Theo Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Gallagher, việc Mỹ “vội vàng hỗ trợ vũ khí cho Ukraine” đã "đốt cháy" kho dự trữ vũ khí trong nhiều năm” của nước này, cản trở khả năng của Washington trong việc hỗ trợ đồng thời cho Đài Loan.
“Chúng ta đang cạn kiệt về nguồn dự trữ của mình” - ông Gallagher, thành viên của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện Mỹ, nói trong cuộc phỏng vấn trên đài Fox News hôm 8-5.
“Mỹ đã vừa đốt hết nguồn tên lửa Javelin dự trữ suốt 7 năm qua, vấn đề này vô cùng quan trọng khi chúng ta không chỉ đang cố gắng giúp người dân Ukraine giành chiến thắng, chúng ta còn đang cố gắng bảo vệ Đài Loan khỏi nguy cơ xâm lược từ Trung Quốc” - ông Gallagher cho hay.
Những tên lửa Javelin mà ông Gallagher đề cập đến là loại tên lửa chống tăng vác vai và Mỹ đã gửi hơn 5.000 đơn vị tới Ukraine.
"Họ (Đài Loan) sẽ cần được hỗ trợ một số hệ thống vũ khí tương tự như vậy và kho dự trữ hiện tại của chúng ta hiện tại không thể lấp đầy những gì chúng ta đã cung cấp cho Ukraine" - Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Gallagher nhấn mạnh.
Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ - ông Mike Gallagher. Ảnh: THE NATION |
Trước lời cảnh báo của ông Gallagher, các Hạ nghị sĩ khác như ông Adam Smith và ông Mike Rogers, cũng thuộc Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện, đã viết thư cho ông Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, để kêu gọi ông bổ sung các kho dự trữ tên lửa của Mỹ và đầu tư vào các thiết bị thay thế được hiện đại hóa.
Tại cuộc điều trần trước Quốc hội vào cuối tháng 4, cựu giám đốc chương trình an ninh quốc tế của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) David Berteau cũng đã kêu gọi các nhà lập pháp “thúc đẩy” Lầu Năm Góc tăng cường sản xuất vũ khí.
Trong khi đó, các công ty sản xuất vũ khí lớn của Mỹ cũng tiết lộ họ đang chờ thêm hợp đồng từ Lầu Năm Góc để đẩy mạnh sản xuất.
Trước đó một tháng, những công ty sản xuất vũ khí này, có mức giá cổ phiếu tăng vọt lên tới 60% kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2, cho hay họ cần thêm tiền để có thể chống lại tình trạng thiếu hụt vũ khí trong kho dự trữ.
“Tất cả những điều này cho thấy sự cần thiết phải coi ngành công nghiệp quốc phòng như một lĩnh vực quan trọng mà chúng ta cần đầu tư. Chúng ta cần đầu tư vào nó một cách bền vững để có đủ khi chúng ta cần” - ông Eric Fanning, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Mỹ, nhận định.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thị sát cơ sở sản xuất tên lửa Javelin ở bang Alabama, ngày 3-5. Ảnh: AP |
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho đến nay đã viện trợ quân sự cho Kiev gần 4 tỉ USD, ông Biden hiện đang thúc giục Quốc hội thông qua gói viện trợ trị giá 33 tỉ USD cho Ukraine, 20 tỉ USD trong số đó sẽ tài trợ vũ khí và các hỗ trợ quân sự khác cho Kiev.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ ký phê duyệt Đạo luật Lend-Lease (Đạo luật thuê vay) năm 2022 vào ngày 9-5, nhằm xuất khẩu số lượng vũ khí không giới hạn sang cho Ukraine.
Đạo luật Lend-Lease là một chương trình viện trợ có từ thời cựu Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt nhằm giúp đỡ những đồng minh bị sa lầy trong Thế chiến thứ 2. Cụm từ “Lend-Lease” ở đây mang nghĩa cho vay không lấy lãi và việc trả nợ sẽ bắt đầu 5 năm sau khi chiến tranh kết thúc.
Chương trình Lend-Lease được Tổng thống Roosevelt đưa ra và được Quốc hội thông qua vào ngày 11-3-1941. Đạo luật được dùng để trợ giúp quân Anh chống lại Đức bằng cách cho tổng thống quyền “bán, chuyển giao, trao đổi, cho thuê mượn, hoặc định đoạt” bất kỳ nguồn lực quân sự nào mà tổng thống cho rằng ít cần thiết nhất đối với quốc phòng Mỹ.
Mặc dù Lầu Năm Góc không công bố chính xác lượng vũ khí mà họ viện trợ cho Ukraine, song một nhà phân tích tại CSIS cho biết vào tháng trước rằng con số này chiếm khoảng một phần ba kho dự trữ của Mỹ.
Nhà phân tích này nói thêm rằng Washington cũng đã “tặng cho Ukraine” khoảng 1/4 kho dự trữ tên lửa phòng không Stinger của mình.