Người dân, nhà kinh doanh gồng mình gánh lãi vay cũ cao

(PLO)- Trong khi mặt bằng lãi suất cho vay mới đã giảm khá mạnh thì lãi suất đối với những khoản vay cũ vẫn cao ngất ngưởng, đè nặng lên vai doanh nghiệp và người dân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới hiện ở mức khoảng 6,4%/năm, giảm 0,7%/năm so với cuối năm ngoái nhưng lãi suất đối với các khoản vay cũ hiện vẫn còn cao.

Vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Công ty Cơ khí Duy Khanh, cho biết: Hiện công ty đang có khoản vay dài hạn bảy năm tại một ngân hàng. Ban đầu mức lãi suất cho vay là 9%/năm, sau vài lần giảm kiểu “nhỏ giọt”, đến nay lãi suất vẫn ở mức 8,5%/năm.

Trong khi lãi suất cho vay mới và lãi suất huy động đang rất thấp mà lãi suất cho vay cũ đối với lĩnh vực ưu tiên (cơ khí) như vậy là quá cao, đặc biệt là ở thời điểm nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Chưa kể một ngân hàng còn yêu cầu công ty của ông Tống phải bổ sung tài sản thế chấp, nếu không sẽ bị rút bớt hạn mức cho vay vì họ lo ngại thị trường bất động sản đang bị giảm giá.

“Khoảng hai năm trở lại đây, kinh doanh khó khăn, doanh thu giảm rất nhiều nhưng công ty của tôi vẫn gồng mình trả lãi không thiếu một ngày nào. Nhưng lợi nhuận làm ra chỉ đủ bù đắp lãi vay ngân hàng” - ông Đỗ Phước Tống nói.

Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa - Cao su TP.HCM, cho biết: Hiện nay ngân hàng đang giảm mạnh lãi suất đối với các khoản vay mới nhưng với khoản vay cũ lãi suất vẫn cao. Ví dụ hiện nay công ty còn một khoản vay ngắn hạn với lãi suất 8,5%/năm, nay giảm xuống còn 6,5%/năm nhưng khoản vay dài hạn vẫn treo ở mức 11,2%/năm mà không hề được giảm. Hỏi lý do không giảm lãi suất cho vay dài hạn, phía ngân hàng nói rằng “cần có độ trễ” nhưng độ trễ là bao lâu thì họ không nói.

Lãi suất
Doanh nghiệp đang rất cần nguồn vốn giá rẻ để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ảnh: QUANG HUY

“Với các doanh nghiệp, các khoản vay dài hạn là để đầu tư lâu dài, mà lãi suất cao như vậy thì làm sao có lợi nhuận. Thực ra khi có đơn hàng, lãi suất cho vay không phải là vấn đề quá lớn đối với doanh nghiệp nhưng vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay là tìm kiếm đơn hàng. Cho nên trong khi chờ đợi đơn hàng, rất cần các ngân hàng đồng hành, hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, qua đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí để có thể tồn tại được” - chủ tịch Hiệp hội Nhựa - Cao su TP.HCM kiến nghị.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Tô Thị Tường Lan cũng phản ánh: Trong năm 2022, lãi suất cho vay bằng USD chỉ khoảng 2%/năm, sau đó tăng dần lên 4%/năm và đến nay vọt lên mức 5,5%-6%/năm. Trong khi đó, tỉ giá liên tục biến động mạnh trong thời gian gần đây gây bất lợi đối với những công ty đang vay bằng ngoại tệ.

Thủ tướng yêu cầu công khai lãi suất, giảm lãi vay

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 32 yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện công khai mặt bằng lãi suất cho vay trước ngày 10-4. Tổ chức nào không thực hiện thì thống đốc NHNN xử lý nghiêm theo thẩm quyền và công khai theo quy định của pháp luật.

Mới đây, một số ngân hàng đã công bố lãi suất cho vay trung bình, trong đó có ngân hàng cho vay với lãi suất trung bình chỉ 6,3%/năm nhưng cũng có ngân hàng có lãi suất cho vay trung bình gần 10%/năm.

“Còn với những đơn vị kinh doanh đang vay bằng VND cũng phải chịu lãi suất 8%-8,5%/năm và đây cũng là một mức lãi suất vượt quá khả năng chi trả” - bà Lan nói.

Trong khi đó, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Long Sơn, đánh giá hiện lãi suất cho vay dài hạn vẫn cao, ngay cả vay 12 tháng cũng không hề thấp. Nhưng lãi suất cho vay ngắn hạn lại rất thấp, chỉ 4,5%-5,5%/năm, thậm chí có nơi cho vay ngắn hạn chỉ 4%/năm.

Cần bao lâu để lãi suất khoản vay cũ xuống dốc?

Lý giải vì sao lãi suất cho vay mới giảm mạnh nhưng đối với các khoản vay cũ lãi suất vẫn quá cao, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần phân tích: Năm ngoái, sau sự kiện của SCB, hệ thống các ngân hàng thương mại đua nhau tăng lãi suất huy động, có nơi lên đến 9%-10%/năm để thu hút khách hàng gửi tiền. Ở thời điểm đó, rất nhiều khách hàng chọn gửi kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng và đến nay các ngân hàng vẫn đang phải trả mức lãi suất tiền gửi cao như cam kết.

“Điều này có nghĩa là nguồn vốn huy động ở mức giá cao này phải “vắt” sang đến cuối năm 2024, thậm chí sang đến giữa năm 2025 mới hết. Do đó, dù hiện nay đã là đầu quý II-2024 nhưng rất nhiều ngân hàng vẫn còn nguồn vốn huy động giá cao từ đầu năm 2023. Tuy nhiên, áp lực này sẽ giảm dần, qua đó ngân hàng cũng sẽ giảm dần lãi suất cho vay dài hạn cho khách hàng” - vị lãnh đạo ngân hàng này lý giải.

Vậy câu hỏi đặt ra là cần độ trễ bao lâu để giảm lãi suất cho vay với khoản vay cũ, vị lãnh đạo ngân hàng này cho biết: Điều này phụ thuộc vào từng ngân hàng. Nếu đầu năm 2023, ngân hàng nào đẩy mạnh quá nhiều vào sản phẩm cho vay trung và dài hạn thì đương nhiên cũng phải tăng mạnh lãi suất huy động dài hạn, đến bây giờ đang miệt mài trả lãi cho nguồn vốn giá cao. Song với ngân hàng mà thời điểm đó không đặt mục tiêu huy động thời hạn dài thì bây giờ sẽ nhẹ gánh hơn. Có thể nói bài toán giá vốn của ngân hàng không đơn giản như một cửa hàng là sáng nhập - chiều bán ra mà nguồn vốn ngân hàng phải có lộ trình giảm từ từ.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định hiện nguồn vốn trong ngân hàng rất dồi dào, đảm bảo thanh khoản đầy đủ, thậm chí dư dả. Đặc biệt, hiện lãi suất đã ở mức thấp nhất trong 20 năm qua, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn làm ăn.

Tuy nhiên, thực tế còn một số ngân hàng thương mại khoản vay cũ mà lãi suất vẫn còn cao thì cần phải có tác động của dư luận xã hội. Về phía NHNN cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phải công bố lãi suất cho vay bình quân để người dân lựa chọn vay của ngân hàng có lãi suất thấp.

“Từ cuối năm 2023 đến nay, NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí, lợi nhuận để hạ thấp lãi suất cho vay, kể cả các khoản cho vay mới và cũ” - ông Tú cho hay.

Chủ yếu cho vay vốn lưu động, ngắn hạn

Nhiều doanh nghiệp phản ánh hiện các ngân hàng sẵn sàng cho vay, song chủ yếu cho vay vốn lưu động, ngắn hạn, còn cho vay đầu tư vào trung và dài hạn lại khó. Không chỉ vậy, lãi suất các khoản vay cũ không giảm hoặc chỉ giảm “nhỏ giọt”.

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đề nghị hạ lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ, giảm sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Đồng thời, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục nhằm tăng khả năng tiếp cận cho vay và đẩy mạnh tín chấp.

w-P11-vay-von.jpg
Công khai lãi suất cho vay và giảm lãi suất sẽ giúp khách hàng mạnh dạn đầu tư.
Ảnh: NGUYỆT NHI

Lãi suất có đang thấp nhất lịch sử?

GS-TS Phạm Thị Thanh Xuân, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho rằng: Thời gian qua chúng ta nghe nói nhiều đến cụm từ “lãi suất đang ở mức thấp nhất trong lịch sử”. Tuy nhiên, nhìn vào dữ liệu thống kê từ năm 2000 trở lại đây, tôi thấy mức lãi suất hiện nay mới chỉ ở mức thấp tương đối, chứ không phải là thấp nhất.

“Hơn nữa, quan sát chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay, tôi thấy rằng biên lợi nhuận vẫn dao động 3%-4%, không thay đổi nhiều so với trạng thái bình thường của nền kinh tế” - GS-TS Xuân nói.

Bà Xuân cũng cho rằng khi ngân hàng công khai lãi suất cho vay sẽ giúp người vay nhận thấy lãi suất danh nghĩa giảm và kỳ vọng lãi suất hiệu dụng (được tính gộp từ lãi suất danh nghĩa và các loại thuế, phí liên quan) cũng sẽ giảm theo.

“Từ bây giờ người vay có một khung tham chiếu để nhận biết ngân hàng nào đang cho vay cao, ngân hàng nào đang cho vay thấp để đưa ra các quyết định tài chính của mình” - GS-TS Xuân nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm