Với lạm phát tăng nhanh từ năm 2022, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục tăng lãi suất. Đến thời điểm này Fed chưa một lần hạ lãi suất và giữ lãi suất rất cao từ 5,25-5,50%.
Dù vậy, giá vàng vẫn có xu hướng tăng, và đạt đỉnh cao nhất mọi thời đại với mức giá 2.450 USD/ounce, tương đương 75,86 triệu đồng/lượng vào tháng 5-2024. Nhờ đó, người mua vàng vẫn có lợi nhuận lớn trong bối cảnh này.
Thị trường đang chờ đợi lạm phát Mỹ về mục tiêu 2% như Fed đặt ra. Khi lạm phát giảm, Fed sẽ giảm lãi suất. Thông thường, lãi suất giảm sẽ giúp vàng tăng giá.
Tuy nhiên, ông Alex Ebkarian, Giám đốc điều hành Công ty Allegiance Gold, chuyên đầu tư vàng cho biết, có hai trường hợp xảy ra khi lạm phát Mỹ về mục tiêu 2%. Khi lạm phát giảm, nhà đầu tư có thể ngừng mua vàng vì không còn phải lo bảo toàn giá trị tài sản. Lực cầu giảm thì vàng giảm giá.
Nhưng nếu xét tích lũy giá cả theo 3 năm qua, lạm phát chưa chắc đã hạ nhiệt, mọi người mua vàng sẽ tiếp tục tích lũy giá trị tài sản để phòng ngừa biến động. Khi đó vàng vẫn tăng giá.
Tiến sĩ Roger D. Silk, Giám đốc điều hành Tập đoàn Sterling Foundation Management nhận định, giá vàng thường sẽ không biến động với lạm phát theo ngắn hạn, kể cả khi lạm phát Mỹ về mục tiêu 2%. Thay vào đó, giá vàng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế và địa chính trị.
Chẳng hạn, các ngân hàng trung ương toàn cầu mua vàng để đa dạng dự trữ ngoại hối nhằm tránh phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ.
Theo các chuyên gia, người mua vàng phải theo dõi sát các thông tin kinh tế, chính trị để có các quyết định giao dịch chính xác. Còn muốn có lời ổn định và cao, người mua vàng nên đầu tư dài hạn.