Buổi sáng hôm ấy tôi bào chữa cho một bị cáo chưa thành niên ở TAND quận 7 (TP.HCM). Vừa bước ra khỏi phòng xử án, một người đàn ông trung niên nước da ngăm đen tỏ vẻ rụt rè nói: “Luật sư ơi, luật sư làm ơn giúp cho con tôi với!”. Nghe sơ qua, anh có người con trai chưa thành niên, đang bị tạm giam chờ ngày ra tòa. Do bận việc nên tôi chỉ kịp gửi lại số điện thoại cho anh.
Hai ngày sau, anh mời tôi ra quán cà phê cóc ngay bên hông chợ Xóm Chiếu, quận 4. Anh mời tôi ngồi xuống và ngại ngùng xin lỗi vì đã tiếp tôi ở một nơi “không được lịch sự cho lắm”. Sau một hồi trò chuyện, tôi ngạc nhiên khi biết con anh đã có luật sư chỉ định, vậy mà anh lại còn nhờ thêm luật sư nữa chi cho tốn kém. Anh trình bày: “Tôi đã đến gặp vị luật sư đó hai lần nhưng cách cư xử của họ làm tôi không an tâm”. Thế là anh lặn lội đến tòa xem nhiều phiên xử liên quan tới bị cáo chưa thành niên để dò tìm kiếm luật sư nhiệt tình. Và anh “kết” tôi.
Nơi anh ở là một con hẻm đi vào rất sâu, người dân ở đây hầu hết là người nghèo, cuộc sống vô cùng khó khăn. Gia đình anh cũng thuộc diện nghèo, ba đứa con đang tuổi ăn học, vợ chồng anh không có nhà riêng, phải sống chung với cha mẹ anh. Anh chạy xe ôm, thu nhập bữa có bữa không, vợ anh có một chiếc bàn nhỏ bán xôi mỗi sáng. Tôi ký hợp đồng với anh, “giá dịch vụ” là 1 triệu đồng.
Khi nhận hồ sơ ký giấy tờ bào chữa, tôi thấy lạ khi đứa con phạm tội không trùng họ với anh. Lúc này anh mới ngượng nghịu giải thích đây là con riêng của vợ “nhưng tôi luôn cố gắng trong cư xử để nó không thấy mặc cảm là đứa con riêng. Nay chỉ vì nó đua đòi với bạn bè, nghe lời xúi giục mà giật điện thoại người khác mới ra nông nỗi này. Làm sao tôi có thể bỏ nó được hả luật sư?” - vị khách hàng xe ôm nói.
Tiếp xúc với thằng nhỏ trong trại tạm giam, tôi hỏi vì sao em lại giật điện thoại (chưa đến 200.000 đồng) của một em học sinh đi xe đạp. Thằng nhỏ thú thật tất cả chỉ vì đua đòi theo bạn bè chơi game, mấy hôm trước được bạn trả tiền cho chơi nên lần này nó phải kiếm tiền để bao lại bạn... Trong phiên tòa phúc thẩm, bằng lý lẽ của mình, tôi đã bào chữa và được tòa ghi nhận giảm án cho thằng nhỏ từ hai năm tù xuống còn một năm bốn tháng tù, mức án theo tôi không thể thấp hơn...
Bảy năm qua rồi, tôi không còn lưu số điện thoại của người khách cũ. Vậy mà hôm nay anh lại gọi cho tôi để hỏi thăm sức khỏe. Anh vui vẻ khoe: “Luật sư, con trai tôi giờ nó đã lấy vợ rồi, rất tu chí làm ăn. Tôi gọi báo tin vui này cho luật sư và cám ơn luật sư, nhân tiện giới thiệu cho luật sư một “mối” khác…”.
Luật sư NGUYỄN TUẤN LỘC (Đoàn Luật sư TP.HCM)