KÝ ỨC TRƯỜNG ĐUA PHÚ THỌ - BÀI 4:

Người hồi sinh trường đua

Thấy mảnh đất ở Phú Thọ hợp với việc phát triển thể thao, năm 1982, Giám đốc Sở TDTT TP.HCM Lê Bửu gặp thẳng Bí thư Thành ủy TP.HCM lúc bấy giờ là ông Võ Văn Kiệt. Nghe trình bày xong, ông Kiệt rút ngay tờ giấy trong cuốn sổ tay viết: “Đề nghị phía bên anh giao mảnh đất này cho người mang tờ giấy này”. Sau đó thì mảnh đất ở Trường đua Phú Thọ thuộc về ngành thể thao.

Lá thư tay của ông Võ Văn Kiệt

Là lãnh đạo cao nhất của ngành TDTT TP.HCM vào những năm 1980 nhưng ông Lê Bửu chẳng thích ngồi văn phòng, quạt máy, uống trà, cầm bút mà luôn xông xáo. Quần xăn ống thấp ống cao, ông đi thị sát từng khu đất khi ấy còn những bàu rau muống, sình lầy ì ạch trong đó có khu đất thể thao Phú Thọ.

Sau ngày giải phóng, khu đua ngựa Phú Thọ được giao cho quân đội. Nhìn mảnh đất quá rộng và quá đẹp lại nằm giáp giới với nhiều quận, ông Lê Bửu đã thấy ngay chiến lược phát triển thể thao.

Ông Bửu kể rằng có đất rồi giờ phải tiến hành mà vào những năm 1980 thì kinh phí nhà nước rất hạn chế. Thế mà ông vẫn xoay ra cả trăm triệu đồng để xây dựng khu thể thao cho quần chúng tập luyện, đồng thời dời Trường ĐH TDTT về đó.

Vào những năm 1982 trở về sau, các loại hình thể thao chưa nhiều ngoài việc người dân của các quận Tân Bình, 10, 11… đến Trường đua Phú Thọ để tập thể dục. Các loại hình thể thao giải trí tinh thần cho người dân thì hoàn toàn chưa có. Thế là vị giám đốc sở đưa ra một quyết định táo bạo vào tháng 3-1989 là dời môn đua ngựa từ Đức Hòa về Phú Thọ để người dân có dịp vui chơi giải trí.

Người hồi sinh trường đua ảnh 1

Lê Bửu (trái) và Bảy Đực đã giúp môn đua ngựa trở lại Trường đua Phú Thọ sau ngày đất nước thống nhất. Ảnh: XUÂN HUY

“Mối duyên” với chuyên gia Bảy Đực

Sau năm 1975, trường đua đóng cửa. Mãi đến năm 1988, từ một cuộc hội ngộ tình cờ của ông Bảy Đực với Giám đốc Sở TDTT Lê Bửu mà trường đua tái sinh và thọ thêm 22 năm nữa. Ông Bảy Đực kể: “Sau lần tui đi huấn luyện ngựa ở Campuchia, rồi về lại Việt Nam đi làm kinh tế mới. Trường đua đóng cửa đã 13 năm, tui mới ngẫm lại cuộc đời mình không có ngựa đua thì chẳng làm nên trò trống gì… Nhưng trời còn thương tui. Một bữa lang thang ở đường Hai Bà Trưng, tui tình cờ gặp ông chủ ngựa Nguyễn Minh Hoàng. Ông Hoàng mừng quá, ôm tui nghẹn ngào rồi hỏi thăm tíu tít. Ổng hỏi sao mình không mở trường đua lại? Chỉ một câu hỏi ấy, tui suy nghĩ mấy ngày, rồi quyết định đi gặp ông giám đốc Sở TDTT Lê Bửu…”.

“Bữa tui tới nhà, ông Bửu đang giặt đồ, gặp lại tui ổng mừng lắm. Ổng quệt tay vô quần cho ráo nước và chỉ hỏi một câu: “Việc đầu tiên mở trường đua là làm gì hở chú Bảy?”. Tui nghe vậy là biết ổng quyết tâm và chắc cú rồi. Sau đó, ổng nhờ một tay tui lo trường đua, còn ổng làm đơn xin ông Sáu Dân mở lại trường đua…”.

Trường đua Phú Thọ hồi đóng cửa trồng toàn rau cải nên phải dọn dẹp làm mới đường đua lại. Tiền không nhiều nhưng khéo làm thì một năm là xong. Ngày khai trương ai cũng mừng mừng tủi tủi khi nghe tiếng vó ngựa dồn dập trở lại. Biết bao chủ ngựa mừng rơi nước mắt vì cái nghề của mình không lụi tàn.

Song song với việc xây dựng một loại hình thể thao giải trí đua ngựa, cũng có những mặt trái như những cuộc sát phạt đỏ đen và việc nài ngựa, chủ ngựa bị bọn xấu mua làm độ để ngựa về ngược. Giám đốc sở Lê Bửu đã kết hợp với những tay ngựa chân chính trong đó có ông Bảy Đực để tìm biện pháp phòng ngừa.

Vài tháng sau khi khai mạc môn đua ngựa tại Phú Thọ, ông Lê Bửu đã kỷ luật và sa thải ngay chủ nhiệm câu lạc bộ đua ngựa vì đã thông đồng nài ngựa để thao túng kết quả đua có lợi cho giới cá cược. Bên cạnh đó, ông Lê Bửu còn chỉ đạo tập hợp lực lượng thanh thiếu niên lêu lổng, sống lang thang ăn theo tệ nạn ở trường đua để lo công việc và giúp có việc làm phù hợp, giúp họ có việc làm đúng nghĩa và ý nghĩa cho trường đua.

Cũng cần biết kinh phí thu hoạch ở trường đua đã góp phần lớn vào việc cải thiện đời sống của cán bộ, công nhân viên chức ngành thể thao…

Xót với hoàn cảnh các chủ ngựa bị mất việc

Dù đã về hưu nhưng ông Lê Bửu vẫn quan tâm đến hoạt động của ngành thể thao. Ông cho rằng đua ngựa là một trong những loại hình giải trí có thưởng mà không thể dẹp bỏ được. Ông phân tích việc dẹp bỏ đua ngựa sẽ sinh ra hàng loạt các vấn đề xã hội khi hàng ngàn con người ở Hóc Môn, Củ Chi, Long An… bao đời nay sống bằng nghề nuôi ngựa, cắt cỏ ngựa, chăm sóc ngựa, cung cấp ngựa cho trường đua… và không thể cắt ngang mà làm ảnh hưởng đến những con người sống bằng nghề truyền thống quanh năm trông chờ vào ngựa đua.

Chúng tôi hỏi vậy theo quan điểm của ông là nên xóa hẳn hay không, ông Lê Bửu cho biết: “Không nên xóa hẳn nhưng dời đi nơi khác là điều cần thiết”. Ông phân tích: “Bây giờ xung quanh Trường đua Phú Thọ đã là những khu dân cư sầm uất nên không thể để loại hình mang tính cá cược này tồn tại cận khu dân cư vì như thế sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Ví dụ như hàng trăm trẻ em bỏ học, tha hóa khi cứ tìm vào trường đua bị lợi dụng làm những công việc không thích hợp của tuổi cắp sách đến trường. Chưa kể biết bao nhiêu kiểu biến dạng khác ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Thứ đến nữa là môi trường, đua ngựa tạo nên những cơn bụi mịt mù, ảnh hưởng đến chất lượng không khí của dân cư. Chưa kể khi các chủ ngựa di chuyển ngựa từ các vùng lân cận vào Phú Thọ (dắt ngựa đi trên đường) đã là vi phạm luật giao thông đường bộ và có thể xảy ra nhiều tai nạn… Ông Lê Bửu vẫn giữ quan điểm đua ngựa nên tồn tại nhưng phải đưa ra ở một nơi xa trung tâm TP. Ở đó chỉ có những người thực sự thích môn này và tham gia chơi những trò chơi có thưởng từ đua ngựa mà chẳng ảnh hưởng đến cư dân xung quanh, nhất là những em nhỏ…

Môn đua ngựa ở Sài Gòn - Gia Định ra đời vào năm 1893, do các sĩ quan Pháp khởi xướng qua Hội Đua ngựa Sài Gòn. Trụ sở đầu tiên của hội rất nhỏ, nằm ở góc ngã tư Verdun với Le grand de la Liraye (nay là góc Cách Mạng Tháng Tám với Điện Biên Phủ, quận 3).

Người hồi sinh trường đua ảnh 2

Đua ngựa tại Phú Thọ qua các thời kỳ và đã biến Trường đua Phú Thọ trở thành một phần của lịch sử Sài Gòn. (Ảnh tư liệu)

Vòng đua ngựa hồi ấy được xây dựng bên trong bãi đất rộng lớn. Ở phía bên có những hàng tre gai trồng sẵn bao quanh phía đường Général Lize (gọi là Vườn Bà Lớn). Chiến tranh Thế giới lần I (1914-1918), trường đua ngựa này tạm ngưng hoạt động mãi đến năm 1920 mới bắt đầu trở lại.

P.THỌ

TẤN PHƯỚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm