Chủ tịch TP.HCM: Nghị quyết mới gỡ vướng mắc, tạo không gian cho sự đột phá

(PLO)- TP.HCM sẽ đột phá trong lĩnh vực đầu tư để thu hút nguồn lực xã hội, khơi thông dòng tiền đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 18-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chủ trì buổi họp báo thông tin về dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Thúc đẩy vai trò đầu tàu cho cả nước

Ông Phan Văn Mãi cho rằng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 mang tính rất cấp thiết. Bởi với đặc thù của TP.HCM, trong khuôn khổ pháp luật hiện tại có những lĩnh vực chưa bao quát được hết các vấn đề, đòi hỏi có khung pháp lý phù hợp để vừa tháo gỡ vướng mắc vừa tạo ra không gian mới cho TP phát triển.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin về dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin về dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông khẳng định nghị quyết mới khi ban hành sẽ khắc phục những khó khăn hiện tại, tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, huy động nguồn lực xã hội ngoài ngân sách, phân cấp, phân quyền cho TP chủ động hơn trong thủ tục, đặc biệt tháo gỡ cho TP Thủ Đức. Nghị quyết mới cũng sẽ kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, tạo cho TP động lực lớn hơn, mạnh hơn để phát triển, thúc đẩy vai trò đầu tàu của TP.

TP.HCM nhận thí điểm cơ chế cho các bộ, ngành

Những cơ chế, chính sách của nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 sẽ tạo ra sự phát triển đột phá cho TP, giúp TP giữ vững vai trò đầu tàu, cực tăng trưởng, đóng góp vào sự tăng trưởng cho TP và cả nước.

Bởi khi các cơ chế, chính sách được thí điểm, sau thời gian tổng kết thành công, Quốc hội và Chính phủ sẽ có sự chỉ đạo để thể chế hóa, thực hiện chung cho toàn quốc, đóng góp vào sự phát triển thể chế cho toàn quốc. Do đó, một mặt TP.HCM chủ động đề xuất cơ chế, chính sách thí điểm, một mặt sẽ nhận cơ chế thí điểm chính sách từ các bộ, ngành trung ương để làm trước.

Chủ tịch UBND TP.HCM PHAN VĂN MÃI

“Còn nói một nghị quyết, hay một luật có tháo gỡ được tất cả khó khăn, vướng mắc không, có tạo đầy đủ động lực không thì tôi e rằng là không” - ông nói và cho biết Quốc hội cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật khác để giải quyết các vấn đề từ thực tiễn TP, kể cả vướng mắc, yêu cầu.

Theo chủ tịch TP.HCM, nghị quyết mới có khoảng 44 nội dung cơ chế, chính sách, được chia làm bốn nhóm, gồm những cơ chế đã có trong Nghị quyết 54; cơ chế đã có trong cơ chế đặc thù của các tỉnh, TP mà phù hợp với TP; những nội dung đang được đưa vào các dự án luật sửa đổi và nhóm cơ chế mới.

Củng cố đội ngũ cán bộ để thực hiện nghị quyết

Người đứng đầu chính quyền TP cho biết với kinh nghiệm triển khai Nghị quyết 54, hiện nay TP đã có bước chuẩn bị chủ động, phân công lần đầu cho các cơ quan cụ thể hóa cơ chế, chính sách.

UBND và sở, ngành đang củng cố để xây dựng đội ngũ đủ sức cụ thể hóa, thực hiện nghị quyết và chú trọng việc củng cố tinh thần toàn đội ngũ; chuẩn bị tâm thế triển khai nghị quyết mới nếu được thông qua. TP đã phân công các cơ quan chuẩn bị cụ thể hóa nội dung, chính sách để trình HĐND TP vào kỳ họp giữa kỳ sắp tới, dự kiến sẽ có 28 nội dung.

Giám đốc Sở Tài chính Lê Duy Minh thông tin tại họp báo. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Giám đốc Sở Tài chính Lê Duy Minh thông tin tại họp báo. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông cũng cho hay UBND TP đã rà soát để làm rõ chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), có giao việc cụ thể để có căn cứ làm rõ tiến độ. TP cũng có biện pháp tăng thu nhập và một số chế độ chính sách khác; gắn hiệu quả công việc với chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng cho cán bộ…

Theo ông Mãi, có một bộ phận CBCCVC còn e dè, ngại trách nhiệm trong thực thi công vụ nhưng không phải tất cả, cần đánh giá khách quan, công bằng.

“CBCCVC và người dân TP đều có lòng tự trọng; trước những thách thức, nhiệm vụ lớn sẽ có sự nỗ lực, phấn đấu để thực hiện, vượt qua khó khăn để đưa TP phát triển. Đông đảo CBCCVC, người dân TP vẫn có tâm thế đó. Một bộ phận cán bộ còn lại e dè, lo sợ thì TP sẽ động viên, nếu không cải thiện được thì sẵn sàng cho ra ngoài hệ thống để người khác tiếp tục” - ông Mãi khẳng định.

Phát huy tốt nguồn lực để phát triển

Tại buổi họp báo, Giám đốc Sở Tài chính Lê Duy Minh nhận định đất đai là nguồn lực lớn để tăng ngân sách, thực hiện các chủ trương lớn, tăng đầu tư công.

Theo ông, trong nghị quyết mới, TP.HCM đã đề xuất việc các cơ quan trung ương có cơ sở nhà, đất trên địa bàn sẽ rà soát, đấu giá và TP sẽ thu được 50% trên số tiền còn lại. Tuy nhiên, Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 74/2022 bao trùm nội dung này. Hiện nay các cơ quan trung ương đang sắp xếp các cơ sở nhà, đất theo nghị quyết này. Do đó, TP.HCM không đưa việc xử lý các cơ sở nhà, đất của cơ quan trung ương vào dự thảo nghị quyết mà thực hiện theo chủ trương của Quốc hội. Do đó, TP.HCM sẽ phối hợp với các cơ quan rà soát, sắp xếp lại, nếu đơn vị nào xử lý không hiệu quả, để lãng phí thì sẽ thu hồi và tổ chức bán đấu giá.

Giám đốc Sở Xây dựng trả lời tại cuộc họp báo. Ảnh: B.PHƯƠNG

Giám đốc Sở Xây dựng trả lời tại cuộc họp báo. Ảnh: B.PHƯƠNG

TP.HCM cũng rà soát cơ sở nhà, đất của sở, ngành, địa phương nếu nơi nào lãng phí sẽ thu hồi và bán đấu giá. Từ đó tạo nguồn lực thực hiện nghị quyết mới.

Cũng tại buổi họp báo, Giám đốc Sở TN&MT TP Nguyễn Toàn Thắng cho biết các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực đất đai. Vì vậy, dự thảo nghị quyết mới đã cho phép hộ gia đình, các tổ chức thuê đất hằng năm được áp dụng hệ số theo bảng giá đất. Doanh nghiệp sẽ biết mình phải trả tiền sử dụng đất bao nhiêu, đảm bảo minh bạch.

TP.HCM cũng đa dạng hóa phương thức bồi thường để tạo quỹ đất, giúp nhà đầu tư tạo quỹ đất. Cụ thể là bồi thường bằng tiền, bằng đất theo cùng loại đất bị thu hồi và bằng đất khác theo tỉ lệ quy đổi.

Đồng thời, TP xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, tạo được sự liên thông, công khai, minh bạch và giải quyết nhanh các hồ sơ của doanh nghiệp.

Giám đốc Sở TN&MT khẳng định các cơ chế này sẽ phần nào giải quyết những bất cập hiện tại của TP. Những phần việc còn lại phải chờ sửa đổi Luật Đất đai.

Về việc phát huy các nguồn lực để TP phát triển, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết điểm khác nhau cơ bản giữa nghị quyết mới và Nghị quyết 54 ở chỗ Nghị quyết 54 tập trung cơ chế, chính sách tạo nguồn thu cho TP, còn nghị quyết mới cho các cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, dự án để dòng đầu tư đi nhanh hơn.

Theo đó, để thu hút đầu tư xã hội, TP đề xuất thí điểm các cơ chế TOD, PPP, ưu đãi nhà đầu tư chiến lược, áp dụng khoa học đổi mới sáng tạo. “Nếu làm tốt nguồn thu này sẽ thu được hàng trăm ngàn tỉ đồng” - ông Mãi nói và cho biết thêm nguồn thu từ cổ phần hóa là rất lớn.

Khơi thông nguồn lực xã hội

Tại buổi họp báo, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cho biết thu hút đầu tư tư nhân rất quan trọng với sự phát triển của TP.HCM. Thực tiễn thời gian qua cho thấy hoạt động đầu tư kinh doanh có rất nhiều vướng mắc.

Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Thị Huỳnh Mai. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Thị Huỳnh Mai. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Theo bà Mai, các sở, ngành TP.HCM cũng nhận thấy được các vướng mắc đối với các dự án đầu tư kinh doanh; một số sẽ được thảo luận, giải quyết trong các kỳ họp Quốc hội sắp tới nhưng có vướng mắc phải giải quyết ngay, đặc biệt là vấn đề hợp tác công tư (PPP).

Điểm đáng chú ý của nghị quyết mới là khơi thông nguồn lực với nhiều chính sách hoàn toàn mới. Chẳng hạn như mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); cơ chế đầu tư các dự án theo phương thức PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; BOT đối với các dự án đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu; thực hiện lại hình thức hợp đồng BT…

Hiện ngân sách nhà nước chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu đầu tư các dự án văn hóa, thể thao. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 (PPP) hiện cũng không cho phép áp dụng đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao. “Trong dự thảo nghị quyết mới, TP.HCM đã mở rộng hình thức PPP đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao” - bà nói.

Liên quan đến việc thực hiện hình thức BT thanh toán bằng tiền và BOT trên đường hiện hữu, Luật PPP hiện hành cũng không cho phép. Tuy nhiên, TP.HCM có nhiều công trình giao thông quan trọng cần nguồn vốn lớn nhưng ngân sách lại chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, việc đề xuất cho áp dụng hình thức BT bằng tiền và BOT trên đường hiện hữu rất cần thiết.

................................................................

Phân cấp, ủy quyền sẽ giúp TP Thủ Đức giải quyết công việc kịp thời

Việc phân cấp, ủy quyền sẽ giúp TP Thủ Đức đẩy nhanh quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng.

Nêu ý kiến tại buổi họp báo, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho hay từ khi thành lập đến nay, TP Thủ Đức vận hành như một cơ quan hành chính cấp huyện, điều này gây ra nhiều khó khăn trong vận hành công việc.

Ông Tùng cho biết trong dự thảo nghị quyết mới có đề xuất nội dung liên quan đến phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức, đây là một nội dung rất quan trọng. “Điều này sẽ giúp TP Thủ Đức giải quyết công việc một cách kịp thời, đồng bộ; góp phần đẩy nhanh giải quyết thủ tục hành chính tại TP này, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng” - ông Tùng nhấn mạnh.

Về tổ chức bộ máy TP Thủ Đức, ông Tùng cho biết Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM có nêu giao HĐND quyết định cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ các phòng ban chuyên môn. “Đây là điều hết sức mới mẻ” - ông nói thêm.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng phát biểu tại buổi họp báo.
Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Theo ông Tùng, trung ương đã giao cho TP.HCM, cụ thể là HĐND TP.HCM quyết định bộ máy của TP Thủ Đức. Dự thảo nghị quyết mới đề xuất giao thẩm quyền cho HĐND TP.HCM xác định các cơ quan chuyên môn trực thuộc TP Thủ Đức cùng các chức năng, nhiệm vụ phù hợp. Đặc biệt trong bối cảnh TP.HCM đang thực hiện Nghị quyết 131/2020 về chính quyền đô thị thì đây là điều cốt lõi nhằm vận hành chính quyền TP Thủ Đức trơn tru hơn.

Bên cạnh đó, TP Thủ Đức cũng được hưởng lợi từ các nội dung liên quan trong đề xuất tại dự thảo nghị quyết mới. Đặc biệt, vấn đề thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa xã hội, thể dục thể thao, đầu tư theo phương thức BT… là điều kiện hết sức thuận lợi để TP Thủ Đức kêu gọi đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng của địa phương.

Ông Tùng cũng cho rằng dự thảo nghị quyết mới đề cập đến một nội dung quan trọng là phát triển đô thị đồng bộ với hệ thống giao thông, nhất là hệ thống giao thông công cộng. Qua đó, TP.HCM sẽ có điều kiện phát triển đô thị dọc tuyến metro, đường vành đai 3, giúp TP Thủ Đức có thể xây dựng được hệ thống giao thông đô thị đồng bộ.

Từ cơ sở này, TP Thủ Đức cũng đã đề xuất những nội dung trên vào trong xây dựng quy hoạch chung của TP Thủ Đức. “Đây là cơ sở pháp lý để TP Thủ Đức nghiên cứu, tổ chức lại quy hoạch, kêu gọi đầu tư dọc các tuyến giao thông công cộng, nhất là hai công trình trọng điểm trên địa bàn hiện nay là tuyến metro số 1 và đường vành đai 3” - ông Tùng cho hay. NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm