Khi đề cập đến tình hình căng thẳng ở biển Đông, Ngoại trưởng Singapore K Shanmugam cảnh báo xung đột khó tránh khỏi chừng nào các nước còn có lợi ích chỏi nhau.
Ông nhận định có rất nhiều mập mờ về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc (TQ) ở biển Đông. Ông cho biết Singapore mong muốn tranh chấp ở biển Đông phải được giải quyết theo cách không để các tàu đối đầu nhau và không để xảy ra nổ súng.
Ông khẳng định Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông là giải pháp tốt nhất mà Singapore hy vọng. Theo ông, bộ quy tắc này sẽ không bao giờ đạt được nếu các bên tranh chấp còn cáo buộc lẫn nhau về vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông bởi các bên tranh chấp cứ nghĩ rằng tại sao phải nhất trí thỏa thuận mới khi thỏa thuận cũ đã bị vi phạm.
Trước đó tại Philippines, tướng Jose T. Almonte, nguyên cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Fidel V. Ramos (1992-1998), đã đề nghị chính phủ nên khuyến khích trí thức Philippines tăng cường tiếp cận với trí thức TQ có tư tưởng phản đối chính sách hiếu chiến của TQ ở biển Đông.
Chia sẻ trên báo Inquirer, ông giải thích đa phần trí thức TQ đều có nhận thức chung là mong muốn thế giới hòa bình, hữu nghị. Do đó trí thức Philippines cần phải kết nối với trí thức TQ để khai thông tư tưởng, từ đó làm thay đổi chính sách về biển Đông của TQ bởi công tác hoạch định chính sách ở TQ chịu ảnh hưởng nhiều từ giới trí thức. Cách thức kết nối có thể bằng phương tiện viễn thông, kể cả mạng xã hội.
Trong khi đó tại Thái Lan, báo Bangkok Post ngày 30-6 ghi nhận TQ đã cố tình khiêu khích khi đặt giàn khoan trong vùng biển Việt Nam và khi bị phản đối thì công bố bản đồ khác thường rồi di chuyển thêm bốn giàn khoan vào biển Đông một cách không cần thiết.
Báo nhận định TQ đã chọn cách thức bảo vệ quan điểm của mình là phớt lờ, từ chối tranh luận và khi cần thiết thì sử dụng vũ lực. Báo cho rằng rõ ràng mục tiêu của chiến lược ngoại giao pháo hạm trong thế kỷ 21 của TQ là Việt Nam và Philippines, hai nước năng động nhất trong đối đầu với tuyên bố chủ quyền hiếu chiến của TQ.
Báo đề nghị TQ cần phải rút “chiến lược ngoại giao giàn khoan” để đàm phán có thực chất với ASEAN và các nước tranh chấp.
ĐĂNG KHOA - THẠCH ANH