Nói đến vùng đất Láng ngựa ai cũng biết đấy là khu nghĩa địa từ hơn 100 năm nay của làng Bình Quý, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước, Ninh Thuận). Buổi chiều, theo chân anh Võ Đức Khang, Chủ tịch UBND thị trấn, chúng tôi đi xuyên qua con đường ngoằn ngoèo, mấp mô giữa những ngôi mộ cũ, mộ mới. Nắng chiều rưng rưng trên nghĩa trang quạnh quẽ. Điểm đến của chúng tôi là một ngôi nhà tuềnh toàng xây bằng táp lô xiêu vẹo.
Trên chiếc chiếu cũ trước nhà, anh Võ Thùy Lam mới chỉ 47 tuổi mà nét mặt đã khắc khổ như một người già. Anh rưng rưng kể lại: “Lúc cầm tờ kết quả xét nghiệm K phổi (P) giai đoạn IV tôi như chết lặng, trời đất tối sầm. Tôi đã muốn đâm đầu vào xe chết luôn cho khỏi khổ vợ con.”
Anh Lam sa sút thể thất từ khi mắc bệnh. Ảnh: T. Sơn
Những ngày đầu tiên nhận tin, không khí trong nhà anh như có đám tang, chỉ trong hai ngày anh sút đi 3 kg. Tối đến, hòa trong tiếng thở dài của anh là tiếng thút thít của chị Hạnh, người vợ bị bệnh co rút các ngón tay không làm được việc nặng mà anh đang chăm sóc.
Con gái lớn của anh chị đang học ĐH Nông Lâm năm cuối, hết giờ học về nhà em phải thay ba làm những công việc của người đàn ông như cuốc đất, cột cành cho vườn táo… Con trai út năm nay học lớp 12 cũng cố gắng phụ cha mẹ cắt cỏ, kiếm lá nuôi dê.
Người con trai thứ hai, trung sĩ Võ Trường An hiện là khẩu đội trưởng súng cối 60 ly, đang là quân nhân tại ngũ tại lữ đoàn 146 thuộc vùng 4 Hải quân là đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa. Một lần tranh thủ về thăm nhà, anh dúi cho mẹ mấy trăm ngàn, ôm ba nghẹn ngào nói: "Đơn vị con đang trong thời gian trực chiến, con không ở nhà lâu được. Ba ráng chữa bệnh, một năm nữa con về con chăm sóc ba mẹ".
Rồi cả nhà gom góp tiền cho anh vào TP.HCM xạ trị lần thứ nhất, đó là những ngày khó khăn mà anh chưa từng nếm trải. Ngày nào cũng ăn cơm cháo từ thiện, cố gắng chịu đựng chỉ mong hết bệnh để về chăm sóc vợ, nuôi con ăn học.
Bác sĩ dặn còn hơn 10 đợt xạ trị nữa kết hợp uống thuốc hằng ngày. Mỗi ngày mấy trăm ngàn tiền thuốc là quá sức đối với anh. Chị Hạnh buồn bã: “Cực chẳng đã mới ra nghĩa địa ở. Nhà chỉ có một sào táo trồng trên đất xấu, năng suất rất thấp. Còn mấy con dê sắp phải bán nốt để đầu tháng 10 anh xạ trị tiếp đợt 2.”
Ngôi nhà trong nghĩa địa của gia đình anh. Ảnh: T.Sơn
Chúng tôi ái ngại nhìn căn nhà 16 m2 cho 4 người lớn sống chen chúc, đồ đạc thì ít mà cái nào cũng cũ mòn, điện dùng phải câu nhờ, nước thì lấy từ cái giếng đào sát nghĩa địa.
Rất mong những tấm lòng hảo tâm cùng chia sẻ để giúp đỡ gia đình anh Lam vượt qua những khó khăn này.
Bạn đọc giúp đỡ anh Lam xin gửi về báo Pháp Luật TP.HCM, số tài khoản: 1607201005173, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Phan Đình Phùng. Khi chuyển khoản vui lòng ghi tên người gửi và nội dung: “Giúp anh Võ Thùy Lam”. |