Người lớn làm đúng, trẻ tin tưởng noi gương!

Nếu người lớn thiếu quan tâm, không tạo được môi trường an toàn, thân thiện, các em vì lo sợ, hoang mang có thể sẽ làm ngược lại mong muốn tốt của chính mình.

Kết quả cuộc khảo sát của báo Pháp Luật TP.HCM bộc lộ nhiều vấn đề đáng quan tâm trong tình trạng bạo lực học đường hiện nay. Tình trạng bạo lực đang tăng lên cả về mức độ, số lượng lẫn tính chất hành vi. Cách nghĩ, cách giải quyết của các em như thế nào là điều rất đáng lưu ý.

Hiểu đúng chưa chắc đã làm đúng!

Trên góc độ tâm lý giáo dục, tôi chú ý đến con số 67% ý kiến các em học sinh chọn giải pháp tích cực như can ngăn, gọi người lớn can thiệp khi nhìn thấy bạn đánh nhau. Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng chưa thật sự là điều tốt.

Băn khoăn nhất về vấn đề này là làm sao giúp các em biến ý tưởng đó thành hành động thực tế. Cách các em lựa chọn câu trả lời trên bản khảo sát cho thấy sự nhận thức, thái độ ứng xử, những việc gì cần phải làm khi nhìn thấy có người gặp nguy hiểm của đa số các em là đúng đắn. Nhận thức và thái độ này phù hợp với pháp luật và giá trị đạo đức, nhân bản.

Thầy cô là tấm gương để học sinh noi theo trong môi trường học đường. Ảnh minh họa: HTD

Hành động của con người dựa trên nhận thức và thái độ, tình cảm của người ấy. Trong điều kiện thuận lợi, chúng thống nhất với nhau. Khi có nhận thức đúng đắn và tình cảm tốt đẹp, người ta sẽ hành động phù hợp với đạo đức, pháp luật. Tuy nhiên, trong những điều kiện khó khăn, nguy hiểm, hành động có thể đi theo hướng ngược lại nhận thức. Nói nôm na, trong những hoàn cảnh không thuận lợi các em hiểu một đường mà làm một nẻo.

Sợ chính là động cơ của bạo lực

Ở đây, điều đáng ngại là 54% ý kiến trả lời “sợ bị trả thù” để lý giải việc không can ngăn đánh nhau. Một số khác giải thích “việc riêng của ai, người đó tự giải quyết”. Cách trả lời này như một sự né tránh, sợ vướng vào sẽ chuốc lấy rắc rối. Như vậy, có thể thấy sợ bị trả thù, tránh bị rắc rối là yếu tố mâu thuẫn giữa nhận thức, thái độ (trong sự chọn lựa ở trên) và hành động (không can ngăn, để mặc, tự giải quyết).

Câu hỏi tiếp theo đặt ra là làm sao giúp các em biết cách tự bảo vệ hoặc tìm sự bảo vệ ở đâu sau khi can thiệp một vụ đánh nhau mà việc can ngăn có khả năng đem lại nguy hiểm cho người can thiệp? Chính hành động của người lớn trong môi trường sống hằng ngày trả lời cho câu hỏi này. Nếu hành động thực tế của người lớn không giúp các em có lòng tin sẽ an toàn khi bảo vệ người khác thì không thể trông chờ nơi các em những hành động tích cực như chính các em cũng muốn điều đó. Giống như trong thế giới người lớn, người tố cáo tiêu cực không được bảo vệ, bị trù dập thì khó có thể phát động người ta hưởng ứng chống tiêu cực. Trong môi trường học sinh, người can ngăn hoặc giải quyết các vụ đánh nhau không được bảo vệ an toàn thì khó có thể tạo niềm tin ở các em.

Thêm bước nữa, một khi cho rằng sợ bị trả thù, tránh rắc rối là nguyên nhân không can ngăn bạo lực, khi chính mình bị đánh, trẻ em cũng không tin rằng mình được người khác cứu giúp, do đó tấn công người khác trước khi bị tấn công có thể được chọn là cách tự vệ nhanh nhất. Nói cách khác, sự sợ hãi đôi khi chính là động cơ cho bạo lực.

Tin xấu trên văn hóa phẩm tốt

67% ý kiến của giáo viên giải thích một trong những nguyên nhân của tình trạng bạo lực học đường là ảnh hưởng văn hóa phẩm xấu. Điều đó cho thấy người lớn đang biết rằng môi trường văn hóa xung quanh trẻ em không an toàn.

Ở đây, tôi muốn nói đến những tin xấu trên những văn hóa phẩm tốt. Trẻ em học tập từ chính gương hành động của người lớn, do đó nếu môi trường thực tế tốt thì người tiếp xúc văn hóa phẩm xấu vẫn đủ sức phân biệt chúng là sản phẩm hư cấu.

Làm sao người lớn không lo lắng trước những tin xấu, tin dữ ngày càng có xu hướng tăng lên phản ánh đời sống thực tế hằng ngày trên phương tiện truyền thông, từ thực phẩm không an toàn đến vụ án tham nhũng với số tiền khổng lồ, vụ án mại dâm mà người mua dâm có chức quyền, vụ án cướp của giết người, hoặc thanh toán vì cạnh tranh hết sức dã man… Trẻ em lại càng lo lắng gấp nhiều lần người lớn vì tính đề kháng của các em mỏng manh và các em lại đón nhận trực tiếp sự giáo dục chứa đựng tâm trạng lo lắng từ người lớn.

Cân đối cách đưa tin, bài là sự đóng góp đáng kể của ngành truyền thông trong việc định hướng thái độ và hành vi, cùng với đó là việc dạy môn đạo đức một cách tình cảm, thực tế hơn, từ chính tấm gương hành động của người lớn.

ĐOÀN BẮC VIỆT TRÂN, chuyên viên tư vấn tâm lý tổng đài (08) 1088

TP.HCM: Lấy ý kiến về bạo lực học đường

Chiều nay (9-4), Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức hội thảo chuyên đề Phòng chống bạo lực trong nhà trường. Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác học sinh-sinh viên, cho biết: Hội thảo này nhằm tiếp nhận ý kiến đóng góp từ các nhà lãnh đạo, những nhà quản lý giáo dục, những đội ngũ làm công tác đoàn, đội trong ngành giáo dục và đào tạo TP, những nhà tâm lý giáo dục có nhiều tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nhằm tìm ra thực trạng, những nguyên nhân và các giải pháp hữu hiệu trong công tác phòng, chống bạo lực trong nhà trường đang diễn ra một số nơi trong thời gian gần đây.

Đánh giá thực trạng bạo lực trong học sinh hiện nay tại nhà trường phổ thông, đề xuất các biện pháp nhằm đẩy mạnh vai trò của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, vai trò của tổ chức đoàn thể trong nhà trường để thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục thanh thiếu niên, học sinh phổ thông.

Q.VIỆT

Thêm hai học sinh bị đâm trọng thương

Trong giờ ra chơi, học sinh Nguyễn Long Vũ (học lớp 10A10, Trường THPT Nguyễn Trãi, thị xã An Khê, Gia Lai) đang ngồi trong lớp nói chuyện với bạn bất ngờ bị bạn cùng lớp là Cao Hoài Linh lao tới đâm nhiều nhát vào lưng. Trong đau đớn, Vũ cố bỏ chạy nhưng vẫn bị Linh đâm tiếp một nhát bên hông. Vụ việc xảy ra vào sáng 7-4.

Vũ được giáo viên trong trường đưa đi cấp cứu tại BV thị xã An Khê. Chiều cùng ngày, Vũ được chuyển đến BV Đa khoa tỉnh Bình Định để tiếp tục chữa trị và đã vượt qua được cuộc phẫu thuật.

Hiện Linh đã bỏ trốn và công an đang truy lùng. Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Trãi cho biết Linh là học sinh lưu ban, cá biệt. Trước đây gia đình Linh năn nỉ nhà trường tiếp nhận Linh vào học.

Trước đó, ngày 5-4, học sinh Nguyễn Thị Thúy Sang (học lớp 10A4, Trường THPT Lý Thường Kiệt, huyện Hòa Thành, Tây Ninh) đến quán nước trước cổng Trường THPT Bán công Nguyễn Trung Trực (huyện Hòa Thành) gặp bạn tên Bảo An. Sau đó, Sang đứng dậy chuẩn bị ra về thì bất ngờ bị Mã Thanh Thảo (17 tuổi, ngụ ấp Long Hải, xã Trường Tây, huyện Hòa Thành), đã nghỉ học, xông tới đâm Sang bị thương. Hiện công an đang xử lý vụ việc.

X.CH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới