Quân đội Israel cho biết đêm 8-8, các máy bay chiến đấu của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã tấn công 12 mục tiêu dọc Dải Gaza. Một chiến đấu cơ đã phá hủy một nhà máy đang được sử dụng để sản xuất các thành phần dành cho việc xây dựng các đường hầm khủng bố dẫn tới Israel, theo RT.
Cơ quan chức năng khảo sát hiện trường nơi một tên lửa phát nổ ở TP Sderot. Ảnh: REUTERS
Các chiến đấu cơ Israel cũng tấn công một đường hầm trên bờ biển Địa Trung Hải và nhắm vào các cơ sở sản xuất vũ khí và tên lửa cùng với một khu phức hợp quân sự dùng làm nhà kho trung tâm hậu cần, IDF cho biết.
Cuộc tấn công nhằm đáp trả một cuộc tập kích tên lửa khiến hàng ngàn người Israel hoảng loạn tìm nơi trú ẩn dọc các thị trấn biên giới Gaza. Theo IDF, khoảng 70 tên lửa được phóng từ Dải Gaza nhằm vào Israel, thêm rằng hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome (Vòm Sắt) đã đánh chặn 11 tên lửa. Phần lớn tên lửa tấn công vào những khoảnh đất trống.
Người dân tụ tập khi tên lửa rơi. Ảnh: TWITTER
“Tổ chức khủng bố Hamas phải chịu trách nhiệm mọi việc cả trong và ngoài Dải Gaza, phải gánh chịu hậu quả cho những hành động khủng bố gây ra với người dân Israel” - IDF nhấn mạnh.
IDF đã đăng tải một số video quay lại hiện trường các vụ tấn công tên lửa từ với ít nhất 17 người được điều trị do bị thương và bị sốc, Jerusalem Post cho hay. TP Sderot là nơi chứng kiến vụ tấn công tên lửa hôm 8-8 với ít nhất bốn tên lửa rơi xuống đây.
Một xe hư hỏng vì bị tấn công tên lửa. Ảnh: TWITTER
Những hình ảnh được lực lượng quốc phòng Israel (IDF) đăng trên Twitter cho thấy một tên lửa bay trên đầu, trong khi các em học sinh la hét bỏ chạy. Hình ảnh khác dường như cho thấy một chiếc xe bị hư hỏng và khói bốc lên từ một ngôi nhà.
Hamas phóng tên lửa vào Israel sau khi một xe tăng của IDF tấn công một cơ sở Hamas ở Gaza ngày 7-8, được cho giết chết hai thành viên của đơn vị tinh nhuệ al-Nukhba của Hamas và làm bị thương sáu người. IDF sau đó nói rằng vụ việc là do hiểu lầm vì xe tăng đáp trả hỏa lực từ một nghi lễ và không cố ý nhắm vào binh sĩ.
Ngày 8-8, xe tăng IDF tiếp tục tấn công các mục tiêu của Hamas ở Dải Gaza sau khi một số tay súng nã đạn vào xe dân sự có liên quan đến một công trình xây dựng rào chắn dọc biên giới. Theo các báo cáo, không có ai bị thương.
Israel và các phiến quân ở Gaza thường xuyên nã đạn pháo qua lại trong những tháng gần đây. Hồi tháng 5, hơn 100 quả rocket được phóng từ Gaza trong một vụ leo thang tồi tệ nhất kể từ 2014. Sau vụ tấn công tên lửa này, Israel và Gaza cuối cùng cũng đạt được một lệnh ngừng bắn dù không dễ dàng do Ai Cập làm trung gian. Dẫu vậy, các vụ phóng tên lửa và trả đũa bằng những trận không kích giữa hai bên vẫn tiếp diễn.
Tiêm kích F-15 của Không quân Israel. Ảnh: AP
Quân đội Israel và Hamas cả hai cho hay họ đang làm việc hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn dù rằng những vụ phóng tên lửa tiếp diễn có thể làm suy giảm những nỗ lực. Tính đến sáng 9-8, còi báo động tiếp tục hú vang ở các khu vực cộng đồng biên giới Israel.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã hủy chuyến thăm Colombia nhằm họp bàn với các quan chức an ninh về đàm phán ngừng bắn. Tuy nhiên, Israel dường như đang tính hướng tới thỏa thuận trao đổi với Hamas thay vì lệnh ngừng bắn toàn diện bởi những nghị quyết trong quá khứ thường sụp đổ.
Theo Haaretz, nguồn tin từ quan chức Israel tuần trước nói rằng đối thoại ngừng bắn sẽ không thành công nếu các thi thể binh sĩ của Israel và hai dân thường Israel đang bị Hamas giữ lại không được trao trả.
Trong khi đó một quan chức Hamas nói với hãng thông tấn Anadolu hôm 7-8 rằng hai bên dự kiến ký một thỏa thuận vào cuối tháng 8, trong đó sẽ gỡ bỏ lệnh cấm vận về việc nhập hàng hóa vào Dải Gaza nhằm đổi lấy lệnh ngừng bắn 5 năm và trao trả tù binh Israel.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel tháng trước cho hay chỉ có cửa khẩu Keren Shalom – cổng thương mại duy nhất giữa Israel và Dải Gaza sẽ được mở lại nếu hòa bình trở lại. Cửa khẩu Keren Shalom bị đóng nhằm phản ứng trước vụ bóng cháy được thả vào lãnh thổ Israel gây thiệt hại.
Cả Liên Hiệp Quốc và Ai Cập vẫn chưa thảo luận không khai các kế hoạch nối lại lệnh ngừng bắn ở Gaza, song cam kết sẽ cứu trợ kinh tế cho hai triệu cư dân ở Gaza lâm vào cảnh khó khăn, thiếu thốn do lệnh phong tỏa. Đặc phái viên Mỹ Jason Greenblatt- người cũng tham gia các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine, cáo buộc Hamas là bên làm leo thang bạo lực.
Nhóm phiến quân Hồi giáo Hamas nắm quyền kiểm soát Dải Gaza kể từ khi Israel rút khỏi khu vực này năm 2005. Kể từ đó, Hamas tiến hành ba cuộc chiến với Israel, gần đây nhất là năm 2014. Trận chiến này khiến hàng ngàn người chết và bị thương, phần lớn Dải Gaza bị phá hoại.