Tiếp sau sự việc YouTuber Nghĩa Lởm tung clip tuyên bố chặn xe Tổng thống Donald Trump để “xin tiền” hồi thượng đỉnh Mỹ-Triều, một hiện tượng mạng xã hội khác mang tên Khá Bảnh lại làm dậy sóng dư luận.
Tác giả của nhiều clip mang tính bụi đời, bạo lực gây chú ý trên YouTube, Facebook này mới đây lại tung một “tối phẩm” nữa, đó là khoe màn đập phá rồi châm lửa thiêu rụi chiếc xe tay ga đắt tiền.
Hình ảnh cùng lời thuyết minh lý do châm lửa đầy ngông cuồng của chính chủ gây rất nhiều sự quan tâm với nhiều ngàn lượt xem, theo dõi, chia sẻ. Đáng nói là giống như việc chứng kiến những cách cố tình tạo sự nổi tiếng khác, các bình luận cho Khá Bảnh hoặc tỏ ra thích thú, hoặc khích bác, hoặc phản đối nhưng bằng những lời lẽ tiêu cực, tục tĩu. Rất hiếm các góp ý chân tình mang tính xây dựng.
Giải thích về sự cố tình chơi nổi và những bình phẩm tiêu cực đó, nhiều người cho rằng vì xu hướng của giới trẻ khi tham gia mạng xã hội là thích điều lạ lẫm rồi đứng từ xa để quan sát, phán xét bằng ngôn ngữ tuổi teen.
Ý kiến khác quả quyết cho rằng mặt trái của mạng xã hội là một cái chợ đúng nghĩa khi cả diễn viên cùng khán giả tương tác với nhau một cách hoang dã, cảm tính, xô bồ, loạn xị ngậu.
Lại có người lý giải cách cố tình tạo scandal là một phương pháp kiếm tiền trên mạng xã hội thông qua hình thức tương tác và cách kiếm tiền này bản chất là mua sự nổi tiếng bằng cách tự bán đi sự tôn trọng của người khác dành cho mình.
Ba cách mổ xẻ vấn đề ở trên đều có điểm hợp lý và cho thấy rõ hơn về một mảng tối trong tổng thể của bức tranh tham gia mạng xã hội. Mảng tối ấy nếu đặt tên chính xác là “gây rối cộng đồng mạng”. Nó cần bị dẹp bỏ bởi gây những hệ quả không mong muốn cả ngắn hạn lẫn lâu dài cho cộng đồng.
Thứ nhất, những người gây ra hành vi phản cảm và lố bịch kia rất dễ ảo tưởng về sự quan trọng của họ.
Thứ hai, cách khiêu khích sự tò mò bằng những câu chuyện sốc đã nhận những phản ứng khích bác hay chửi rủa, phần nào khẳng định thêm sự thiếu trách nhiệm của nhiều người khi tham gia mạng xã hội. Sự chân thành trong giao tiếp bị lòng hiếu kỳ hoặc thái độ bức xúc lấn át. Và nếu lối giao tiếp này phổ biến đồng nghĩa với việc một bộ phận giới trẻ tự làm phai nhạt phẩm chất nhân văn của chính mình.
Thứ ba, với giả thuyết được quan tâm nhiều đồng nghĩa thêm cơ hội kiếm tiền sẽ khiến tâm lý thích nổi tiếng bằng mọi giá có đất dụng võ. Suy nghĩ kiếm tiền lệch lạc này càng nhiều, xã hội càng có nguy cơ trở thành sân khấu của những hành vi phi chuẩn mực…
Cách nào để ngăn chặn những hệ lụy kể trên? Tôi cho rằng ngoài các hướng tiếp cận như giáo dục, tuyên truyền đạo đức… có lẽ cần hướng xử lý nghiêm khắc nữa. Trong đó, luật hóa đối với hành vi “gây rối cộng đồng mạng” để khu biệt nó với những vi phạm khác và kiên quyết xử lý là một phương án mà các nhà làm luật nên tính tới.