 54, tổng thu ngân sách nhà nước của TP.HCM đạt khoảng 2 triệu tỉ đồng, chuyển về trung ương 1,6 triệu tỉ đồng. Ảnh: TUẤN NGUYỄN

Tạo dư địa để huy động nguồn lực toàn xã hội

. Trong lĩnh vực tài chính ngân sách, điểm mới là đề xuất TP được tăng tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% theo số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp. Vậy vấn đề này cần được nhìn nhận như thế nào?

+ Xét tổng thể về một chính quyền đô thị như TP.HCM thì việc mở rộng trần nợ công dưới hình thức phát hành trái phiếu, vay nợ trong và ngoài nước, đàm phán các dự án vay, kể cả vay thương mại nước ngoài… là rất cần thiết.

Con số này trong Nghị quyết 54 là 90% nhưng thực tế mới chỉ đáp ứng 30%-40% nhu cầu của TP. Để cân đối vốn đầu tư ngân sách nhà nước, đặc biệt là đầu tư hạ tầng, kỹ thuật xã hội, TP cần nguồn lực lớn hơn.

Do đó, TP.HCM phải tạo nguồn lực khác. Trong các nguồn lực về tài chính thì vấn đề vay của chính quyền địa phương, cơ chế tự vay tự trả là rất quan trọng. Việc nới trần như thế sẽ tạo ra dư địa để TP huy động mọi nguồn lực trong xã hội. Ngân sách rộng rãi hơn, TP.HCM cũng sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu về đầu tư hạ tầng, kỹ thuật xã hội.

. Dự thảo nghị quyết đưa ra các quy định về thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP.HCM, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông, điều này sẽ tạo ra nguồn lực đầu tư quan trọng ra sao?

+ Trong nhóm các nội dung mà TP đề xuất có vấn đề thu hút nhà đầu tư chiến lược, hướng tới các dự án liên quan đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ cao…

Chính sách này được kỳ vọng rất cao với một số dự án liên quan đến Khu công nghệ cao, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, kể cả trong tương lai là trung tâm tài chính quốc tế.

Một điểm mới quan trọng trong dự thảo nghị quyết lần này là TP.HCM xin một số cơ chế mới để mở rộng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực thể thao và văn hóa mà luật hiện hành chưa cho phép. Đây là cách để thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các công trình thể thao lớn.

TP cũng đề xuất được thu hồi đất ven các đường vành đai, một số công trình để phát triển đô thị, thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD). Đây là cách để tăng nguồn thu từ quỹ đất đô thị hóa cho ngân sách để đầu tư. Nếu làm được sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực này mà vẫn phù hợp với quy hoạch.

Thu phí, lệ phí là để điều chỉnh các hoạt động kinh tế liên quan

Liên quan đến quy định thu phí, lệ phí, dự thảo nghị quyết lần này phần lớn là kế thừa từ Nghị quyết 54. Tuy nhiên, trong thẩm quyền của mình, TP sẽ cân nhắc lại, mức phí bao nhiêu là do HĐND quyết định.

Tôi cho rằng việc thu phí, lệ phí không phải để tăng thu ngân sách, mà là điều chỉnh các hoạt động kinh tế có liên quan như môi trường, xây dựng…

Trên thế giới, phần lớn các nước xây dựng chính quyền đô thị đều có quyền này. TP xin thí điểm vì theo pháp luật Việt Nam hiện nay, vấn đề thu phí, lệ phí phải nằm trong danh mục Nhà nước cho phép.

TS TRẦN DU LỊCH

Cho phép TP.HCM thí điểm là tạo tiền lệ tốt

. Vậy việc TP.HCM xin thí điểm các cơ chế, chính sách mới có ý nghĩa như thế nào đối với TP?

+ Các nội dung trong dự thảo nghị quyết có một số điểm dự kiến có thể sửa đổi trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở, do vậy TP.HCM xin thí điểm để có thực tiễn, góp phần hoàn thiện pháp luật.

Tôi cho rằng với một số chính sách hoàn toàn mới, nếu TP.HCM thí điểm làm tốt thì không có lý do gì mà không nhân rộng mô hình cho các địa phương khác. Đặc biệt, nhiều chính sách TP xin có thể áp dụng cho cả vùng Đông Nam Bộ, nhất là việc phân cấp, phân quyền trong năm lĩnh vực quản lý là đầu tư, ngân sách, tổ chức bộ máy, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường.

Cho phép TP.HCM thí điểm là tạo tiền lệ tốt. Nhưng trước hết, những chính sách này cũng là hiện thực hóa Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, giúp TP.HCM có cơ chế vượt trội để thực hiện vai trò là hạt nhân, động lực cho vùng kinh tế Đông Nam Bộ và cho cả nước.

Sau khi QH ban hành nghị quyết mới thay thế thì Chính phủ căn cứ vào nội dung nghị quyết để ban hành nghị định thi hành. Điều này có nghĩa là tất cả nội dung của nghị quyết sẽ được cụ thể hóa để có thể được thực thi một cách minh bạch, trôi chảy, không bị vướng bởi các quy định khác.

. Xin cảm ơn ông.

Ông LÊ NGỌC KHÁNH, Phó Chủ tịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:

Làm tiền đề áp dụng cho các tỉnh, thành khác

Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của không chỉ riêng TP.HCM trong thời gian tới, mà còn với cả sự phát triển của các tỉnh, TP trong vùng Đông Nam Bộ.

Phó Chủ tịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh

Phó Chủ tịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh

Bởi theo Nghị quyết 24/TƯ-NQ về phát triển vùng Đông Nam Bộ, TP.HCM đóng vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế, tài chính của vùng. Khi có cơ chế mới, linh hoạt, TP.HCM phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, cùng các tỉnh liên kết, phát triển vượt bậc.

Việc TP.HCM thực hiện thí điểm đạt kết quả cũng sẽ tạo điều kiện áp dụng tại các tỉnh, thành khác.

.................................

Ông NGUYỄN VĂN ÚT, Chủ tịch UBND tỉnh Long An:

Liên kết vùng để cùng phát triển kinh tế

Qua nghiên cứu dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, tôi nhất trí với các nội dung của dự thảo.

Trong dự thảo, một số cơ chế, chính sách về đầu tư là rất mới. Nếu được thông qua và thực hiện thành công, sau đó nhân rộng sẽ gỡ cho nhiều địa phương.

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An

Long An với địa bàn giáp ranh với TP.HCM nên thời gian qua tỉnh đã huy động sức mạnh tổng hợp, tăng cường thúc đẩy liên kết vùng để tạo điều kiện phát triển kinh tế. Tỉnh tập trung nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao

thông, tạo sự kết nối thông suốt giữa các khu công nghiệp, khu đô thị, giữa Long An với TP.HCM, các tỉnh lân cận, làm tăng khả năng phát triển kinh tế địa phương. Trong đó, hai dự án đường vành đai 3, đường vành đai 4 là rất quan trọng để Long An và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam “cất cánh”.

Hiện nay, ngoài việc kết nối giao thông tốt, tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động kết nối giao thương hàng hóa, kết nối du lịch đạt kết quả đáng ghi nhận.

Tỉnh xác định đầu tư hạ tầng giao thông là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế - xã hội và liên kết vùng. Vì vậy, tỉnh tập trung đầu tư hoàn thiện hàng loạt dự án giao thông trọng điểm và tiếp tục đầu tư đồng bộ các dự án giao thông kết nối với các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL, TP.HCM và các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ; đồng thời kết nối thông suốt giữa các địa phương trong tỉnh.

Hiện tại, tỉnh chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng các công trình: Quốc lộ 50B, đây là trục động lực kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang, đường vành đai 3, đường vành đai 4... Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM nếu được QH thông qua và thực hiện thành công thì mục tiêu bảo đảm tính liên kết vùng, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững sẽ tiến thêm một bước quan trọng mà các nghị quyết của trung ương đã xác định. T.KHÁNH - H.DU

Đọc thêm