Ngồi nhiều hơn 10 tiếng mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ đến 63%

(PLO)- Một nghiên cứu gần đây của ĐH Nam California và ĐH Arizona đã tiết lộ mối liên hệ giữa thói quen ngồi nhiều và nguy cơ mất trí nhớ.

Ngồi nhiều mang lại nhiều rủi ro

Thời gian ngồi hàng ngày bao gồm các hoạt động được thực hiện ở tư thế ngồi hoặc ngả lưng, ít tiêu hao năng lượng, chẳng hạn như làm việc trên bàn với laptop, xem TV, chơi trò chơi điện tử, lái xe hoặc ngồi trên ô tô và thậm chí cả việc ăn uống. Nhìn chung, thời gian ngồi được cho là chiếm hơn một nửa số giờ thức của hầu hết người trưởng thành.

Việc ngồi nhiều trong ngày có liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong sớm. Sử dụng dữ liệu từ hơn 1 triệu người tham gia, một phân tích tổng hợp năm 2018 trên Tạp chí Dịch tễ học châu Âu cho thấy nguy cơ tử vong do bệnh tim và tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2 tăng đáng kể khi tổng thời gian ngồi tăng lên.

Kết quả từ một thử nghiệm năm 2023 được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Bệnh tiểu đường cũng cho thấy thời gian ngồi càng lâu thì khả năng kháng insulin càng cao. Rủi ro tăng lên đáng kể khi thời gian ngồi hàng ngày trung bình từ 8 tiếng trở lên và ít hoặc không hoạt động thể chất.

Ngồi nhiều làm việc làm tăng nguy cơ mất trí nhớ. Ảnh: Pexels

Ngồi nhiều làm tăng nguy cơ mất trí nhớ

Chia sẻ trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA), các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Nam California và ĐH Arizona đã phát hiện người lớn từ 60 tuổi trở lên dành hơn 10 tiếng mỗi ngày cho các hoạt động ít vận động, chẳng hạn như ngồi xem TV hoặc lái xe, phải đối mặt với nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn.

Trung bình, một người Mỹ thường dành khoảng 9,5 tiếng mỗi ngày trong trạng thái ít vận động.

Để tiến hành nghiên cứu, nhóm đã khai thác dữ liệu từ Biobank Vương quốc Anh, một cơ sở dữ liệu y sinh rộng lớn bao gồm những người tham gia trên khắp Vương quốc Anh. Hơn 100.000 người trưởng thành đã đồng ý đeo máy đo gia tốc, thiết bị đeo ở cổ tay để theo dõi chuyển động suốt ngày đêm trong một tuần.

Các nhà nghiên cứu đã tập trung vào một mẫu gồm khoảng 50.000 người lớn từ 60 tuổi trở lên, những người mà ngay từ đầu không được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra tập dữ liệu khổng lồ về chỉ số gia tốc bằng thuật toán học máy, phân loại hành vi dựa trên các mức độ hoạt động thể chất khác nhau. Thuật toán phức tạp này phân biệt giữa các hoạt động khác nhau, bao gồm cả hành vi ít vận động và ngủ.

Sau sáu năm theo dõi, các nhà nghiên cứu đã xác định được 414 trường hợp mắc chứng mất trí nhớ bằng cách sử dụng hồ sơ bệnh viện nội trú và dữ liệu đăng ký tử vong. Sau đó, họ điều chỉnh phân tích thống kê về nhân khẩu học, đặc điểm lối sống và các tình trạng mãn tính có thể ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ như bệnh tim hoặc tiểu đường.

Nguy cơ mất trí nhớ tăng lên đáng kể đối với những người dành hơn 10 tiếng mỗi ngày để ít vận động, bất kể thời gian đó tích lũy như thế nào. Tuy nhiên, những hành vi ít vận động kéo dài khoảng 10 tiếng hoặc ít hơn cho thấy không có nguy cơ cao.

Khám phá này mang lại sự yên tâm, đặc biệt đối với những người làm công việc văn phòng đòi hỏi phải ngồi nhiều. Điều đó nói lên rằng, mọi người có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách hạn chế thời gian ít vận động hàng ngày ở mức ít nhất có thể.

Giảm nguy cơ mất trí nhớ bằng cách hoạt động thường xuyên, vận động. Ảnh: Pexels

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới