Người điếc có bị thu hồi giấy phép lái xe đã được cấp?

(PLO)- Theo luật sư, hiện luật chưa có quy định về việc thu hồi giấy phép lái xe đối với trường hợp người đã được cấp giấy phép mà sau đó bị khuyết tật, không còn đủ điều kiện sức khỏe.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25-6, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 7 thuộc Phòng 8, Cục CSGT (Bộ Công an) đã mời những người liên quan trong vụ tài xế xe tải không những không nhường đường mà còn lấy dao ra đe dọa tài xế xe cứu thương vào trưa 22-6 trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận đến trụ sở để làm việc.

Tại đây, tài xế xe tải là ông Dương Minh Thảo (47 tuổi, ngụ tỉnh Long An; biệt danh Hòa “điếc”) thừa nhận hành vi vi phạm như chạy xe vào làn dừng khẩn cấp trên cao tốc, không nhường đường cho xe ưu tiên và chấp nhận bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính.

Tài xế xe tải làm việc với CSGT và thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Ảnh: CACC

Tài xế xe tải làm việc với CSGT và thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Ảnh: CACC

Trong vụ việc trên, cái sai của ông Thảo đã bị xử lý nhưng từ đó, nhiều bạn đọc thắc mắc người bị điếc nói riêng và người khuyết tật nói chung có được học và thi lấy giấy phép lái xe (GPLX) hay không? Trường hợp bị khuyết tật sau khi cấp bằng thì xử lý ra sao?

Được học và thi lấy GPLX hạng A1, B1

Trao đổi về vấn đề này, ThS Trần Kim Lanh cho biết khoản 2 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe.

Như vậy, người bị điếc vẫn có thể thi lấy GPLX. Tuy nhiên, phải dựa vào tình trạng sức khỏe để xác định người này có thể thi những loại GPLX nào.

Cụ thể, theo khoản 25, 26 Điều 1 Thông tư 38/2019 của Bộ GTVT (sửa đổi, bổ sung Thông tư 12/2017 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ) thì người bị điếc nếu đáp ứng được các yêu cầu sức khỏe khác thì có thể được cấp GPLX hạng A1 đối với mô tô ba bánh; hạng B1 (số tự động) đối với ô tô dùng cho người khuyết tật.

Ngoài ra, căn cứ các tiêu chuẩn sức khỏe về tai mũi họng của người lái xe, được quy định tại Mục IV Phụ lục số 1, ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 24/2015 của Bộ Y tế và Bộ GTVT thì đối với các hạng A1 và B, không có quy định tiêu chuẩn về tai mũi họng để được lái xe.

“Do đó, trường hợp bị điếc mà đủ các điều kiện sức khỏe khác thì vẫn được học và thi lấy GPLX hạng A1, B1 như trên” - ThS Kim Lanh nói.

Người bị khuyết tật vẫn có thể được cấp GPLX hạng A1 đối với mô tô ba bánh, hạng B1 (số tự động) đối với ô tô dùng cho người khuyết tật.

Bằng lái xe có bị thu hồi?

Mở rộng vấn đề, ThS - luật sư (LS) Nguyễn Đức Thắng Ý, Đoàn LS TP.HCM, cho biết: Hiện luật chưa có quy định về việc thu hồi GPLX đối với trường hợp trước khi cấp GPLX, tài xế có sức khỏe bình thường nhưng sau khi có GPLX thì vì một số nguyên nhân dẫn đến bị các bệnh lý về mắt, tai mũi họng… hoặc khuyết tật một bộ phận nào đó trên cơ thể, không còn đủ điều kiện sức khỏe nữa.

Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 46 của dự thảo Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ (hiện chưa được thông qua) có quy định: Người được cấp GPLX không đủ điều kiện sức khỏe theo kết luận của cơ quan y tế đối với từng hạng thì sẽ bị thu hồi GPLX.

“Như vậy, nếu dự thảo luật trên được thông qua thì những người đã được cấp GPLX nhưng sau đó không còn đủ điều kiện sức khỏe theo kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền đối với từng hạng GPLX thì sẽ bị thu hồi GPLX” - ThS-LS Ý nói.

Điều khiển xe không bằng lái có thể bị xử lý hình sự

Trong trường hợp đã bị thu hồi GPLX mà tài xế vẫn cố tình lái xe tham gia giao thông thì hành vi này là vi phạm pháp luật.

Tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi trên gây ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019) quy định mức phạt đối với trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ nhưng không có bằng lái xe như sau:

- Phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự mô tô.

- Phạt tiền 4-5 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, mô tô ba bánh.

- Phạt tiền 10-12 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô.

Trong trường hợp người lái xe mà không có GPLX phù hợp với loại xe theo quy định, dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho người khác như gây thương tích, làm chết người… sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, người vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại theo các nguyên tắc của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm