Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bên ba mẹ. Ảnh: NVCC
Ngày em trai anh bị bắt cóc ngay trước cửa nhà, mẹ chạy trên chiếc Chaly nhỏ và vừa chạy vừa khóc, gọi tên con… đó là hình ảnh sẽ theo anh suốt cả cuộc đời.
Nhân ngày 20-10,PLOxin giới thiệu đến bạn đọc câu chuyện của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Anh là tác giả của hàng loạt ca khúc tên tuổi về mẹ: Mấy giờ con về, Tối qua sáng nay", " 8 lời nói dối của mẹ thư, Thư của mẹ, đặc biệt không thể không nhắc tới Nhật kí của mẹ do ca sĩ Hiền Thục thể hiện. Đằng sau những bài hát về mẹ là những câu chuyện dung dị, nghẹn ngào.
‘Ngày xưa tôi bướng bỉnh ham chơi’
Mẹ tôi là một người phụ nữ của gia đình. Ngày xưa, khi ba tôi thường xuyên phải đi làm từ sáng sớm đến tối mịt, mẹ ở nhà lo cho ba đứa con, bốn đứa cháu.
Nhà tôi bán văn phòng phẩm, gói quà rồi bán phong bì này kia nên mẹ vừa làm vừa phải lo những đứa con như vậy. Cho nên nhiều khi công việc mẹ bị áp lực, mẹ hơi hung dữ và tôi là đứa bị đón nhiều nhất. Cũng bởi vì ngày xưa, tôi là đứa bướng bỉnh và ham chơi hơn ham học.
Người mẹ tảo tần của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Ảnh: NVCC
Mẹ chăm lo cho chúng tôi từng ly từng tý. Không chỉ là chăm cho từng bữa ăn mà còn cả chuyện học hành. Con học bài mẹ cũng ngồi kế bên. Tôi học bài nào là mẹ học bài đó. Nhất là những ngày thi.
Mẹ rèn chữ cho tôi, học bài chung với tôi, cùng tôi vượt qua những kì thi. Tôi nhớ những lần mà mẹ chở tôi trên chiếc Chaly nhỏ để đi Chợ Lớn. Mẹ thì lấy đồ lấy hàng bán còn tôi thì đi ghé tiệm đồ chơi. Lần nào thấy mẹ đi lấy hàng tôi cũng xin đi theo để được mẹ mua đồ chơi. Đó là những kỷ niệm tôi nhớ nhất về mẹ.
Mẹ chạy trên chiếc Chaly nhỏ, vừa chạy vừa khóc...
Gia đình tôi từng trải qua một biến cố. Em trai tôi bị bắt cóc ngay trước nhà. Tối hôm đó, em trai tôi đang chơi trước nhà thì quay lại không thấy đâu hết. Mẹ báo cho công an phường, các phường lân cận. Sau ngày hôm đó, may mắn là đến khuya em trai tôi đã được tìm thấy.
Tôi nhớ mãi hình ảnh mẹ chạy trên chiếc Chaly nhỏ, vừa chạy vừa khóc, vừa kêu tên của em trai. Hình ảnh đó in sâu trong kí ức của tôi, không thể nào quên được.
Mẹ là người khơi nguồn cảm xúc cho rất nhiều sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Ảnh: NVCC
Lúc đó tôi mới biết là cho dù mẹ hay đánh, hay la mắng mình thì khi gặp chuyện, mẹ là người lo cho mình nhất. Mẹ là người nghĩ đến an toàn của mình nhất. Sau ngày hôm ấy, tôi không còn giận mẹ, không còn muốn cãi lời mẹ, không còn bướng bỉnh với mẹ nữa.
Mẹ nói tôi sẽ nghe bởi tôi nhận được một điều rằng khi mình gặp nguy hiểm thì mẹ là người lo cho mình nhất. Tôi thấy được hình ảnh đó.
Nếu một ngày bước chân con mỏi mệt
Đến năm 2008, sắp đến sinh nhật mẹ (sinh nhật mẹ ngày 5 tháng 5 Âm lịch – NV), tôi muốn tặng mẹ món quà sinh nhật. Những sinh nhật lần trước của mẹ, tôi tặng kẹp tóc, tặng vòng tay, trang sức, chứ không biết cái gì nữa.
Nhưng năm đó tôi muốn tặng cho mẹ món quà ý nghĩa hơn. Cho nên mới nảy ra ý định viết bài hát tặng mẹ. Tôi nghe những bài hát khác về mẹ của các anh, các chú nhạc sĩ khác, tôi thấy mọi người biết về mẹ hay quá rồi. Nếu mình cũng viết vậy, sẽ hời hợt, tôi sẽ thấy xấu hổ.
Tôi nghĩ thay vì viết về mẹ dưới góc nhìn của người con với người mẹ: con nhớ mẹ, con biết ơn mẹ hay con có lỗi với mẹ thì tôi sẽ viết bài hát về mẹ dưới góc nhìn của người mẹ nhìn về con.
Nhật ký của mẹ ra đời từ đó. Bài hát về quá trình nuôi dạy đứa con từ lúc mà con còn trong bụng mẹ cho đến lúc con ra đời, con đi học và con trưởng thành…Tôi sẽ viết bài hát dài như vậy để tặng mẹ. Bài Nhật kí của mẹ ra đời như vậy.
Sau đó, tôi viết thêm nhiều bài hát khác về: Mấy giờ con về, Tối qua sáng nay, 8 lời nói dối của mẹ, Thư của mẹ...
Bài Thư của mẹ tôi viết vào năm tôi mở công ty chung với 2 người bạn. Công ty hoạt động rất khó khăn bởi ba chúng tôi đứa đều là nghệ sĩ, không biết gì về giấy tờ thủ tục.
Nguyễn Văn Chung cảm thấy may mắn khi được là con của mẹ, còn mẹ. Ảnh: NVCC
Có những lúc tôi ở công ty liên tục rồi mới về nhà, mệ mỏi vô cùng. Khi về nhà tôi thấy một lá thư, mẹ để trên cây đàn của tôi. Lá thư đó mẹ viết lại rất nhiều và hầu như toàn bộ phần lời trong Thư của mẹ chính là lời mà mẹ đã viết cho tôi. "Một ngày nào đó có khó khăn gì khi những bước chân đã mỏi mệt, hãy trở về bên mái nhà, còn mẹ và vòng tay của cha…” (trích Thư của mẹ- PV).
Một thời gian sau đó, tôi gặp một giấc mơ, giấc mơ rất thật. Đó là khi tôi về nhà tự nhiên không thấy nữa, tôi đi vào bếp chỉ thấy bếp tối thui, trên bàn không có đồ ăn. Tôi gọi mẹ không nghe trả lời. Tôi đi lên lầu tìm mẹ cũng không thấy. Lần đầu tiên, tôi nếm trải cảm giác mất mẹ rất thật.
Tôi cảm thấy sợ, rất sợ. Tôi khóc trong giấc mơ. Tôi khóc rất lớn. Đến khi tỉnh dậy, tôi vẫn còn rơi nước mắt. Sau giấc mơ ấy, tôi trân trọng hơn những ngày mà mình còn được gặp mẹ. Mỗi ngày, tôi đều về với mẹ, ngồi ăn cơm với mẹ, nói chuyện với mẹ và tôi muốn làm những gì cha mẹ thấy vui và tự hào về tôi.
Ngay cả việc tôi viết những bài hát về gia đình, những bài hát thiếu nhi, những bài hát về cuộc sống về tình yêu đều mang ý nghĩa nhân văn, quan điểm tốt đẹp trong nghệ thuật. Tất cả những điều đó chỉ làm sao để mẹ cảm thấy vui và tự hào về tôi.
Khi mọi người khen những bài hát của tôi, mọi người khen thái độ sống và làm việc của tôi, cũng là lúc mọi người thừa nhận giá trị giáo dục mẹ đã dành cho tôi. Tôi muốn làm những điều đó để trả hiếu mẹ.
Chỉ mong mẹ khoẻ mạnh sống lâu với mình
Mới đây nhất, tôi sáng tác bài Dắt mẹ đi khắp thế gian. Đó khoảng thời gian mà mẹ tôi phải nằm trên giường bệnh, Tết năm ngoái. Bản thân tôi lúc đó cũng vừa trải qua một cú sốc trong cuộc sống. Tôi mất mát nhiều, tổn thương nhiều. Tôi gánh trên vai những gánh nặng, gánh nợ.
"Tôi mong ba mẹ luôn khỏe mạnh". Ảnh: NVCC
Thấy tôi như vậy, mẹ rất buồn. Mẹ suy sụp, phải nằm trong bệnh viện 1 tháng. Mẹ ở viện 1 tháng, tôi cũng ở trong viện với mẹ 1 tháng. Lúc đó, mong mỏi nhất duy nhất của tôi là mong sao mẹ mau khỏe lại. Tôi muốn đưa mẹ đi chơi, đưa mẹ đi ăn những món ngon, cho mẹ thấy những nơi đẹp đẽ, dành những điều tốt nhất cho mẹ đó. Đó là ý nghĩa của bài hát “Dắt mẹ đi khắp thế gian"..
Mong muốn lớn nhất của tôi là chỉ mong cho mẹ được khỏe mạnh được sống càng lâu càng tốt với mình. Tôi chỉ cần như vậy thôi, còn lại những niềm vui của mẹ, sự bình an, tôi sẽ tự tay mang đến cho mẹ.
Nhật Ký Của Mẹ từng lọt “Top 1 trending” ở các bảng xếp hạng âm nhạc trong nước bấy giờ, và liên tục được khán giả yêu cầu nhiều trên TV và liveshow. Ca sĩ Hiền Thục giúp bài hát chạm đến trái tim của hàng triệu khán giả. Bài hát giúp tên tuổi Hiền Thục thăng hoa, thậm chí không ít người nhận định đây là ca khúc thành công nhất trong sự nghiệp của nữ ca sĩ Hiền Thục. |