Người bị oan phản đối việc có đơn mới được xin lỗi

Những người bị oan lên tiếng

“Cơ quan tố tụng có lỗi gây nên án oan thì phải chủ động xin lỗi, tại sao phải bắt người bị oan yêu cầu…” - những người bị oan nói.

Tháng 7-2016, VKSND huyện Bình Chánh (TP.HCM) đình chỉ vụ án đối với bà Trần Thị Huệ. Lý do, công trình mà bà Huệ xây dựng tại thửa 509 (ở huyện Bình Chánh) không phải là nhà ở nên hành vi của bà Huệ không cấu thành tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở theo Điều 270 BLHS.

Không gửi đơn nên không được xin lỗi

Dù đã gần một năm trôi qua nhưng tới nay bà Huệ vẫn chưa làm đơn yêu cầu cơ quan này công khai xin lỗi và bồi thường oan. “Tôi quên chuyện đó rồi. Hiện tôi rất bận, không có thời gian làm đơn yêu cầu họ xin lỗi hay bồi thường gì đâu” - bà Huệ ngập ngừng.

Thấy PV nghi ngờ, lúc này bà Huệ mới thú thật: “Tôi ớn mấy ông bà làm luật lắm! Họ để cho mình yên là khỏe rồi. Đấu với họ đau đầu quá!”.

Trường hợp bà Huệ vẫn còn thời hiệu để yêu cầu xin lỗi, bồi thường, không như chuyện đã rồi của ông Nguyễn Thanh Hải ở xã Tân Hào, Giồng Trôm, Bến Tre. Ông Hải được Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên không phạm tội giết người từ năm 1988 nhưng đến nay ông vẫn chưa được xin lỗi.

“Sau khi được trả tự do, những năm đầu tôi phải nằm một chỗ, khi gượng dậy làm được chút việc thì sức khỏe kém, cứ nhớ đó quên đó. Vất vả mưu sinh vì đói nghèo, hiểu biết pháp luật có hạn, lại không ai chỉ vẽ nên tôi không biết mần (làm) đơn yêu cầu xin lỗi, bồi thường. Đến lúc biết ra thì đã hết thời hiệu”.

Ông Hải nói đáng lẽ TAND tỉnh Bến Tre khi biết bản án kết tội ông đã bị tòa phúc thẩm sửa thì phải chủ động xin lỗi ông như lẽ thường ai sai phải chủ động xin lỗi. “Tôi chỉ mong TAND tỉnh Bến Tre công khai xin lỗi tôi trước bà con lối xóm một tiếng để tôi không còn mang tiếng là kẻ giết người, để con cháu tôi khỏi bị điều tiếng mà cũng không được” - ông Hải nói như khóc.

Nếu ông Nguyễn Thanh Chấn không gửi đơn yêu cầu, xem như cơ quan tố tụng “lơ” chuyện công khai xin lỗi oan ông. Ảnh: TP

Gửi đơn rồi cũng chẳng ăn thua

“Vụ án đang trong vòng tố tụng, tòa đang xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên…” là lý do mà TAND huyện Châu Thành, Long An nêu ra để trì hoãn việc công khai xin lỗi và bồi thường oan anh Đặng Ngọc Thanh. Trước đó tòa này đã xử oan anh Thanh bảy năm tù về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy.

Anh Thanh bị khởi tố năm 2013 rồi bị bắt tạm giam bảy tháng. Mãi đến tháng 10-2015, anh Thanh mới được đình chỉ điều tra với lý do hành vi không cấu thành tội phạm. Vợ mới sinh con nên mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình đều trông cậy vào công việc lái sà lan của anh. Được đình chỉ điều tra nhưng anh Thanh vẫn là người liên quan trong vụ án nên anh phải tới lui hầu tòa. Chừng vụ án khép lại, anh Thanh lại kiên nhẫn gửi đơn yêu cầu xin lỗi, bồi thường. Thay vì gửi công văn trả lời thì anh tiếp tục bị thẩm phán “hành” đi tới đi lui.

“Tôi đề nghị thẩm phán gửi công văn trả lời qua bưu điện nhưng họ không làm, cứ bắt tôi phải lên tòa nhận. Phải chi họ thông báo ngày giờ tổ chức xin lỗi đã đành, đằng này khi thì tòa bảo đang yêu cầu khởi tố tôi lại, khi thì bảo xin ý kiến cấp trên. Tòa làm tôi hoang mang quá” - anh Thanh than phiền.

Tương tự, bà Huỳnh Thị Tú Anh trước đây bị VKSND TP Phan Thiết, Bình Thuận truy tố, phê chuẩn lệnh bắt giam oan hơn 15 tháng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bà Anh cho biết từ tháng 11-2016, sau khi VKSND TP Phan Thiết thừa nhận đã truy tố oan, bà đã làm đơn yêu cầu xin lỗi nhưng đến nay VKS này vẫn chưa thực hiện.

“Họ bảo tôi làm đơn yêu cầu được xin lỗi công khai nhưng không thực hiện khiến công việc làm ăn của tôi vô cùng khó khăn. Trước khi bị bắt giam, tôi là chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở cá hấp với hơn 30 công nhân ở thị xã La Gi. Khi tôi bị bắt giam, cơ sở phải đóng cửa, công nhân bỏ đi hết. Ra tù, muốn vực dậy cơ sở nhưng vô cùng khó khăn vì nhiều người vẫn cho rằng tôi phạm tội lừa đảo nên quay lưng, không thèm làm ăn. Tại sao họ không tổ chức xin lỗi tôi ngay để tôi còn làm ăn mà lại đề nghị viết đơn yêu cầu xin lỗi rồi để đó? Một lời xin lỗi người đã bị mình làm cho điêu đứng, khánh kiệt khó lắm hay sao?” - bà Tú Anh bức xúc.

Thấy nhiêu khê nên bỏ luôn

Ngày 1-6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Mai Văn Hà, người bị VKSND huyện Bắc Bình, Bình Thuận truy tố oan, cho biết ông đã nhận 330 triệu đồng bồi thường cho 21 tháng bị giam oan.

Bà Trần Thị Huệ vẫn chưa làm đơn yêu cầu xin lỗi, bồi thường. Ảnh: N.NGA

Trước đó ông yêu cầu cơ quan làm oan phải bồi thường cho ông hơn 1 tỉ đồng. Theo ông Hà, trước khi nhận tiền bồi thường, VKSND huyện Bắc Bình đề nghị ông phải làm đơn yêu cầu xin lỗi. “Dù thấy vô lý vì tôi đã bị oan mà còn phải làm đơn yêu cầu này nọ nữa nhưng tôi vẫn làm đơn gửi. Thế nhưng sau đó tôi chờ mãi mà vẫn chưa thấy họ thực hiện”.

Ông Hà kể ông bị bắt giam oan vào tháng 9-2010 về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đến năm 2012 ông mới được cho tại ngoại. Sau đó VKSND huyện Bắc Bình đã ra quyết định đình chỉ điều tra ông với lý do “do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” để né xin lỗi, bồi thường oan.

“Mãi đến tháng 11-2015, nhờ Pháp Luật TP.HCM và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đấu tranh quyết liệt tôi mới được minh oan. Đến đầu năm 2017, họ mới mời tôi lên xuống nhiều lần để đặt vấn đề xin lỗi. Do thấy đi lại quá tốn kém tiền bạc, thời gian nên tôi chấp nhận khỏi xin lỗi. Lần này họ yêu cầu tôi làm lá đơn khác xác nhận không yêu cầu xin lỗi” - ông Hà kể.

Phải chủ động xin lỗi mới đúng đạo lý

Người bị oan phản đối việc có đơn mới được xin lỗi ảnh 3

Việc phục hồi danh dự cho người bị oan trong tố tụng hình sự nên là việc cần làm ngay sau khi đã chính thức có bản án, quyết định thừa nhận việc làm oan của cơ quan có thẩm quyền. Bởi lẽ sau thời gian vướng vòng tố tụng oan trái, người bị oan cần thiết phải được lấy lại danh dự mà họ vốn có để hòa nhập cộng đồng, tiếp tục sinh hoạt, học tập và làm việc bình thường.

Về thời hạn và thủ tục, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành quy định tại Điều 51 rằng người bị thiệt hại có quyền yêu cầu khôi phục danh dự trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật. Theo tôi, cần sửa đổi nội dung này thành ngay sau khi có các quyết định thừa nhận việc làm oan (như quyết định đình chỉ vì không chứng minh được tội phạm, đình chỉ vì hành vi không cấu thành tội phạm hoặc bản án tuyên người bị truy tố không phạm tội) thì cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường oan phải chủ động liên hệ để xin lỗi người bị oan, trừ khi người bị oan từ chối bằng văn bản.

Theo tôi, quy định như vậy sẽ ổn hơn về mặt pháp lý và cả đạo lý. Về pháp lý, chỉ cần quyết định đình chỉ với các lý do nêu trên thì tức là cơ quan chức năng đã thừa nhận làm oan, song song đó là nghĩa vụ giải quyết việc bồi thường. Về đạo lý, đã làm oan, làm sai thì phải chủ động việc xin lỗi và mong được chấp nhận lời xin lỗi, chứ không thể để người bị mình làm oan phải có đơn, phải đòi thì mình mới xem xét rồi quyết định việc xin lỗi.

ThS NGUYỄN TRƯƠNG TÍN, ĐH Luật TP.HCM

Sao phải đi đòi cái việc đương nhiên?

Tôi không bao giờ nhất trí với việc người bị oan phải làm đơn thì mới được xin lỗi. Cơ quan nhà nước gây ra oan sai thì phải chủ động tổ chức xin lỗi. Chẳng hạn như tôi từ một người vô tội bỗng dưng chịu 11 năm ngồi tù với bản án tử hình oan, rồi sau đó bắt tôi phải có đơn để được xin lỗi là điều không hợp lý. Mình là người bị Nhà nước gây thiệt hại nhưng chẳng lẽ chính mình lại là người phải đi đòi xin lỗi, đòi cái việc mà đương nhiên mình phải được nhận.

Người bị oan phản đối việc có đơn mới được xin lỗi ảnh 4

Vợ chồng ông Hàn Đức Long trước giờ được xin lỗi oan.  Ảnh: TP

Khi tôi bị bắt, họ bắt công khai, cả làng cả nước biết tôi là kẻ giết người, hiếp dâm. Vậy khi tôi được minh oan thì phải công khai xin lỗi. Với tôi, xin lỗi công khai vô cùng quan trọng, nó lấy lại danh dự cho tôi và dòng họ tôi. Thời điểm được về nhà, dân làng cho rằng tôi mới chỉ được tạm tha, có thể bị bắt bất cứ lúc nào nhưng sau khi được xin lỗi công khai thì mọi người đều đã hiểu.

Ở vùng nông thôn, nhất là những nơi như nhà tôi, hiểu biết pháp luật rất kém. Khi được tự do, tôi biết đến ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) cũng là người bị oan và được Nhà nước tổ chức xin lỗi công khai. Khi đó tôi cứ nghĩ rằng mình cũng sẽ tự được như vậy nên cứ chờ. Đến khi có luật sư tư vấn rằng phải có đơn đề nghị xin lỗi thì mới được xin lỗi. Lúc này tôi mới vỡ lẽ. Nếu trong trường hợp này tôi không nhờ luật sư, không được họ chỉ đường, chắc có lẽ tôi không bao giờ biết được điều đó và chưa chắc đã được tổ chức xin lỗi như vừa qua.

Nói tóm lại, theo tôi khi đã gây oan sai cho người dân, Nhà nước nên chủ động xin lỗi chứ đừng để người dân phải có đơn yêu cầu thì mới được xin lỗi.

Ông HÀN ĐỨC LONG, quê Bắc Giang, bị ngồi tù oan
11 năm  với mức án tử hình

Tuyến Phan ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm