Doanh nghiệp (DN) và cơ quan chuyên môn kêu ca rất nhiều về thông tư làm khó và gây rất nhiều tốn kém cho người kinh doanh. Bộ Công Thương hứa sẽ bỏ nhưng đến nay vẫn chưa bỏ.
Trên đây là một trong những nội dung đáng chú ý được nêu ra tại hội thảo tổng kết năm năm thực hiện Nghị quyết 19 và giới thiệu Nghị quyết 02 của Chính phủ sáng 22-1.
Quy định cũ tốn 1 tỉ, quy định mới tốn 3 tỉ
Phát biểu tại hội thảo, bà Trịnh Tú Anh, Giám đốc Công ty An Đô, đánh giá nhờ có Nghị quyết 19 về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường kinh doanh mà các DN được hưởng lợi nhiều. Tuy vậy, bà Tú Anh cho rằng việc cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn rất chậm và chưa đồng bộ.
“Giờ đã thực hiện hải quan điện tử rồi mà chúng tôi vẫn phải nộp hồ sơ giấy rất nhiều. Có khi thủ tục đã hủy trên hệ thống nhưng cán bộ vẫn bắt nộp hồ sơ giấy. Ngay cả thủ tục hoàn thuế đã điện tử hóa, DN đưa lên mạng hết rồi nhưng họ vẫn bắt nộp hồ sơ” - bà Tú Anh dẫn chứng.
Bà Tú Anh nói tiếp: “Tôi làm hoàn thuế ở Hải quan Hải Phòng, bốn lần nộp hồ sơ để được áp mã, điều chỉnh thuế từ 2017 mà mãi mới đây mới được hoàn thuế. Dĩ nhiên là phải “có tác động” mới được hoàn thuế”.
Nhưng điều mà bà Tú Anh đề cập sâu nhất là chi phí kiểm tra hàm lượng formaldehyde được quy định tại Thông tư 21/2017 của Bộ Công Thương. “Trước đây khi Bộ bãi bỏ Thông tư 37, cộng đồng DN rất vui. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang vì ngay sau đó Bộ lại ban hành Thông tư 21/2017. Thông tư này còn gây nhiêu khê, tốn kém hơn cả Thông tư 37. Trước chỉ tốn 1 tỉ thì giờ phải 3 tỉ. Khi cộng đồng DN kêu quá, Bộ ra thông tư tạm dừng thực hiện từ 1-5-2018 nhưng thực tế đến nay các DN vẫn đang phải thực hiện Thông tư 21. Do đó, Bộ Công Thương cần cải cách thủ tục để đừng gây tốn kém cho DN” - bà Tú Anh trình bày.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, một trong những người được giao soạn thảo Nghị quyết 02, giải thích: Thực ra Bộ Công Thương đã thấy Thông tư 21 là vô lý. Hồi soạn Nghị quyết 02, bộ này đề nghị ban soạn thảo không ghi đề nghị “bỏ Thông tư 21” vào nghị quyết, để bộ này tự bỏ.
“Chúng tôi thấy cũng nhân văn nên đồng ý để họ tự bỏ. Nhưng nếu đúng là Thông tư 21 vẫn đang thực hiện thì Bộ Công Thương đã không giữ lời hứa. Chúng tôi đã quá tin họ” - ông Cung nói.
Ông Nguyễn Đình Cung cho hay Bộ Công Thương đã hứa sẽ bỏ Thông tư 21/2017 nhưng không giữ lời. Bà Trịnh Tú Anh cho rằng Thông tư 21/2017 nhiêu khê, gây tốn kém cho doanh nghiệp. Ảnh: CHÂN LUẬN
Tránh tiếp xúc trực tiếp để giảm tham nhũng vặt
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định: Tuy việc cắt giảm và đơn giản hóa giấy phép con có nhiều tín hiệu tích cực nhưng thực tế xu hướng đang nặng về đơn giản hóa, còn cắt giảm thực chất chỉ mới khoảng 10% như nhận định của CIEM.
“Điều tra của VCCI cho thấy hiện vẫn có 58% DN đang phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện; 42% DN trong số đó cho biết họ gặp khó khăn khi xin giấy phép” - ông Tuấn dẫn số liệu.
Thanh tra, kiểm tra là ra “quà” Vấn đề thanh tra, kiểm tra cũng được các chuyên gia đề cập. Ông Đậu Anh Tuấn nói ông vẫn thấy các DN lớn bị thanh tra, kiểm tra thường xuyên. “DN phản ánh vẫn bị kiểm tra, thanh tra nhiều. Kiểm tra nhiều khi chả có gì đâu nhưng có “quà”. DN nào càng to càng đón thanh tra, kiểm tra nhiều. Điều này tăng chi phí cho DN” - ông Tuấn nói. |
Theo ông Tuấn, hiện nay việc cắt giảm điều kiện kinh doanh nảy sinh vấn đề chưa thống nhất về tiêu chí xác định quy định nào cắt bỏ hay giữ lại. “Có nghị định bỏ các điều kiện kinh doanh yêu cầu kinh nghiệm hoặc bằng cấp của nhân lực nhưng lại có nghị định khác vẫn duy trì. Có nơi sử dụng tiêu chí về lịch sử tuân thủ của một loại hàng hóa để giữ lại, loại bỏ trong danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành trong khi nơi khác lại không sử dụng biện pháp này” - ông Tuấn nêu và đề nghị Chính phủ cần có nghị định về công bố và kiểm soát điều kiện kinh doanh.
Báo cáo của CIEM cho hay hải quan, thuế… đã có những bước tiến mới về thực hiện thủ tục điện tử nhưng cũng thực hiện thủ tục bằng giấy song song. “Nhiều chỗ không muốn bỏ giấy tờ, cố gắng yêu cầu có giấy tờ để làm khó DN” - Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nói và đề nghị phải nhất quyết chuyển những thủ tục hành chính sang điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt.
Bởi theo ông Cung, trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giảm tối đa tiếp xúc giữa người dân và công chức. “Thực tế những chỗ hay tiếp xúc là hay xảy ra đút lót, tham nhũng vặt; là chỗ để công chức cố tình gây phiền hà, khó khăn và vòi tiền DN” - ông Cung nói thẳng.
Môi trường kinh doanh còn kém nhiều nước Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện CIEM, cho rằng: Sau năm năm, môi trường kinh doanh được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng. So với năm 2015, thứ hạng của Việt Nam đã tăng 21 bậc. Có sáu chỉ số tăng hạng, bao gồm: tiếp cận điện năng, tăng 108 bậc, lên thứ 37; nộp thuế và bảo hiểm, tăng 42 bậc, lên thứ 131; bảo vệ nhà đầu tư, tăng 28 bậc, lên thứ 89; khởi sự kinh doanh, tăng 21 bậc, lên thứ 104; tiếp cận tín dụng, tăng bốn bậc, lên thứ 32 và cấp phép xây dựng, tăng một bậc, lên thứ 21. Tuy nhiên, thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam rất thấp. “Việt Nam hiện đứng thứ 69 thế giới và đứng thứ năm trong ASEAN. Con số này cách xa so với Singapore (đứng thứ hai), Malaysia (thứ 15) và Thái Lan (thứ 27), thậm chí còn kém Brunei (thứ 55) 14 bậc” - bà Thảo cho hay. |