Nghị sĩ Mỹ Randy Forbes: Mỹ cần ổn định cán cân quân sự

Chiếm bãi cạn Scarborough, lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, quấy rối tàu USS Cowpens của Mỹ, quấy rối Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc (TQ) sẵn sàng tiếp tục làm phiền các nước láng giềng và Mỹ.

Nghị sĩ J. Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban Lực lượng và Sức mạnh trên biển thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, nhận định như trên khi trả lời tạp chí The National Interest (Mỹ) ngày 9-6.

. Căng thẳng trên biển Đông ngày càng gia tăng cùng với việc TQ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam… Liệu chính sách tái cân bằng của Mỹ ở châu Á đang suy yếu?... Mỹ sẽ hành động thế nào nếu khủng hoảng giữa TQ và Việt Nam lên đỉnh điểm?

+ Đáng tiếc, tái cân bằng là một chiến lược chứ không phải một chính sách… Nhiều thập niên qua, Mỹ đủ tư cách để tự cho mình là sức mạnh đơn cực ở châu Á, đủ khả năng duy trì trật tự bằng cách ngăn chặn các hành xử không mang tính xây dựng hoặc tháo ngòi căng thẳng.

Tàu cá ĐNa 90152 của Việt Nam bị tàu vỏ sắt TQ đâm chìm được trục vớt ở Đà Nẵng ngày 2-6. Ảnh: AFP

Trật tự này đang bị khả năng quân sự hiện đại hóa và thái độ ngày càng quyết đoán của TQ thách thức. Có thể thấy khởi đầu bằng sự kiện tàu TQ quấy rối tàu USNS Impeccable của Mỹ ở biển Đông hồi tháng 3-2009… Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng khủng hoảng hay thậm chí là xung đột chỉ có thể xảy ra một khi TQ có thể thay đổi được cán cân quân sự…

Có người cố biện luận rằng thái độ của TQ là phản ứng khi Mỹ chuyển trọng tâm sang châu Á hoặc các đồng minh Nhật và Philippines dựa vào Mỹ mà hành động mạnh mẽ hơn với TQ. Thật ra phân tích này chỉ xuất phát từ quan điểm của TQ.

Từ Nhật, Philippines đến Việt Nam, các nước láng giềng của TQ đều chờ đợi tín hiệu rõ ràng rằng Mỹ xác định sẽ ra tay duy trì nguyên trạng khu vực… Vì quyền lợi an ninh của Mỹ ở khu vực, tôi nghĩ ổn định cán cân quân sự là nhiệm vụ trọng tâm của Mỹ.

. Có ý kiến cho rằng học thuyết tác chiến không-hải quân (ASB) không đủ khả năng đối phó với chiến lược của TQ là dùng công cụ hỗ trợ hàng hải phi quân sự để từng bước thay đổi nguyên trạng nhiều nơi như bãi cạn Scarborough, bãi Cỏ Mây… Mỹ sẽ làm gì để đối phó?

+ Thách thức hiện tại từ phía TQ phức tạp hơn nhiều chứ không như chiến tranh truyền thống nữa… Sức mạnh quân sự giờ chỉ là công cụ chẳng đặng đừng mới dùng đến bên cạnh các công cụ như ngoại giao, luật pháp, kinh tế và nhiều loại sức mạnh khác mà TQ sử dụng có tính toán để thay đổi hiện trạng trong khu vực.

Từ đầu học thuyết tác chiến không-hải quân không được thiết kế để kiềm chế TQ sử dụng các hình thức áp bức phi quân sự… Dù ủng hộ học thuyết nhưng tôi vẫn cho rằng Mỹ thiếu một chiến lược vùng để ngăn chặn hành động ngoan cố ngày càng gia tăng của TQ… Mỹ cần một chiến lược thể hiện cho TQ, các đồng minh và đối tác thấy rằng chiến lược này vừa có thể đối phó các chiến lược áp bức phi quân sự, vừa đủ khả năng can thiệp quân sự cấp cao.

Tôi hài lòng với tuyên bố của Ngoại trưởng Chuck Hagel tại Đối thoại Shangri-La rằng Thứ trưởng Quốc phòng Bob Work sẽ giám sát quá trình tăng cường năng lực của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.

ĐĂNG KHOA

TQ muốn gì ở đá Gạc Ma?

Tại Philippines ngày 10-6, nguyên cố vấn an ninh quốc gia Roilo Golez đã cảnh báo Philippines sẽ gặp nguy hiểm nếu TQ lập xong căn cứ trên bãi đá ngầm Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị TQ chiếm đóng). Đài truyền hình ABS-CBN (Philippines) đưa tin TQ đang xây dựng trên đá Gạc Ma đường băng dài 1,5 km.

Ông Roilo Golez ghi nhận TQ có thể bố trí máy bay chiến đấu J-11 tại đây. Máy bay J-11 có tầm bay vượt qua lãnh thổ Philippines, một phần Việt Nam, Malaysia và hầu hết đảo Borneo (đảo lớn nhất Đông Nam Á thuộc Brunei, Malaysia và Indonesia). Như vậy máy bay sẽ đe dọa đến các căn cứ quân sự của Philippines, kể cả các căn cứ trong khuôn khổ thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ.

Ông nhận định: “TQ muốn củng cố quyền lực trên biển Đông và biến biển Đông thành ao nhà. TQ muốn tăng cường tuyên bố chủ quyền, thách thức thế lực thống trị của Mỹ, đẩy mạnh tuyên bố đường chín đoạn, thay đổi cán cân quyền lực tại châu Á-Thái Bình Dương bởi hiện tại Mỹ vẫn thống trị tại khu vực này”. Trong khi đó, GS Richard Heydarian, giảng viên ĐH Ateneo (Philippines), ghi nhận xét các khuynh hướng gần đây của tòa án trọng tài quốc tế, tòa án thường ưu tiên dành đặc quyền cho nước nào thực thi chủ quyền một cách liên tục và hiệu quả.

Ông nhận định TQ đang thay đổi hiện trạng khu vực bằng cách lấn chiếm dần các khu vực tranh chấp. Như vậy một khi TQ xây dựng các cấu trúc trên đá Gạc Ma và biến cấu trúc này thành đảo, TQ sẽ được xem là nước thực thi chủ quyền một cách liên tục và hiệu quả. Rõ ràng ý đồ của TQ là sẽ sử dụng các vùng đất đã chiếm để đối phó với các hành động pháp lý quốc tế trong giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng.

DUY KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm