Quốc hội đang thảo luận về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Vấn đề gây nhiều tranh cãi là dự luật bắt người bị oan phải có đơn yêu cầu thì cơ quan làm oan mới xin lỗi. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng quy định này không hợp lý, khộng thuận với lẽ thông thường trong cuộc sống.
Trên thực tế, dù người bị oan có đơn yêu cầu nhưng chưa chắc cơ quan làm oan có thiện chí tổ chức xin lỗi ngay. Dưới đây là tâm sự của hai người bị oan về chuyện họ mong muốn được xin lỗi, bồi thường oan như thế nào...
Do bị liệt một chân, đi lại khó khăn nên bà Trần Thị Huệ chỉ mong cơ quan có trách nhiệm chủ động xin lỗi. Ảnh: NGÂN NGA
'Tôi rất bận, không có thời gian làm đơn'
Tháng 7-2016, VKSND huyện Bình Chánh (TP.HCM) đình chỉ vụ án đối với bà Trần Thị Huệ. Lý do: công trình mà bà Huệ xây dựng tại thửa đất số 509 (ở huyện Bình Chánh) không phải là nhà ở nên hành vi của bà Huệ không cấu thành tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở theo Điều 270 BLHS.
Dù đã gần một năm trôi qua nhưng tới nay bà Huệ vẫn chưa làm đơn yêu cầu cơ quan này công khai xin lỗi và bồi thường oan. “Tôi quên chuyện đó rồi. Hiện tôi rất bận, không có thời gian làm đơn yêu cầu họ xin lỗi hay bồi thường gì đâu” - bà Huệ ngập ngừng.
Thấy PV nghi ngờ, lúc này bà Huệ mới thú thật: “Tôi ớn mấy ông bà làm luật lắm! Họ để cho mình yên là khỏe rồi. Đấu với họ đau não quá, cô à”.
Nghe PV nói Quốc hội đang họp góp ý sửa đổi luật theo hướng không cần phải có đơn yêu cầu, các cơ quan làm oan vẫn phải chủ động xin lỗi, bà Huệ mừng rỡ nói: "Họ là người nắm luật, nếu họ biết có trách nhiệm thì việc chủ động như thế rất tốt cho những người dân thấp cổ bé họng như chúng tôi”.
Anh Đặng Ngọc Thanh đã gửi đơn yêu cầu TAND huyện Châu Thành, Long An xin lỗi, bồi thường oan nhưng tòa này viện đủ lý do để trì hoãn xin lỗi, bồi thường. Ảnh: NGÂN NGA
Đã gửi đơn nhưng bị trì hoãn xin lỗi, bồi thường
"Vụ án đang trong vòng tố tụng, tòa đang xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên…" là lý do mà TAND huyện Châu Thành, Long An nêu ra để trì hoãn công khai xin lỗi và bồi thường oan cho anh Đặng Ngọc Thanh. Trước đó, tòa này từng kết án oan anh Thanh bảy năm tù.
Anh Thanh bị khởi tố năm 2013 rồi bị bắt tạm giam bảy tháng. Mãi đến tháng 10-2015 anh Thanh mới được đình chỉ điều tra với lý do hành vi không cấu thành tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy.
Vợ anh mới sinh nên chỉ ở nhà chăm con. Vì thế mọi chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình đều trông cậy vào công việc lái sà lan của anh Thanh. Được đình chỉ điều tra nhưng anh Thanh vẫn là người liên quan trong vụ án nên không biết bao nhiêu lần anh phải đi hầu hết tòa huyện tới tòa tỉnh…
Vụ án khép lại, anh lại kiên nhẫn gửi đơn yêu cầu xin lỗi. Thay vì gửi công văn trả lời thì anh tiếp tục bị thẩm phán “hành” đi tới đi lui. “Tôi đề nghị thẩm phán gửi công văn trả lời qua bưu điện nhưng họ không làm, cứ bắt tôi phải lên tòa nhận. Phải chi họ thông báo ngày giờ tổ chức xin lỗi đã đành, đằng này khi thì tòa bảo đang yêu cầu khởi tố tôi lại, khi thì bảo xin ý kiến cấp trên. Tòa làm tôi hoang mang. Tôi đi lái sà lan thuê cho người ta, cứ xin nghỉ hoài, ảnh hưởng tới tiến độ công việc của họ nên người ta cứ cự nự hoài” - anh Thanh than phiền.
PV hỏi: “Giả sử mai mốt anh không phải làm đơn yêu cầu mà tự động TAND huyện Châu Thành chủ động liên lạc với anh?”. “Con đường đi tìm sự trong sạch oải lắm. Được vậy thì khỏe quá!” - anh Thanh cười.