Người thực hiện hoạt động thú y theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nếu bị lây nhiễm bệnh, bị thương, chết sẽ được xem xét hưởng chế độ, chính sách như đối với thương binh, liệt sĩ theo quy định về ưu đãi người có công với cách mạng là một trong những nội dung nổi bật tại Luật Thú y số 79/2015/QH13 vừa được công bố.
Luật cũng yêu cầu người chăn nuôi, sử dụng động vật phải đối xử nhân đạo, giảm thiểu đau đớn, sợ hãi với động vật trong chăn nuôi, vận chuyển, chữa bệnh và giết mổ động vật. Việc giết mổ động vật để kinh doanh phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y. Riêng đối với các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện khó khăn, có thể thực hiện tại cơ sở nhỏ lẻ nhưng phải đảm bảo vệ sinh thú y theo quy định.
Cơ sở sơ chế, chế biến động vật để kinh doanh phải có địa điểm, diện tích thích hợp; có các khu vực riêng biệt để ngăn ngừa ô nhiễm chéo; có hệ thống xử lý nước, chất thải bảo đảm và có trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y...
Luật nghiêm cấm mọi hành vi vứt động vật mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng, xả nước thải, chất thải mang mầm bệnh ra môi trường; giết mổ, thu hoạch động vật, sản phẩm động vật dùng làm thực phẩm trước thời gian ngừng sử dụng thuốc thú y theo hướng dẫn sử dụng; giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để kinh doanh không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và ngâm, tẩm hóa chất, đưa nước hoặc các loại chất khác vào động vật, sản phẩm động vật làm mất vệ sinh thú y...
Luật Thú y có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.