Người thầy hạnh phúc sẽ đem đến cho HS những giờ học thú vị

Sáng 25-11, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 23 tại Nhà hát TP.

Giải thưởng do Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh những nhà giáo tiêu biểu, qua đó phát huy truyền thông “Tôn sư trọng đạo”.

Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy (thứ 2 từ trái qua) trao bằng khen cho cô Phạm Thị Ngọc Lan, giáo viên trường mầm non Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các thế hệ lãnh đạo TP luôn nhất quán quan điểm GD&ĐT là quốc sách. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, tạo động lực cho sự phát triển. Vì vậy, tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên an tâm công tác với chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng… là những yếu tố quyết định không chỉ đối với ngành giáo dục mà còn cả tương lai của thành phố, của dân tộc.

“Tôi rất vui mừng vì TP xây dựng Giải thưởng Võ Trường Toản được trao đều đặn hàng năm nhằm tôn vinh những nhà giáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục Thành phố. Qua 23 năm phát triển, giải thưởng đã vinh danh 764 thầy cô giáo tiêu biểu" - ông Hải nói. 

Ông Hải đề nghị ngành giáo dục tiếp tục phối hợp đề xuất với lãnh đạo thành phố những chế độ, chính sách đãi ngộ xứng đáng để giáo viên có đời sống vật chất và tinh thần thoải mái, yên tâm công tác. 

 “Người thầy phải hạnh phúc mới có thể đem đến cho học sinh những giờ học sinh động, hấp dẫn, mới có thể dạy cho các em hướng đến xây dựng một gia đình, một xã hội hạnh phúc” - ông Hải nói.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM (thứ 2 từ trái qua) tặng bằng khen cho thầy Phạm Đông Phương, giáo viên trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 11. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Thầy Phạm Đông Phương, giáo viên trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 11, một trong 50 nhà giáo được nhận giải thưởng, chia sẻ: “Năm nay tôi đã 55 tuổi nhưng tôi mới đi dạy có 15 năm vì tôi tốt nghiệp đại học năm 40 tuổi.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, nhà nghèo, có đến 7 anh chị em, tôi là con đầu nên dù ham học nhưng cũng tạm gác ước mơ của mình đi làm nuôi các em".

Theo thầy Phương, từ Bình Định thầy vào Sài Gòn đạp xích lô, chạy xe ôm, đi khuân vác để có tiền chăm lo cho các em. Không phụ tấm lòng của thầy, 4 em đều đậu và tốt nghiệp đại học.

Vinh danh 50 nhà giáo đạt giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 23. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Sau khi các em ăn học đàng hoàng, năm 2001 thầy mới bắt đầu ôn thi và đậu vào khoa Vật lý, trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM.

“Tôi học chung với các em, tuổi chỉ bằng một nửa mình. Các em gọi tôi bằng chú. Tôi quyết tâm học đàng hoàng, năm 2005 tôi tốt nghiệp đại học và được phân công về trường THPT Long Trường, quận 9. Tôi ở Long Trường 7 năm sau đó mới chuyển về trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Hôm nay được nhận danh hiệu này không chỉ là nỗ lực của bản thân mà còn là sự hỗ trợ của lãnh đạo giúp đỡ của đồng nghiệp” - thầy Phương nói.

Theo thầy Phương, để học sinh thích học thì người thầy phải làm sao để học trò thích mình. Còn những ai không thích thì phải làm cho học sinh sợ, từ sợ các em sẽ chịu học.

Hiện nay thầy đang mang trong mình căn bệnh ung thư, có dấu hiệu di căn, nhưng thầy vẫn đam mê với công việc, vẫn ngày ngày lên lớp truyền thụ kiến thức và luôn nở nụ cười với phong thái lạc quan, vui vẻ.

Mỗi thầy cô được giải năm nay sẽ được nhận Bằng khen của UBND TP, quà tặng và Kỷ niệm chương của Ban tổ chức cùng số tiền thưởng 20 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới