Tại buổi gặp gỡ của Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân với các giới đồng bào Hoa sinh sống trên địa bàn thành phố sáng 6/6, nhiều đại biểu đã mạnh mẽ phản đối Trung Quốc không chỉ việc đặt trái phép đặt giàn khoan Hải Dương 981 mà còn leo thang bạo lực trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Ông Huỳnh Tín Minh, thành viên Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến khối người Hoa TP HCM bày tỏ bức xúc: "Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển chủ quyền Việt Nam và dùng bạo lực để bảo vệ giàn khoan, đe dọa ngư dân và lực lượng chấp pháp Việt Nam là thái độ không có văn minh, văn hóa, không có tinh thần hòa hiếu", ông Minh nói.
|
Chủ tịch UBND TP HCM gặp gỡ các giới đồng bào dân tộc Hoa trên địa bàn sáng 6/6. Ảnh:Trung Sơn |
Ông Minh cũng cho rằng, trong thế giới văn minh không thể chấp nhận chuyện quốc gia này ngang nhiên giẫm đạp lên chân lý, luật pháp quốc tế và đơn phương dùng vũ lực để ép buộc quốc gia khác. "Là một người Hoa trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, tôi cực lực phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc đối với đất nước Việt Nam. Trung Quốc cưỡng đoạt chủ quyền của Việt Nam là hành động sai lầm", ông Minh nói.
Tại buổi gặp gỡ, nhiều người Việt gốc Hoa khác bày tỏ vui mừng khi cho biết Đảng và Nhà nước luôn tạo điều kiện cho cộng đồng người Hoa sinh sống, làm việc, học tập. Cộng đồng người Hoa sẵn sàng góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, sẵn sàng góp sức cùng cả nước phản đối việc làm sai trái của Trung Quốc.
"Tiếng nói của tôi là tiếng Việt Nam chứ không phải là tiếng Trung Quốc. Tôi mong muốn chính quyền địa phương tuyên truyền hơn nữa để cộng đồng các dân tộc khác thấu hiểu rằng, cộng đồng người Hoa là một bộ phận của dân tộc Việt Nam”, ca sĩ gốc Hoa Huỳnh Lợi chia sẻ.
Nói với đồng bào người Hoa tại TP HCM, Chủ tịch Lê Hoàng Quân khẳng định, theo Chỉ thị số 62 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa 7, người Hoa là công dân Việt Nam, có quốc tịch Việt Nam, không phải là Hoa kiều, không phải là người Trung Quốc. "Hiện nay, tuy chiếm 10% dân số thành phố nhưng cộng đồng người Hoa đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thành phố trên nhiều lĩnh vực", ông Quân đánh giá.
Người đứng đầu chính quyền TP HCM cho biết, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng bào Hoa cũng có nhiều đóng góp và hy sinh to lớn. Thành phố có 7 bà mẹ người Hoa được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 300 người hy sinh trong kháng chiến được công nhận liệt sĩ... Bên cạnh đó, những năm gần đây, đội ngũ các nhà doanh nghiệp người Hoa ngày một đông đảo và phát triển lớn mạnh, đặc biệt xuất hiện nhiều doanh nghiệp trẻ người Hoa có trình độ, đi đầu trong việc đổi mới công nghệ, chủ động sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu có uy tín trong và ngoài nước.
Theo vị Chủ tịch thành phố, trong thời gian qua, cuộc sống và các hoạt động về kinh doanh, sản xuất, văn hóa, xã hội của đồng bào Hoa luôn được chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện. Việc đảm bảo an sinh, đời sống của những hộ nghèo, người lao động trong cộng đồng người Hoa luôn được thành phố tích cực chăm lo. Ngoài học quốc ngữ (tiếng Việt), cộng đồng người Hoa có thể tự do học tập, sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.
Về tình hình biển Đông, Chủ tịch Lê Hoàng Quân khẳng định độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng, bất khả xâm phạm và chúng ta quyết tâm bảo vệ sự thiêng liêng đó. "Việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương 981 và một lượng lớn tàu các loại vào hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động bất hợp pháp, đi ngược lại cam kết giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và luật pháp, thông lệ quốc tế", ông Quân nhấn mạnh.
Để tạo thêm sức mạnh cho khối đại đoàn kết các dân tộc trước những khó khăn và thách thức, ông Quân bày tỏ mong muốn đồng bào Hoa biểu thị lòng yêu nước bằng cách tích cực sản xuất, kinh doanh và học tập, làm tốt nghĩa vụ công dân. "Trước những vi phạm nghiêm trọng của Trung Quốc đối với chủ quyền biển đảo của Việt Nam, lòng yêu nước chính là sự đoàn kết dân tộc", ông Quân nói.
Trong quá trình di dân từ Trung Quốc sang Việt Nam, người Hoa định cư tại Việt Nam vào những khoảng thời gian khác nhau. Riêng tại Nam Bộ và nhất là vùng đất Sài Gòn - Gia Định (nay là TP HCM), cộng đồng người Hoa đã có mặt hơn 300 năm. Trong quá trình hội nhập trải qua nhiều thế hệ, mặc dù có khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán nhưng người Hoa đã thích ứng và phát triển trong cộng đồng Hoa - Việt như người một nhà và trở thành một khối đại đoàn kết các dân tộc. |
Theo Trung Sơn (VNE)